Xuất khẩu gạo 2013: Dự kiến sẽ đối diện nhiều khó khăn
Năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn 2012.
- 06-12-2012Siết điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo
- 28-11-2012Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh
- 11-11-2012Vị đắng ngôi vị số 1 xuất khẩu gạo
- 03-11-2012Chạy đua xuất khẩu gạo cuối năm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1-12 đến ngày 20-12, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 398.113 tấn, trị giá FOB đạt 182,896 triệu USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lũy kế xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt gần 7,5 triệu tấn, trị giá FOB 3,345 tỷ USD. Kết lại năm 2012, ngành gạo Việt Nam đã vượt chỉ tiêu tổng sản lượng xuất khẩu gạo, tuy nhiên, điều đáng buồn là kim ngạch xuất khẩu lại sụt giảm khá nhiều.
Nguy cơ cạnh tranh gay gắt
Kịch bản dự báo Việt Nam có thể đứng nhất về lượng gạo xuất khẩu đã không xảy ra. Theo tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Ấn Độ đã bứt phá ngoạn mục trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới năm 2012, với trên 9 triệu tấn gạo xuất khẩu, kết thúc 2 thập kỷ nắm giữ vị trí số 1 của Thái Lan. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2. Thái Lan ở vị trí thứ 3.
Tuy nhiên, những gì Việt Nam đạt được vẫn là kết quả rất đáng ghi nhận, với 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu cho năm 2012, một bước tiến lớn khỏi mốc 7,105 triệu tấn của năm 2011. Một điểm sáng nổi bật nữa của xuất khẩu gạo năm qua là lượng gạo chất lượng cao (gạo 5% tấm, gạo thơm, nếp) chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường xuất khẩu với khoảng 3,4 triệu tấn, chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Vấn đề đặt ra ở đây là, lượng gạo xuất khẩu lại không đi kèm kim ngạch xuất khẩu, khi kim ngạch năm nay chỉ vào khoảng 3,34 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 3,7 tỷ USD năm 2011.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo VFA, trị giá xuất khẩu thấp là do giá thị trường thế giới sụt giảm liên tiếp kể từ cuối năm 2011 khi Ấn Độ tăng cường xuất khẩu gạo loại thông thường với mức giá thấp. Bình quân giá gạo trong năm 2012 đã giảm khoảng 85 USD/tấn so với năm 2011. Việc ký kết các hợp đồng tập trung lớn giá cao cũng không nhiều, chủ yếu là hợp đồng xuất khẩu gạo thương mại giá thấp, dẫn đến tỷ lệ rủi ro cao.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp cũng cho rằng, vấn đề của xuất khẩu gạo năm nay là câu chuyện lượng tăng, giá giảm. Đây là hậu quả của những năm trước khi các quốc gia tập trung bảo đảm an ninh lương thực, dự trữ lúa gạo, dẫn đến một số lượng lớn gạo được tung ra thị trường trong năm nay.
Cũng bởi thế, năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn 2012. Theo VFA, năm 2013, hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2012 chuyển sang chỉ khoảng 400.000 tấn, sản lượng gạo tồn kho chuyển sang khoảng 600.000 tấn, giảm gần 1/2 so với cùng kỳ. Song, quý I-2013 là thời điểm các tỉnh ĐB sông Cửu Long thu hoạch vụ đông xuân, do đó, sản lượng gạo sẽ tăng nhanh.
Việt Nam tiếp tục vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, Myanmar... FAO dự đoán rằng, trong năm 2013, nhiều khả năng Thái Lan sẽ lấy lại ngôi vị xuất khẩu số 1, với khoảng 8 triệu tấn. Lượng gạo tồn của Thái Lan hiện lên tới 12 triệu tấn, nên nhiều khả năng sẽ bung ra thị trường trong năm tới. Trung Quốc – vốn đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng do Trung Quốc và Thái Lan đã ký hiệp định thương mại riêng, nên Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn với thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, sản lượng tại các thị trường khác khó tăng. Xuất khẩu sang các nước châu Phi thì không thể lấy giá cao.
Cùng với đó, nhu cầu của thị trường thế giới vẫn tiếp tục sụt giảm. Philippines, một trong những khách hàng lớn của gạo Việt Nam, tuyên bố có thể hủy kế hoạch nhập 100.000 tấn gạo trong năm tới. Chính phủ Indonesia cũng cho biết có thể giảm lượng gạo nhập khẩu về mức 1,5 triệu tấn trong năm 2013, từ mức khoảng 1,7 triệu tấn trong năm nay. Malaysia, châu Phi vẫn còn đủ gạo cho đến hết quý I-2013.
Ổn định thị trường, giữ giá xuất khẩu
Đối diện với những khó khăn, để xuất khẩu gạo cho năm 2013 đạt mức 7,5 triệu tấn, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam nên tính đến một số phương án tạm trữ gạo nhất định, đi kèm đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia một số quỹ bình ổn thị trường gạo thế giới, các nước cùng chia sẻ kinh phí đảm bảo an ninh lương thực.
Tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo, tiếp tục thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nhiều DN trong nước như CTCP xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã xuất khẩu gạo chất lượng cao và thành công. Đồng thời, có thể thu thêm giá trị gia tăng từ sản xuất lúa gạo, đơn cử, các phụ phẩm như rơm rạ, trấu... một phần chuyển thành thức ăn chăn nuôi, hoặc làm than, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị. Đặc biệt, tại một số vùng trồng lúa gạo không hiệu quả, cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, trồng các loại rau màu cho giá trị cao như ngô, khoai... hoặc làm thủy sản, nhằm giảm sức ép thừa cung, duy trì lượng gạo vừa phải cho thị trường.
VFA cũng vừa điều chỉnh mức giá sàn xuất khẩu gạo từ 27-12, giá tối thiểu loại 35% tấm xuất khẩu là 370 USD/tấn/FOB, đóng bao 50kg/bao theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Việc điều chỉnh giá sàn là nhằm hạn chế việc DN xuất khẩu gạo tự ý hạ giá chào xuất khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gạo.
Trong cuộc họp mới đây nhất về tình hình xuất khẩu, kế hoạch điều hành thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo với các Bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN, sau vụ Đông Xuân này, Chính phủ sẽ xem xét ban hành, áp dụng cơ chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo, nhằm điều tiết thị trường bảo đảm hiệu quả sản xuất, xuất khẩu mặt hàng chiến lược này cho nông dân, DN.
Theo Nguyễn Nga
Đại đoàn kết