MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo “bế ngoại, tắc nội”

15-04-2014 - 07:33 AM |

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang tắc trên mọi thị trường vì Thái Lan chào bán với giá rẻ nhất thế giới.

Ông Nguyễn Hùng Linh, tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết hôm nay (15/4) Philippines mở phiên đấu thầu mở mua 800.000 tấn gạo cho phép cả các nước hoặc các doanh nghiệp (DN) tư nhân không có thỏa thuận cung cấp gạo với Philippines đều có cơ hội tham gia đấu thầu.

Điều này có nghĩa Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan đang xả hàng bán giá thấp và nhiều đối thủ xuất khẩu khác cũng chen chân.  

Tiến thoái lưỡng nan 

Theo ông Linh, Chủ tịch VFA, phiên đấu thầu Philippines là một trong những lối thoát lớn không chỉ cho xuất khẩu gạo Việt Nam mà còn cho nhiều nước khác. Trong quý I-2014, Philippines đã mua đến 31% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, tăng 554% so với cùng kỳ năm ngoái.  Tuy nhiên, hiện Việt Nam không dễ để có được hợp đồng này vì bị cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan. 

Vướng mắc lớn nhất vẫn là giá bán, nếu bỏ thầu quá cao sẽ không giành được hợp đồng, còn thấp quá DN ta sẽ lỗ.  Không chỉ gặp khó ở thị trường truyền thống như Philippines, gạo nước ta hiện đang bế tắc trên các thị trường chủ lực khác. Những tháng đầu năm 2014, xuất khẩu sang châu Phi đã giảm hơn 60%, châu Mỹ giảm hơn 50%.  

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho biết gạo Việt đang ngưng xuất khẩu vì chịu sức ép cạnh tranh từ hai đối thủ Ấn Độ và Pakistan nhờ lợi thế cước phí vận tải thấp hơn nên giá rẻ hơn từ 30 đến 40 USD/tấn. Đặc biệt Thái Lan đang “làm mưa làm gió” thị trường châu Phi khi bán hơn 1 triệu tấn gạo với giá rẻ nhất, thấp hơn gạo Việt từ 5 đến 10 USD/tấn. 

“Sức ép trả nợ cho nông dân, nỗi lo hư hỏng gạo nếu trữ lâu trong kho và mục đích chính trị đã buộc Thái Lan bán tháo gạo bằng cách bán giá rẻ nhất. Điều này đã đẩy DN Việt Nam rơi vào thế khó, bán thì không ai mua, mà giảm giá thì lỗ, đua với Thái Lan bán rẻ thì không thể” - ông Tuấn chia sẻ.  

Ngay tại thị trường trong nước, DN xuất khẩu gạo cũng đang bị mắc kẹt khi Trung Quốc không chịu mua gạo qua chính ngạch mà đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch.  Điều này tạo điều kiện cho giá gạo nội địa tăng lên, nếu mua vào thì DN phải bán ra với giá xuất khẩu cao hơn giá thị trường từ 5 đến 10 USD/tấn. Như vậy DN mua vào thì bán ngay chắc chắn lỗ, mà bây giờ muốn bán cũng không ai mua vì cạnh tranh từ Thái Lan.  

Cố gắng không để nông dân bị thiệt

Ông Nguyễn Văn Đôn, Công ty TNHH Hưng Việt, thị trường gạo thế giới khủng hoảng cân đối cung cầu từ mấy năm qua. Việt Nam liên tục được mùa, Ấn Độ thì quyết định xả kho lương thực khổng lồ để xuất khẩu còn Thái Lan thì đang ra sức bán dần kho gạo mua trợ giá cho nông dân.  

Theo các chuyên gia, áp lực việc bán gạo giá rẻ của Thái Lan mới chỉ bắt đầu, để xả hết kho gạo dự trữ, nước này phải mất 3-5 năm, đây sẽ là thảm họa đối với ngành lúa gạo thế giới. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu gạo Việt Nam phải chịu chung số phận.  

Về giá thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho nông dân ở mức thấp trong tình hình xuất khẩu bế tắc như hiện nay, ông Đôn cho hay nghịch cảnh là vậy nhưng DN vẫn đang mua bình thường theo đúng giá lúa thị trường và sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Giờ DN chỉ còn biết chờ thời, hy vọng diễn biến thị trường sẽ khả quan hơn.  

Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA, hiện nay DN đã thu mua tạm trữ đạt trên 70% kế hoạch đề ra. Với giá lúa gạo hiện nay, nông dân có lợi nhuận rất ít nhưng trong tình cảnh bế tắc thị trường xuất khẩu thì đây vẫn là tín hiệu tốt. Việc xuất khẩu tiểu ngạch sẽ vẫn khuyến khích để có thể tiêu thụ lúa thu hoạch và giá tăng sẽ có lợi cho nông dân. Còn đối với DN, VFA đang tích cực tận dụng mối quan hệ “lâu năm” để giữ vững thị trường truyền thống, đồng thời, khai thác những thị trường mới.  

Đã có giải pháp nhưng làm nửa vời 

GS Võ Tòng Xuân cho rằng xuất khẩu gạo cũng như các nông sản luôn lâm vào tình trạng được mùa mất giá không phải là bí giải pháp. Mà giải pháp đã có, đang làm nhưng làm không đến nơi, thiếu liên kết đồng bộ.  

Theo GS Võ Tồng Xuân, giải pháp ấy là nguyên tắc là “ba chân”, gồm: Chân thứ nhất là tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu với những quy chế chặt chẽ, nghiêm ngặt từng thành viên trong chuỗi liên kết, vi phạm sẽ bị phạt. Chân thứ hai là xúc tiến thương mại và chân thứ ba là tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng.  

Đáng buồn là thời gian qua chúng ta lại cắt khúc từng công đoạn này, mạnh ai nấy làm. Như việc tổ chức trồng nông sản khác theo hướng tiêu chuẩn GAP nhưng khi dự án của các tổ chức phi chính phủ làm xong, rút đi thì người nuôi cũng ngưng thực hiện. Vì họ không thấy lợi ích trong việc tiếp tục áp dụng các quy chuẩn GAP. Bởi lẽ phải liên kết chặt giữa sản xuất với tiếp cận thị trường thì chúng ta chỉ hướng dẫn phần kỹ thuật trồng mà chưa hướng dẫn người dân tiếp cận thị trường hay liên kết lại để cùng tạo ra sản lượng hàng hóa lớn cung ứng thị trường. Cánh đồng lớn làm một mô hình chuỗi liên kết ba chân tốt nhất từ trước đến nay của ngành lúa gạo nhưng có mấy DN chịu làm và làm tốt các khâu.

 

 Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu quý I-2014, số lượng gạo nước ta xuất khẩu ước đạt 1,2 triệu tấn, trị giá khoảng 530 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 15,4%, trị giá giảm 17%. Đứng đầu vẫn là Ấn Độ với 2,2 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong quý I , đứng thứ hai là Thái Lan với hơn 2 triệu tấn.

Hiện nay, thị trường Trung Quốc chỉ nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch, tuy nhiên các nhà nhập khẩu nước này mua từ từ với số lượng vừa phải nên giá không cao hơn giá thị trường trong nước nhiều. Nguyên nhân là nếu nhập khẩu bằng con đường này nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ giảm chi phí hơn 50% so với xuất khẩu chính ngạch, tiết kiệm được khoảng 70 USD/tấn gạo nhờ “thoát” chi phí quota, thuế.



Theo Quang Huy

khanhnt

Pháp luật TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên