MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam liệu có trúng thầu cung cấp gạo cho Philippines?

14-04-2014 - 14:33 PM |

Ưu điểm của Việt Nam đó là chi phí vận tải thấp hơn Thái Lan, chất lượng gạo tốt. Tuy nhiên, nhược điểm là giá gạo trong nước tương đối cao.

Ngày 15/4 tới đây Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ mở thầu nhập khẩu 800.000 tấn gạo, giao hàng từ tháng 5-9/2014. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tham gia dự thầu cung cấp gạo cho Philippines đợt này. Vậy, dự kiến VFA sẽ cung cấp cho Philippines bao nhiêu và mức giá nào?

Theo các nhà phân tích, đến nay đã có một số Cty và quốc gia tham gia dự thầu, tuy nhiên các ứng cử viên nặng ký nhất trong đợt này sẽ chỉ là Thái Lan và Việt Nam.

Bước vào năm 2014, thị trường gạo thế giới như nhuốm một màu u ám. Hạt gạo mà từ ngàn xưa các cụ ví hạt ngọc bỗng như bị hắt hủi, rẻ như rơm như rác. Chỉ riêng Thái Lan cũng đã tồn kho tới 12,5 triệu tấn, tương đương 1/3 mậu dịch gạo toàn cầu, đến nỗi ông Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã phải tuyên bố Thái Lan sẽ xả hàng bằng bất cứ giá nào!

Tình hình thị trường gạo Việt Nam thì sao? Năm 2013 theo số liệu chính thức của VFA, Việt Nam xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, giảm 1,1 triệu tấn hay 14% so với năm 2012 (7,8 triệu tấn). Tuy nhiên điều may mắn của Việt Nam là số lượng gạo xuất tiểu ngạch năm 2013 tăng vọt tương ứng lên khoảng 1,4 triệu tấn. Những tháng cuối năm 2013 đầu 2014, áp lực giảm giá lên gạo nội địa Việt Nam không cao, thậm chí cuối tháng 2 năm nay còn tăng nhẹ.

Tại phía Bắc, do việc siết tải trọng xe, nên giá cước vận chuyển từ Hải Phòng lên các cửa khẩu phía Bắc tăng thêm khoảng 700.000đ/tấn (35 USD) trong khi giá gạo ở khu vực ĐBSCL vẫn tăng (do chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ). Bên cạnh đó, việc giảm tải các xe ô tô cũng đòi hỏi lượng lớn đầu xe ô tô tải (gấp 2 lần so với trước đây)... Tất cả những vấn đề mới phát sinh này đã chặn đứng con đường xuất tiểu ngạch của gạo Việt Nam, tạo áp lực lên việc tiêu thụ ở ĐBSCL vụ đông xuân và liền theo đó là vụ hè thu sắp tới.

Như vậy có thể thấy rõ, áp lực tiêu thụ gạo của hai ứng viên nặng ký nhất là Thái Lan và Việt Nam đều vô cùng lớn và người hưởng lợi đương nhiên là nhà nhập khẩu NFA.

Đối với Thái Lan, những ưu điểm chính là tồn kho sẵn có với số lượng lớn. Mặt bằng giá nội địa hiện nay tương đương với gạo Việt Nam, kể cả gạo vụ mới 2014. Tuy nhiên, ưu thế về giá của gạo Thái Lan hiện nay đang giảm dần. Xuất khẩu gạo của Thái Lan từ đầu năm nay tăng đột biến lên khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 33,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy mặt bằng giá của Thái Lan hiện nay đã được người mua chấp nhận, mặc dù Thái Lan đang tích cực xả kho dự trữ, người mua không thể mãi nhịn đói để đứng ngoài thị trường hòng ép giá người bán. Đây cũng là lý do để Thái Lan sẽ không bán gạo bằng bất cứ giá nào như ông Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan - Chookiat Ophaswongse, đã phát biểu.

Những yếu điểm cơ bản của Thái Lan sẽ là quãng đường vận chuyển đến Philippines xa hơn Việt Nam làm cho chi phí vận tải cao hơn (ước chừng 10USD/tấn). Hiện nay tốc độ xả kho gạo dự trữ nói riêng và tốc độ xuất khẩu gạo nói chung của Thái Lan đang ở mức rất cao. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Philippines tương đối gấp, bình quân 200.000 tấn/tháng, sẽ cản trở việc giao hàng theo đúng yêu cầu về tiến độ do cơ sở hạ tầng giao thông quá tải, không đáp ứng kịp. Có thể, sẽ có sự nghi ngại đối với gạo Thái Lan do gạo để trong kho lâu ngày, chất lượng không đảm bảo cho người ăn.

Ưu điểm của Việt Nam đó là chi phí vận tải thấp hơn Thái Lan. Việt Nam dễ dàng đáp ứng được tiến độ giao hàng do cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển tốt, nhất là trong giai đoạn hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chậm lại. Chất lượng gạo tốt vì là gạo vụ mới 2014; quan hệ truyền thống tốt với Philippines trong việc bán gạo. Điều này rất quan trọng, nó giúp cho việc vận động hành lang của Việt Nam tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nhược điểm là giá gạo trong nước tương đối cao do chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn của Chính phủ. Giá gạo 15% tấm nhập kho của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ở mức tương đương giá xuất khẩu 365USD/tấn - FOB. Điều này sẽ là trở ngại lớn đối với Việt Nam, khi Thái Lan quyết chiến thắng bằng cách hạ giá bỏ thầu. Giá gạo trong nước cao, trong khi lại phải luôn sẵn sàng cho kịch bản người khổng lồ Trung Quốc đột ngột tăng nhập khẩu gạo Việt Nam bằng cả chính ngạch và tiểu ngạch làm giá gạo nội địa tăng đột biến.

Từ những phân tích trên có thể tạm nhận định: cả Thái Lan và Việt Nam đều sẽ không mạo hiểm đưa ra giá bỏ thầu quá thấp. Tuy nhiên có một yếu tố vô cùng quan trọng là ngân sách của chính phủ Philippines giành cho việc nhập khẩu 800.000 tấn gạo khoảng 382 triệu USD. Từ đó có thể dự kiến, giá trần sẽ khoảng 477USD/tấn (giá giao tại kho của NFA). Với điều kiện này, dự báo kết quả đấu thầu 800.000 tấn gạo của Philippines như sau: Việt Nam trúng thầu 500.000 tấn, Thái Lan 300.000 tấn. Mức giá trúng thầu: gạo 15% tấm là 468USD/tấn (giá giao tại kho NFA). Đối với Việt Nam, mức giá trên tương đương 390USD/tấn - FOB.

Đây có lẽ cũng là kịch bản đẹp nhất để cả ba bên: Việt Nam, Thái Lan, Philippines cùng thắng.

Theo Tài Dũng

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên