Xuất khẩu thủy sản 2015: Tận dụng tốt cơ hội sẽ thắng lớn
Năm 2014, xuất khẩu thủy sản đạt được kết quả khả quan khi mang về hơn 8 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình thị trường xoay chuyển đột ngột trong quý 4/2014 do những biến động lớn...
Những biến động đó phải kể đến như giá dầu giảm, giá nông sản phục vụ cho nuôi trồng gia súc, gia cầm giảm 25-30% so với cùng kỳ; đồng tiền yên Nhật, đồng Euro mất giá; tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại…dự báo sẽ là những yếu tố khó khăn cho xuất khẩu thủy sản trong năm tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho rằng, ngành thủy sản đang đứng trước khó khăn và thách thức lớn. Ngay từ bây giờ, nếu không tỉnh táo nhận định, xây dựng chiến lược phù hợp thì việc tăng trưởng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để có cái nhìn bao quát hơn, ông Minh đưa ra phân tích: năm 2015 Việt Nam chính thức tham gia sâu vào hội nhập khinh tế thế giới bằng việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại mậu dịch tự do với các nước châu Âu, với Liên minh Hải quan, với Hàn Quốc và Khối Asean. Điều này sẽ mang lại lợi thế xuất khẩu rất lớn cho các mặt hàng nông thủy sản. Năm tới, thuế VAT của mặt hàng thức ăn chăn nuôi, sản phẩm nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn cũng được bỏ là cơ hội cho người nông dân cũng như doanh nghiệp giảm gía thành đầu vào, tạo lợi thế cạnh tranh cho đầu ra.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn nhiều hơn. Thứ nhất, đối với thị trường tôm. Tỷ trọng xuất khẩu tôm vào Nhật, châu Âu và Trung Quốc vẫn ở mức cao. Trong khi đồng yên Nhật, Euro tiếp tục mất giá sẽ tạo ra giá nhập khẩu và giá bán nội địa tăng lên, ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Thị trường Trung Quốc đang yếu đi về tiêu dùng, còn Mỹ vẫn duy trì thuế chống phá giá cũng gây bất lợi cho sản phẩm tôm của Việt Nam khi phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước có mức thuế thấp như Ấn Độ, Ecuador.
Ngoài những khó khăn bên ngoài, trong nước mặc dù nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc xóa bỏ đầu vào VAT thức ăn, nhưng chi phí sản xuất 2015 dự báo vẫn không giảm nhiều do các khoản như lương công nhân, điện phải tăng cho phù hợp với điều kiện kinh tế. Chi phí lãi vay vẫn còn cao dành cho sản xuất chứ chưa thể giảm như công bố. Đây là các yếu tố tạo sự bất lợi lớn hơn trong năm tới vì nhiều khả năng, đồng yên Nhật và Euro khó hồi phục lại mức năm 2013.
Với mặt hàng cá tra, thức ăn chăn nuôi thì sao thưa ông? Việc đồng rúp ở Nga mất giá cộng với khó khăn đến từ thị trường châu Âu, Mỹ sẽ gây ra khó khăn như thế nào cho mặt hàng này?
Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch VASEP
Tôi cho rằng đây là mặt hàng có ưu thế tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất do giá đầu vào nuôi trồng giảm so với năm 2014 ít nhất 1.000 đồng/kg cá thành phẩm. Nguyên nhân là do năm tới, sản xuất cá tra được hưởng lợi từ chính sách bỏ thuế VAT 5% vừa được Chính phủ thông qua. Giá dầu thế giới giảm cũng tác động lên nhiều mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn nhập khẩu theo hướng giảm ít nhất 25-30%.
Điều quan trọng là chúng ta cần phải kiểm soát chất lượng thức ăn để đảm bảo chất lượng nuôi trồng; kiểm soát giá bán ra giúp người nuôi có giá thành đủ sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù thị trường khó khăn, đồng nội tệ ở một số nước mất giá, nhưng việc có giá thành sản xuất thấp hơn nên cá tra Việt Nam sẽ có ưu thế cạnh tranh ở tất cả các thị trường, vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm của các nước. Năm tới, ngành cá tra cũng cần có sự điều tiết cung cầu hợp lý như năm 2014. Tổng kết lại, năm nay, doanh nghiệp đã nỗ lực nâng giá cá tra xuất khẩu tăng 7%, trong khi giá nguyên liệu cá tăng trên 10%.
Vài ngày gần đây hàng loạt doanh nghiệp công bố đóng cửa nhà máy vì lý do không thể thực hiện được các quy định trong nghị định 36 về nuôi trồng, chế biến cá tra. Trên cương vị phụ trách lĩnh vực cá tra trong Hiệp hội, ông giải thích rõ hơn vấn đề nay?
Đúng là có tình trạng doanh nghiệp đề nghị sữa đổi một số nội dung trong Nghị định cho phù hợp với tình hình hiện nay. Chẳng hạn, nghị định 36 quy định từ ngày 1/1 tới đây, sản phẩm cá tra xuất khẩu phải áp dụng 83% độ ẩm. Tôi cho đây là điều không thể chấp nhận được. Giảm độ ẩm về mức 83% đồng nghĩa với việc sẽ đẩy giá thành chế biến tăng cao, trong khi đó thị trường xuất khẩu như đã phân tích trên đang gặp rất nhiều khó khăn. Tăng giá thành chế biến thì phải tăng giá bán bù lại. Liệu khách hàng có chấp nhận?
Hơn nữa, qua khảo sát thị trường, đầu vào của các sản phẩm cạnh tranh như thịt, hải sản đánh bắt trên thế giới cũng đang giảm giá. Người ta thì đang cố gắng bán rẻ, còn mình lại bán đắt thì ai thèm mua nữa. Vì vậy, nếu nghị định 36 tiếp tục thực hiện sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho các doanh nghiệp. Tôi đề nghị Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp) cần có nghiên cứu mang tính khoa học, đề xuất làm sao để các điều khoản nghị định vừa đảm bảo tiêu thụ hết nguyên liệu, vừa nâng chất lượng hình ảnh cá tra Việt Nam.
Ngoài việc quy định độ ẩm chưa hợp lý, Nghị định 36 còn những điểm nào cần phải sữa nữa thưa ông?
Nghị định 36 về cá tra ra đời là nhằm cũng cố chất lượng, tạo dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhưng tôi cho rằng, muốn xây dựng thượng hiệu một sản phẩm nào thì phải bao gồm nhiều yếu tố. Nghị định 36 ra đời chưa có hướng dẫn trong việc quản lý một chuỗi sản phẩm. Nghị định còn nhiều điểm chưa cụ thể, vì nói đến chất lượng phải tính đến việc kiểm soát từ con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến. Những vấn đề này không được đề cập đến trong nghị định. Riêng về vấn đề chế biến thì khâu kiểm soát, quản lý cũng chưa ổn. Hiện nay trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL có chưa đến 100 nhà máy chế biến cá tra. Thực chất hoạt động xuất khẩu có quản lý được khoảng 70 nhà máy. Thế nhưng, thành phần tham gia xuất khẩu đến cuối 2014 theo thống kê lại có tới 193 đơn vị.
Như vậy, lâu nay chúng ta chưa quản lý được những thành phần tham gia xuất khẩu không có nhà máy chế biến, hậu quả là rất khó quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Nên chăng, việc xuất khẩu cá tra phải được kiểm soát từ chính các doanh nghiệp không có nhà máy chế biến. Đối tượng này phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm khi tham gia thị trường và nơi nào sản xuất chế biến cung cấp hàng cho đối tượng này phải chịu trách nhiệm chất lượng. Có như vậy thì giải pháp chấn chỉnh chất lượng, xây dựng thương hiệu cá tra theo tinh thần nghị định 36 mới có hiệu quả.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Minh Khoa