Xuất khẩu hồ tiêu: Nỗi lo đắt hàng
Hồ tiêu Việt Nam đang giữ vững vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu chưa bền vững đang đe dọa thiếu nguồn cung cũng như giá trị XK tiêu.
Phải nhập khẩu nguyên liệu
Năm 2012, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 119 nghìn tấn, thu về 808 triệu USD. Đến hết tháng 9/2013, tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng đã tăng hơn 20% và đem lại giá trị cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, 9 tháng đầu năm xuất khẩu được 112.000 tấn với giá trị 743 triệu USD.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá xuất khẩu tiêu trung bình 8 tháng đầu năm nay đạt gần 6.600 USD/tấn, giảm gần 250 USD/ tấn (khoảng 3,62%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính riêng từng tháng, từ tháng 7 đến nay, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới đã có mức tăng trên, dưới 150 USD/tấn tùy từng loại; giá tiêu trong nước cũng tăng trên dưới 20.000 đồng/kg, dao động khoảng 132.000- 135.000 đồng/kg.
Thế nhưng, mặc dù chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu giao dịch thương mại trên thế giới nhưng sản lượng tiêu của Việt Nam chỉ đạt từ 95.000-100.000 tấn mỗi năm, phần thiếu còn lại các DN phải nhập nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.
Tháng 9/2013, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) đã đưa ra nhận định: Ước tính tồn kho hạt tiêu tại Việt Nam không nhiều, sản lượng thu hoạch năm nay khoảng 118.000 tấn. Tuy nhiên, theo VPA, nếu xuất khẩu hạt tiêu năm nay bằng năm trước thì các DN sẽ phải nhập khẩu từ 6.000- 9.000 tấn.
Tăng năng suất và đầu tư chế biến sâu
Trong nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, hạt tiêu chưa lọt vào nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD/năm, vì thế, để xuất khẩu bền vững rất cần nâng cao chất lượng nguyên liệu và gia tăng giá trị sản phẩm.
Mặc dù diện tích trồng tiêu những năm qua được mở rộng nhưng sản lượng cũng như chất lượng lại không tăng tương ứng, thậm chí có năm giảm.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2011, cả nước có 53.000ha trồng tiêu, đạt sản lượng 125.000 tấn; năm 2012 đạt 57.500ha, sản lượng đạt 115.000 tấn; năm 2013, diện tích trồng tiêu tăng lên 60.000ha nhưng sản lượng ước đạt từ 95.000- 100.000 tấn; năng suất bình quân giảm xuống còn 2,4 tấn/ha (năm 2010 đạt 3-3,5 tấn/ha). Vì thế, mở rộng vùng nguyên liệu nhưng đảm bảo chất lượng giống cây chính là yếu tố đảm bảo cho xuất khẩu bền vững của hạt tiêu Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Trực- Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết: Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của Phú Quốc, có thời điểm đã đạt 800 ha nhưng hiện tại chỉ còn trên 350ha, thu hoạch 900 tấn/năm. Định hướng phát triển của Phú Quốc là quy hoạch vùng trồng tiêu ổn định, mở rộng diện tích lên 500 ha và tập trung vào chất lượng cây giống để tăng sản lượng.
Bên cạnh đó, phần lớn hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ ở dạng xuất thô nên giá trị không cao, đặc biệt các DN thường xuất khẩu tiêu đen có giá trị thấp hơn rất nhiều so với tiêu trắng. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA -cho rằng, giá trị xuất khẩu tiêu sẽ tăng thêm rất nhiều nếu các DN đầu tư chế biến sâu. Ngoài ra, các DN cần gia tăng sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn của Mỹ (ASTA) bởi loại tiêu này có giá trị cao và rất được các thị trường lớn ưa chuộng.
Theo Duy Minh