MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Nóng] Vừa phát hiện sinh vật sống lớn nhất Trái đất gần Biển Đông, tuổi đời 500 năm!

15-11-2024 - 15:16 PM | Tài chính quốc tế

"Phát hiện này kỳ diệu như một giấc mơ. Nó giống như việc ta tìm thấy một giáo đường dưới nước vậy".

Sinh vật sống lớn nhất Trái đất vừa được tìm thấy

Cách đây vài giờ, phóng viên Georgina Rannard của BBC News (Anh) đưa tin từ Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là COP29) tại thủ đô Baku của Azerbaijan rằng:

Các nhà khoa học vừa tìm thấy quần thể san hô riêng lẻ lớn nhất thế giới từng được ghi nhận trong lịch sử tại Tây Nam Thái Bình Dương, nơi có vùng Biển Đông.

Nhóm nghiên cứu cho biết nó lớn hơn cá voi xanh (loài động vật hiện lớn nhất và nặng nhất hành tinh) và khổng lồ tới mức có thể nhìn thấy từ trên cao.

San hô có thể trông hơi giống cây, nhưng thực chất nó rất sống động, có họ hàng gần nhất với sứa và hải quỳ. Quần thể san hô khổng lồ này - là tập hợp của nhiều sinh vật nhỏ bé tên là polyp kết nối với nhau tạo thành một sinh vật khổng lồ. Ước tính, nó chứa gần một tỷ polyp và có thể có tuổi đời từ 300 - 500 năm.

[Nóng] Vừa phát hiện sinh vật sống lớn nhất Trái đất gần Biển Đông, tuổi đời 500 năm!- Ảnh 1.

Quần thể san hô lớn hơn cá voi xanh và có thể nhìn thấy từ trên cao (gần con thuyền). Nguồn: Steve Spence/National Geographic Pristine Seas

[Nóng] Vừa phát hiện sinh vật sống lớn nhất Trái đất gần Biển Đông, tuổi đời 500 năm!- Ảnh 2.

Sinh vật lớn nhất vừa được tìm thấy tại Tây Thái Bình Dương. Nguồn: Manu San Felix/National Geographic Pristine Seas

Người phát hiện ra nó là Manu San Felix - một nhà quay phim, chuyên gia sinh vật biển nổi tiếng kiêm nhà thám hiểm của National Geographic (Mỹ).

Ông Manu San Felix có phát hiện chấn động này khi đang trên tàu của National Geographic đi đến những vùng xa xôi của Thái Bình Dương để xem nơi này bị ảnh hưởng như thế nào bởi biến đổi khí hậu.

"Khi đang lặn ở vùng biển nơi bản đồ ghi là có xác tàu đắm, đột nhiên tôi nhìn thấy một thứ gì đó. Tôi cùng đồng nghiệp và cũng là con trai của mình (Inigo) quyết định mạo hiểm lặn sâu hơn nữa để kiểm tra. Và rồi trước mắt chúng tôi là một sinh vật khổng lồ, tuổi đời hàng thế kỷ" - Ông Manu San Felix kể lại.

Chuyên gia sinh vật biển người Mỹ cho biết thêm "việc nhìn thấy rạn san hô ở hòn đảo Malaulalo (thuộc quần đảo Solomon, nằm cách Biển Đông khoảng 5.758 km) giống như nhìn thấy một "giáo đường dưới nước".

"Thật xúc động! Cá nhân tôi cảm thấy vô cùng kính trọng và biết ơn sinh vật này đã tồn tại ở đáy biển này trong hàng trăm năm qua. Nó giống như là, sinh vật này vẫn âm thầm phát triển vào thời Hoàng đế Pháp Napoleon còn sống vậy".

Không lâu sau phát hiện của Manu San Felix, tập hợp các nhà khoa học trong đoàn thám hiểm của National Geographic đã lặn xuống để đo đạc sinh vật này. Nó rộng 32m, dài khoảng 34m và cao 5,5m; nằm ở độ sâu 12 mét so với mặt biển.

[Nóng] Vừa phát hiện sinh vật sống lớn nhất Trái đất gần Biển Đông, tuổi đời 500 năm!- Ảnh 3.

Đội thám hiểm tiến hành đo đạc quần thể san hô. Nguồn: Manu San Félix/National Geographic Pristine Seas

Điều kinh ngạc hơn cả, các nhà khoa học phát hiện, quần thể san hô đặc biệt này có thể có khả năng phục hồi trước căng thẳng, bao gồm cả nhiệt độ biển quá mức. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng nó có tuổi đời từ 300 đến 500 năm, nghĩa là nó đã trải qua nhiều sự kiện tẩy trắng toàn cầu và vẫn sống sót.

Theo Dennis Marita, một thành viên của Bộ lạc Po'onapaina ở Ulawa, hòn đảo Malaulalo hầu như không có người ở và vùng biển của nó phần lớn chưa được khám phá. “Đây là sự kiện vô cùng to lớn đối với cộng đồng của chúng tôi” - Dennis Marita, người cũng là Giám đốc văn hóa tại Bộ văn hóa và du lịch Quần đảo Solomon, cho biết trong một cuộc họp báo mới đây.

Kỷ lục trước đây về san hô lớn nhất thế giới là một quần thể ở Samoa thuộc Mỹ, rộng khoảng 22 mét.

Stacy Jupiter, Giám đốc điều hành bảo tồn biển tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cho biết: "Con người mới chỉ khảo sát khoảng 5% vùng biển trên hành tinh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta tiếp tục có những khám phá mới, ngay cả đối với những sinh vật cực kỳ lớn như thế này".

“Ngọn hải đăng của hy vọng”

Phát hiện này xuất hiện vào thời điểm các rạn san hô trên khắp thế giới đang dần biến mất.

Biến đổi khí hậu đang làm ấm đại dương và nước ấm giết chết san hô. San hô có màu sắc và phần lớn thức ăn đến từ tảo cộng sinh sống bên trong polyp. Khi nước biển quá ấm, tảo đó biến mất và san hô chuyển sang màu trắng — hoặc "tẩy trắng". Về cơ bản, khi san hô bị tẩy trắng có nghĩa là nó đang chết đói.

Ba phần tư các rạn san hô trên thế giới đã phải chịu đựng mức nhiệt nóng của đại dương đủ để gây ra hiện tượng tẩy trắng kể từ đầu năm 2023, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Nhiều rạn san hô đã chết.

Trong khi đó, nghiên cứu mới cho thấy hơn 40% san hô cứng - loài san hô tạo nên các rạn san hô, như quần thể san hô mới được phát hiện ở Quần đảo Solomon - đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước sự mất mát đó, khám phá mới nhất này là "ngọn hải đăng hy vọng", nhà thám hiểm Molly Timmers thuộc National Geographic cho biết.

[Nóng] Vừa phát hiện sinh vật sống lớn nhất Trái đất gần Biển Đông, tuổi đời 500 năm!- Ảnh 4.

Cận cảnh quần thể san hô khổng lồ ở Quần đảo Solomon. Nguồn: Manu San Félix, National Geographic Pristine Seas

[Nóng] Vừa phát hiện sinh vật sống lớn nhất Trái đất gần Biển Đông, tuổi đời 500 năm!- Ảnh 5.

Nguồn: Manu San Félix, National Geographic Pristine Seas

Các nhà khoa học cho biết, san hô được tạo thành từ hàng trăm ngàn sinh vật sống gọi là polyp, mỗi polyp có thân và miệng riêng, phát triển cùng nhau thành một quần thể. Một số rạn san hô này có thể trải dài rất xa, tạo thành những cấu trúc rộng lớn nơi cá và các loài khác sinh sống cộng sinh.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các rạn san hô còn hỗ trợ sinh kế cho khoảng một tỷ người trên thế giới. Có thể bạn chưa tỏ, nhưng các rạn san hô giúp làm giảm sóng đánh vào bờ biển trong các cơn bão; chúng còn là nơi sinh sống của một lượng lớn cá thương mại mà con người ăn, và chúng là động lực của nền kinh tế du lịch ở nhiều vùng ven biển.

Phát hiện này được công bố cùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên Hợp Quốc tại Baku, Azerbaijan nhằm nỗ lực đạt được tiến triển trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Trevor Manemahaga, Bộ trưởng Khí hậu của Quần đảo Solomon tại COP29, nói với BBC News rằng đất nước của ông cảm thấy rất đỗi tự hào về quần thể san hô khổng lồ mới được tìm thấy. "Chúng tôi muốn thế giới biết rằng đây là một nơi đặc biệt và cần được bảo vệ", ông nói.

Tham khảo: BBC, VOX, iflscience

Theo Trang Ly

Phụ nữ số

Trở lên trên