MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản: Nhiều thách thức mới

29-05-2014 - 08:15 AM |

Nếu so với lúa gạo, trái cây và nhiều sản phẩm nông sản khác thì thủy sản luôn đem lại nguồn thu, giá trị… cao nhất; song thủy sản cũng đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro nhất.

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái, đây được xem là kết quả tích cực… 

Tuy nhiên, mới đây Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá cá tra đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi nhiều nước khác tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với mặt hàng tôm. Tất cả đang là cản ngại cho xuất khẩu thủy sản chinh phục mục tiêu 6,7 tỷ USD.

Doanh nghiệp và người nuôi bất lợi

Sau thời gian dài sốt giá thì gần đây tôm thẻ chân trắng giảm thê thảm khiến hàng loạt hộ nuôi ở ĐBSCL đứng ngồi không yên. Hiện tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg giá chỉ còn 77.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 80 con/kg giá 83.000 đồng/kg…, bình quân giảm từ 50.000 - 70.000 đồng/kg so thời điểm tháng 2-2014. 

Trong khi đó, giá tôm sú cũng rớt liên tục. Tôm sú loại 20 con/kg giá còn 260.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 230.000 đồng/kg…, giảm từ 25.000 - 30.000 đồng/kg so với đầu tháng 5-2014. 

Ông Huỳnh Phước Hải, ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) lo lắng: “Hồi đầu năm giá tôm ở mức cao nên ai cũng ùn ùn thả nuôi, nay gần đến kỳ thu hoạch thì tôm lại “đảo chiều” giảm mạnh làm cho người nuôi chẳng được gì sau khi trừ chi phí”. 

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL nhìn nhận, giá tôm giảm mạnh trong thời gian gần đây do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân, trong đó việc Nhật Bản và EU phát hiện nhiều lô hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này, có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép nên họ tăng cường kiểm tra khiến việc xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn.

Đối với cá tra tình hình cũng tương tự. Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố lại kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012 (POR 9) đối với sản phẩm philê cá tra đông lạnh nhập từ Việt Nam. 

Theo đó, chỉ duy nhất Công ty Vĩnh Hoàn được giảm từ 0,03 USD/kg xuống 0 USD/kg, còn lại tất cả các công ty bị đơn tự nguyện đều tăng mức thuế cuối cùng từ 0,42 USD/kg lên 1,2 USD/kg. Đây là mức thuế rất bất lợi cho cá tra Việt Nam. 

Cụ thể, giá cá tra trong nước những ngày qua liên tục giảm mạnh xuống mức 24.000 đồng/kg, có nơi chỉ 23.000 đồng/kg. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, với giá cá hiện nay hầu như người nuôi không có lãi, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao.

Cần mở rộng thị trường

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành hàng quan trọng đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… chọn nghề nuôi tôm và chế biến xuất khẩu tôm là kinh tế chủ lực; trong khi Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… xem cá tra là sản phẩm chính thúc đẩy sự tăng trưởng. 

Có thể nói, nếu so với lúa gạo, trái cây và nhiều sản phẩm nông sản khác thì thủy sản luôn đem lại nguồn thu, giá trị… cao nhất; song thủy sản cũng đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro nhất. 

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà mau cho biết: Từ đầu đến nay, xuất khẩu tôm của tỉnh đạt trên 467 triệu USD, tăng gần 60% so cùng kỳ. Tuy nhiên, để đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 1,15 tỷ USD trong năm nay cần vượt qua nhiều cái khó, trong đó nhanh chóng giải quyết ổn thỏa vấn đề dư lượng kháng sinh đang bị thị trường EU và Nhật Bản cảnh báo.

Đối với sản phẩm cá tra, nhiều hộ nuôi đang chựng lại chưa dám thả nuôi mới bởi ảnh hưởng giá giảm. Các doanh nghiệp thủy sản nhìn nhận, Hoa Kỳ và EU vẫn là 2 thị trường lớn đối với cá tra. Trong khi Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá, thì thị trường EU chưa có dấu hiệu khởi sắc, riêng thị trường Đông Âu tiếp tục gặp khó. 

Hiện giá xuất khẩu cá tra phi lê sang châu Âu, châu Á… dao động khoảng 2,6 - 2,7 USD/kg, với giá này doanh nghiệp tạm “sống được”, nhưng người nuôi không có lời. 

Giải pháp lúc này là đẩy mạnh mở rộng thị trường, trong đó kích cầu xuất vào EU, bởi đây là thị trường dẫn dắt cho sản phẩm cá tra Việt Nam; bên cạnh đó giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. 

Theo Tổng cục Thủy sản, dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì khối lượng sản xuất cá tra theo hướng nâng cao chất lượng. Hiện tiêu chuẩn VietGAP đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều trại nuôi cá tra ở ĐBSCL. 

Ngoài ra có nhiều trại nuôi cá khác đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC, BAP... đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg về “chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra”. Theo đó, yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng và xem xét cho người nuôi vay mới để khôi phục sản xuất. Song song đó, nhiều nhà máy đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Huỳnh Phước Lợi

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên