VFA và các địa phương "chưa gặp nhau"
Địa phương là người nắm rõ nhất tình hình tiêu thụ lúa gạo, nhưng VFA lại không có sự phối hợp, khiến địa phương rất bối rối.
- 16-06-2013Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Giá lúa vẫn thấp và khó tiêu thụ
- 16-06-2013Xuất khẩu gạo tăng nhưng nông dân lỗ nặng
- 15-06-2013Mua tạm trữ lúa gạo: Nông dân lo, doanh nghiệp không mặn mà
Quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) vụ HT 2013 ở các tỉnh, thành ĐBSCL có hiệu lực, nhưng thị trường lúa gạo khu vực này gần như vẫn án binh bất động. Giá lúa vẫn đứng ở mức thấp và khó tiêu thụ.
Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: Vụ lúa HT năm nay toàn tỉnh SX trên 230.000 ha, đến thời điểm này mới thu hoạch được gần 20% diện tích của tỉnh.
Ông Đức đề xuất, nếu giao tạm trữ nên có sự kết hợp giữa VFA và địa phương để chọn DN nào có đủ điều kiện, sử dụng số tiền hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo lần này bằng cách cho nông dân vay với lãi suất bằng không trong vòng 3 tháng để có tiền thanh toán ngân hàng hoặc trả tiền cho các đại lý bán VTNN. Đa phần bà con nông dân làm lúa hiện nay đều mua phân bón, thuốc BVTV nợ trước trả sau ở các đại lý.
Còn ông Lê Chí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, vấn đề quan trọng nhất là phải chọn thời điểm thích hợp để đưa ra thu mua tạm trữ nhằm giúp cho nông dân được hưởng lợi, tạo mặt bằng mới về giá. Việc đưa ra chỉ tiêu tạm trữ lúc nào cũng muộn so với mùa vụ.
Thông thường, Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích thu hoạch sớm hơn các tỉnh ở ĐBSCL, ngày 15/6 mới triển khai cho thu mua tạm trữ, trong khi đó diện tích đã thu hoạch lúa HT của tỉnh thời điểm này đã trên 60% so với diện tích gieo sạ là 198.000 ha.
Trước tình hình giá lúa đang gặp khó khăn và thời tiết mưa bão đa phần nông dân bán lúa tươi tại ruộng nhằm bớt gánh nặng thêm các khâu chi phí phơi sấy hoặc cất giữ trong nhà. Như vậy nông dân không được hưởng lợi gì nhiều đối với chương trình mua tạm trữ lần này.
Ông Đặng Văn Lớp, GĐ Sở Công Thương Long An cho biết, thực tế thời gian qua trong công tác tạm trữ có sự bất cập trong việc giao chỉ tiêu cho các địa phương. Nhiều nơi có lúa nhiều nhưng chỉ tiêu giao lại rất ít và ngược lại. Thời gian tạm trữ cũng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, nông dân thu hoạch gần hết mới cho tạm trữ nên không làm tăng giá lúa của nông dân; không rõ ràng trong phân bổ và kiểm tra quá trình thực hiện mua tạm trữ.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, GĐ Sở Công thương An Giang cho rằng, tạm trữ ở địa phương không có nghĩa là loại bỏ các DN ở địa phương khác tới tham gia thu mua tạm trữ. Theo đó, các DN có nhu cầu tạm trữ đăng ký với UBND tỉnh, sau đó tỉnh sẽ tổng hợp, rà soát năng lực của các DN “sân nhà” cũng như DN của các địa bàn lân cận có kho chứa tại địa phương để phân bổ chỉ tiêu tạm trữ. Đằng này phân bổ chỉ theo hệ thống DN của VFA đưa ra là bất hợp lý.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Gành, GĐ Sở Công thương Kiên Giang cho biết: “Địa phương là người nắm rõ nhất tình hình tiêu thụ lúa gạo, nhưng VFA lại không có sự phối hợp, khiến địa phương rất bối rối. Thông thường họ giao chỉ tiêu trực tiếp cho các DN thành viên chứ không thông qua ngành công thương tỉnh nên rất khó cho địa phương”.
Theo ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì đến thời điểm này này toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 35.000/240.000 ha lúa HT đã gieo sạ, năng suất trung bình ước đạt 5,4 tấn/ha. Áp lực tiêu thụ lúa ngày càng gia tăng khi nông dân bắt đầu thu hoạch rộ, trong khi lúa tồn đọng trong dân từ vụ ĐX đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết.
Trước những bức xúc của bà con nông dân về tình hình tiêu thụ lúa, vừa qua, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng với các sở, ngành đã đi khảo sát tình hình lúa hàng hóa tồn đọng trong dân tại huyện Giồng Riềng.
Hiện nay, nhiều xã trong huyện đã bắt đầu thu hoạch, tuy nhiên lúa rất khó tiêu thụ, giá lúa được thương lái thu mua với giống IR 50404 chỉ từ 3.600-3.800 đ/kg, lúa hạt dài 4.000-4.200 đ/kg thấp hơn so với điểm đầu vụ từ 400-500 đ/kg. Đa số nông dân thu hoạch và bán lúa ngay tại ruộng.
Điều đáng lưu ý là nhiều nơi nông dân vẫn còn tồn đọng lúa hàng hóa từ vụ ĐX đến nay vẫn chưa bán được, giờ lại thu hoạch tiếp vụ HT khiến lúa chồng lúa. Cụ thể, khảo sát tại xã Thạnh Lộc, tỷ lệ lúa còn tồn đọng trong dân khoảng 10% tương đương 2.500 tấn, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao.
Đa số là những nông dân có diện tích trồng lúa lớn, có kho tạm trữ riêng nên trữ lại chờ giá, nhưng rồi thất vọng do giá ngày càng giảm...
Theo Đ.T.Chánh – Lê Hoàng Vũ