Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể bất lợi do Thái xả "gạo tồn kho"
Trước thông tin Chính phủ Thái Lan mới đây thông báo sẽ "giải phóng" hoàn toàn khối lượng hơn 13 triệu tấn gạo hiện có trong các kho dự trữ quốc gia từ nay đến năm 2017, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, đây sẽ là một trong những yếu tố kéo giá gạo thế giới giảm xuống và gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
- 13-01-2016Thái Lan muốn bán hết 13 triệu tấn gạo dự trữ vào năm 2017
- 12-01-2016Xuất khẩu gạo năm 2015 đạt hơn 6,5 triệu tấn
- 11-01-2016Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu gạo của Lào từ tháng Một
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chung của thị trường thì xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2016 vẫn có nhiều thuận lợi.
Theo VFA, trong năm 2016, sản lượng gạo Thái Lan được dự báo xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và chỉ đạt 16,4 triệu tấn gạo xay xát, do tác động của El-nino.
Mặc dù việc tồn kho còn 13 triệu tấn sẽ là một nguồn cung cấp dồi dào bù đắp sản lượng sút giảm nhưng xuất khẩu của Thái Lan được dự báo trong năm 2016 cũng chỉ đạt khoảng 9 triệu tấn, tương đương với lượng xuất khẩu của năm 2015.
“Ngay cả khi Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu gạo tồn kho sang các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Philippines thì gạo Việt Nam cũng khó có thể bị “đánh bật,” do Thái Lan có số lượng gạo trắng ít, trong khi nhu cầu ở các thị trường này chủ yếu nhập khẩu các loại gạo trắng,” ông Huỳnh Thế Năng cho biết.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, nếu nhìn nhận theo xu hướng chung thì rất dễ lầm tưởng khi Thái Lan đẩy gạo tồn kho sẽ làm giảm cung cầu gạo thế giới. Trên thực tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu của các nước cung ứng gạo cho thị trường thế giới; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp biết cách “né” thì sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì đây là gạo cũ, có phân khúc riêng và có mức giá riêng.
“Việc Thái Lan định hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Philippines và Indonesia trong khi đây là những thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến quyền thương lượng giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng nhập khẩu hoàn toàn loại gạo cũ mà sẽ có phân khúc gạo mới dành cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường. Quan trọng là người đi đàm phán, thương lượng phải biết điều đó để có thể bán với giá cao hơn so với giá gạo cũ của Thái Lan,” ông Thòn cho biết.
Mặc dù đánh giá vấn đề tồn kho gạo của Thái Lan là nguy cơ tiềm ẩn khiến giá gạo giảm trong năm tới, song ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang cũng cho rằng, việc ảnh hưởng như thế nào còn phụ thuộc vào chính sách điều hành của Chính phủ Thái Lan.
Đối với loại gạo cũ, tồn kho quá lâu, nếu Chính phủ Thái Lan quyết định đưa vào sản xuất Ethanol, sử dụng cho thức ăn chăn nuôi thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo thế giới. Còn việc cạnh tranh với gạo Thái Lan thì lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt và vẫn phải cố gắng vượt qua để tồn tại.
Mặt khác, theo số liệu mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cân đối cung cầu gạo thế giới cho thấy nhiều sự quan ngại về sản lượng gạo toàn cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu khi tiêu thụ đã vượt qua sản lượng trong 3 năm liên tiếp. Cụ thể, sản lượng gạo toàn cầu dự kiến đạt trên 469 triệu tấn trong năm 2016, giảm 1,9% so với năm ngoái, trong khi tiêu thụ gạo lại tăng 0,5%. Đáng lưu ý, theo dự báo của USDA, tồn kho cuối kỳ trong năm 2016 sẽ giảm 14,8% so với năm 2015.
Nhiều phân tích cho rằng chiều hướng sản lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu năm 2015-2016 gần giống như đầu năm 2000 và dẫn đến khủng hoảng gạo trong năm 2007-2008. Ngoài ra, hiện tượng El-nino đang tác động đến sản xuất làm tăng thêm mối quan ngại về khả năng cung cấp gạo trong năm 2016.
Trong khi đó, gạo tồn kho của Việt Nam trong năm 2015 không còn nhiều như các năm trước, ở mức 300.000 tấn so với bình quân 800.000-1.000.000 tấn như những năm trước. Hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua khoảng 1,2 triệu tấn và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đến sớm. Do vậy, nhiều khả năng vụ Đông Xuân 2015-2016 không phải mua tạm trữ như vụ năm trước.
Theo VFA dự báo, thị trường xuất khẩu gạo đến hết quý II/2016 khá tốt do các quốc gia nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El-Nino gây ra.
Với bối cảnh thị trường thế giới như trên, các chuyên gia nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 có nhiều yếu tố lạc quan. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi xuất khẩu phải lưu ý đến yếu tố “gạo tồn kho” của Thái Lan để tránh tình trạng bị ép giá./.
Vietnam+