Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm một nửa
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia.
- 21-09-2015Vì sao tôm Việt mất dần lợi thế cạnh tranh?
- 19-09-2015Gói tôm sú nửa ký còn 2 lạng
- 18-09-2015Hội nhập nhờ… con tôm?
Nguồn: VASEP.
Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm sang thị trường Mỹ tháng 8 đạt 60,2 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung trong 8 tháng năm 2015, XK tôm chỉ đạt 373,8 triệu USD, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân khiến tôm XK sang thị trường Mỹ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia.
Theo VASEP, việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8, là một tín hiệu đáng mừng với XK tôm của Việt Nam.
Mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8 phần nào giúp tháo gỡ gánh nặng về thuế XK cho các DN. Theo đó, dự đoán XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn.
Hiệp định TPP khi có hiệu lực cũng hứa hẹn viễn cảnh sáng sủa cho tôm Việt Nam. Tuy nhiên, tham gia TPP đồng nghĩa với việc tôm Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và những quy định do phía Mỹ đề ra.
Cùng với đó, làn sóng ồ ạt XK vào Mỹ sẽ gây áp lực lên ngành tôm nội địa của Mỹ, từ đó Chính phủ nước này có thể nghĩ tới những biện pháp bảo hộ cho ngành tôm của mình.
Các nước như Ấn Độ, Indonesia sẽ tăng cường XK sang Mỹ để tận dụng đồng USD mạnh trong khi đồng nội tệ của các nước này hạ giá so với Mỹ, dẫn đến giá tôm trên thị trường Mỹ có thể sẽ tiếp tục giảm.
VASEP khuyến cáo: Do tôm sú là món thủy sản ưa thích của người Mỹ, muốn tăng kim ngạch XK vào Mỹ, các DN Việt Nam nên có một chiến lược XK phù hợp để có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Theo đó, các DN Việt Nam nên quan tâm hơn sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chỉ xuất tôm thịt, tôm nguyên liệu đông lạnh. Bên cạnh đó, tìm cách nâng cao năng lực quản trị, lường trước diễn biến thị trường và phải thay đổi từ chất lượng, chi phí sản xuất.
Chinhphu.vn