Xuất khẩu gạo: Một năm khó khăn
Dù tổng lượng gạo xuất bán trong năm 2013 là khoảng 8,2 triệu tấn nhưng có đến 1,5 triệu tấn là xuất tiểu ngạch; xuất chính ngạch chỉ đạt 6,681 triệu tấn, giảm 1,038 triệu tấn so với năm trước.
Những thông tin trên được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nêu ra tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và phương hướng năm 2014, tổ chức sáng 9-1 ở TP HCM.
Bị soán ngôi
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, năm 2013, xuất khẩu gạo chính ngạch giảm cả về số lượng (6,681 triệu tấn, giảm 13,45%, tương đương 1,038 triệu tấn) và trị giá (giảm 16,12%) so với năm trước. Trị giá giảm nhiều do giá xuất khẩu gạo bình quân giảm 13,79 USD/tấn so với năm 2012.
Từ vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, năm 2013, Việt Nam đã bị Thái Lan soán ngôi, tụt xuống thứ ba (Ấn Độ vẫn dẫn đầu). Về chủng loại xuất khẩu, gạo cao cấp chiếm hơn 34%, gạo trung bình 20%, gạo thấp cấp 17%, gạo thơm gần 15%, nếp gần 6,5%. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là châu Á (hơn 60%), châu Phi (hơn 28%)...
VFA cho rằng nguyên nhân chính do nhu cầu từ các thị trường truyền thống giảm, như: 6 tháng cuối năm, Indonesia không nhập khẩu, Philippines và Malaysia nhập ít hơn nhiều so với thường kỳ mọi năm. Do bị cạnh tranh gay gắt nên hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) đạt thấp, nhiều DN bị lỗ do giá thị trường giảm mạnh sau khi mua tạm trữ.
Nhiều rủi ro, bất cập từ xuất tiểu ngạch
Theo VFA, xuất khẩu tiểu ngạch (chủ yếu sang Trung Quốc) cũng khiến xuất khẩu chính ngạch giảm mạnh. Năm 2013, xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc tăng vọt, ước tính lên đến 1,4-1,5 triệu tấn. Dù điều này giúp bù đắp cho lượng xuất khẩu chính ngạch giảm và góp phần tiêu thụ bớt lúa gạo trong nước nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng “nhờ” đóng góp của xuất tiểu ngạch mà tổng lượng gạo trong nước được xuất bán trong năm 2013 đạt khoảng 8,2 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), đánh giá: 2013 không chỉ là một năm khó khăn mà là một năm khó chịu đối với nhà xuất khẩu. Giá xuất khẩu và giá nội địa không gặp nhau. Giá nội địa bị chi phối bởi tình trạng xuất tiểu ngạch.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, đáng lo nhất của xuất khẩu tiểu ngạch là tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Không chỉ phía Việt Nam mà Trung Quốc cũng bị thất thu thuế, đồng thời các DN xuất khẩu chính thức gặp khó khăn do giá cao hơn, không cạnh tranh được. DN cũng không thể tham gia bán gạo cho các đầu mối xuất khẩu tiểu ngạch vì họ yêu cầu không xuất hóa đơn bán hàng, những DN làm ăn đàng hoàng trong hiệp hội không dám làm.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre), cho rằng Việt Nam nằm sát biên giới Trung Quốc là một lợi thế để xuất tiểu ngạch trong bối cảnh thế giới thừa lượng gạo như hiện nay. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Việt Nam là trên 3,5 triệu tấn/năm. Hiện đang có sự bất bình đẳng khi gạo xuất chính ngạch mất phí 3.000 đồng/kg, còn tiểu ngạch chỉ mất 1.200 đồng/kg.
“Các nhà chức trách cần có biện pháp quản lý tình trạng xuất tiểu ngạch để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia; chứ như hiện nay, chỉ những DN chấp nhận bán hàng không hóa đơn mới dám làm” - ông Lâm Anh Tuấn kiến nghị.
Giảm mọi mặt
Từ vị trí thứ 3 thế giới về lượng gạo nhập từ Việt Nam, năm 2013, Indonesia tụt xuống thứ 7 với 146.753 tấn, trị giá 85,71 triệu USD (11 tháng đầu năm), giảm 81,42% về khối lượng và giảm 78,12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Cũng như vậy, Philippines từ vị trí thứ 2 tụt xuống vị trí thứ 5 trong năm 2013 với chỉ 362.043 tấn mua của Việt Nam, trị giá 160,66 triệu USD (11 tháng đầu năm), giảm 67% về khối lượng và giảm 65,71% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.
Malaysia tiếp tục là khách hàng lớn thứ 3 của Việt Nam nhưng lượng gạo nước này mua trong năm 2013 chỉ đạt 453.240 tấn, trị giá 225,5 triệu USD (11 tháng đầu năm), giảm 39,05% về khối lượng và giảm 42,49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Ngọc Ánh