MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản cần ứng cứu gấp!

13-06-2013 - 08:22 AM |

Chủ tịch VASEP - ông Trần Thiện Hải cho biết từ khi ngành thủy sản cán mốc xuất khẩu với giá trị hơn 6 tỉ USD năm 2011 thì liên tiếp hai năm 2012, 2013 lại rơi vào khủng hoảng, xuất khẩu đi xuống.

Sáng 12-6 tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập cùng hội nghị hội viên.

Thế nhưng buổi lễ đã trở thành diễn đàn để nhiều DN bày tỏ lo ngại cho ngành thủy sản, nếu không có hướng phát triển hợp lý, bền vững sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng những năm tiếp theo.

Chủ tịch VASEP - ông Trần Thiện Hải cho biết từ khi ngành thủy sản cán mốc xuất khẩu với giá trị hơn 6 tỉ USD năm 2011 thì liên tiếp hai năm 2012, 2013 lại rơi vào khủng hoảng, xuất khẩu đi xuống. Nhiều DN thủy sản phải đóng cửa nhà máy, lâm nợ và phá sản. Năm tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,2 tỉ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012, tình hình xuất khẩu không ổn định, mức giảm mạnh nhất là vào tháng 2 (-30%) và tháng 3 (-17%).

Nguyên nhân chính theo ông Hải là do thiếu nguồn cung nguyên liệu, nhất là tôm. Thứ hai là nhu cầu nhập khẩu các thị trường chính sụt giảm do suy thoái kinh tế. Thứ ba là do các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại thị trường chủ lực như thuế chống bán phá giá cá tra và chống trợ cấp tôm tại Mỹ, tiêu chuẩn chất ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Cũng vì vậy, nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất do lượng đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng.

Có mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), nói đầy tâm trạng: “Ngành tôm đang thực sự khủng hoảng, từ các hộ nuôi đến DN chết dần chỉ vì dịch bệnh và quy định chất ethoxyquin của Nhật Bản. Chúng tôi đang bí cách. Nếu không tìm ra giải pháp ứng cứu thì nguồn nguyên liệu tôm càng thiếu trầm trọng và dần dà sẽ không còn ai nuôi tôm”.

“Chưa bao giờ ngành thủy sản gặp phải tình trạng này. Cũng do tình hình nguồn nguyên liệu như vậy nên tất yếu phải nhập nhiều. Đã vậy mỗi lần nhập nguyên liệu về chế biến cũng gặp khó, phải chờ đợi thủ tục, kết quả từ cơ quan thú y, đến khi lấy được hàng về thì chất lượng đã giảm khiến DN thêm tốn kém. Nhân đây tôi kiến nghị cơ quan thú y nên cho phép DN kéo hàng về kho bảo quản để chờ kết quả kiểm định” - bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, bày tỏ.

Theo dự báo của VASEP thì tình hình xuất khẩu thủy sản ở các thị trường thời gian tới cũng rất ảm đạm. Cụ thể là khó tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ vì những quyết định sơ bộ mới đây của Bộ Thương mại Mỹ về thuế chống trợ cấp tôm đông lạnh. Cá tra vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá. 

Tôm sang Nhật Bản cũng không thể tăng mạnh dù nhu cầu nhập khẩu tăng lên nhưng đồng yen giảm giá đã gây khó khăn cho nhà nhập khẩu lẫn DN xuất khẩu. Đối với thị trường EU, tình hình không khá hơn trong hai quý tiếp theo do tình hình kinh tế khu vực này chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo Quang Huy

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên