Novaland lãi khủng nhờ thoái vốn công ty con và đánh giá lại khoản đầu tư, chi gần 8.500 tỷ đồng thâu tóm hàng loạt công ty bất động sản
Doanh thu hoạt động tài chính trong năm 2020 của Novaland lên tới 6.210 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.
Lãi khủng nhờ thoái vốn công ty con và đánh giá lại khoản đầu tư
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – NVL) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2020.
Doanh thu thuần đạt 5.026, giảm 54% so với năm 2019. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm 63% còn 3.714 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ tư vấn quản lý, phát triển dự án và tư vấn bán hàng tăng 83% lên 1.254 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính từ thoái vốn công ty con và đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh tăng đột biến
Ngoài lãi vay, Novaland chịu thêm lãi do nhận tiền hợp tác đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng
Doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến, đạt 6.210 tỷ đồng, gấp 6 lần năm trước đó. Số này bao gồm 3.358 tỷ đồng lãi thoái vốn công ty con, và 2.384 tỷ đồng doanh thu từ đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn.
Thuyết minh của Novaland cho biết, các công ty con bán sinh lãi gồm CTCP Đầu tư Bất động sản Phong Điền, CTCP Cảng Phú Thịnh, CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản Phú Trí, Công ty TNHH Nova Nippon, và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Sun City.
Doanh thu tài chính bất thường cũng đến từ việc Novaland đánh giá lại khoản đầu tư ban đầu vào CTCP Thạnh Mỹ Lợi tại ngày nắm quyền kiểm soát.
Các khoản thu này đóng góp phần lớn vào lợi nhuận sau thuế của Novaland, công ty đem về 3.907 tỷ đồng năm 2020.
Tỷ đồng
Chi gần 8.500 tỷ đồng thâu tóm các công ty
Trong năm qua, hoạt động mua lại các công ty của Novaland diễn ra sôi động. Các thương vụ đáng chú ý gồm việc mua lại 69,86% cổ phần Công ty TNHH Bất động sản Phúc Hoa với giá phí 4.300 tỷ đồng; mua lại gần 100% cổ phần Công ty TNHH Bất động sản Thế Kỷ Hoàng Kim với giá phí 1.900 tỷ đồng; mua nhóm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Huy và CTCP Địa ốc Ngân Hiệp với giá phí 882 tỷ đồng; mua nhóm CTCP Đầu tư Liberty và CTCP Thạnh Mỹ Lợi với giá phí 1.400 tỷ đồng (Novaland đánh giá lại khoản đầu tư này ghi lãi 2.384 tỷ đồng).
Tổng tài sản trong năm tăng mạnh từ 89.979 tỷ đồng lên 144.536 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho tăng từ 57.206 tỷ đồng lên 86.865 tỷ đồng, điều này phần lớn do hợp nhất các công ty mua mới.
Phải thu tăng mạnh, gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Đáng chú ý, 17.139 tỷ đồng phát triển và hợp tác đầu tư dự án; 2.638 tỷ đồng đặt cọc mua cổ phần, chuyển nhượng vốn góp; 2.163 tỷ đồng nhận chuyển nhượng đất, dự án…
Phía nợ phải trả, Novaland phát sinh 23.333 tỷ đồng vào khoản mục phát triển, hợp tác đầu tư dự án, nâng tổng số lên 37.460 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Novaland nhận hợp tác đầu tư phát triển dự án với bên thứ ba, khoản tiền này sẽ được hoàn trả lại sau khi dự án hoàn thành. Lưu ý rằng, các khoản nhận tiền hợp tác đầu tư cũng phải chịu lãi.
Các khoản nhận về phát triển, hợp tác đầu tư dự án của Novaland tăng hơn 1 tỷ USD
Trong năm, nợ vay ngắn hạn của công ty tăng từ 8.445 tỷ đồng lên 14.544 tỷ đồng; nợ vay dài hạn tăng từ 26.126 tỷ đồng lên 34.357 tỷ đồng.
Dòng tiền "khủng" luân chuyển
Dòng tiền luân chuyển trong năm 2020 của Novaland ở mức choáng ngợp. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3.486 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 4.911 tỷ đồng. Để bù đắp, Novaland đẩy mạnh dùng tiền đi vay, lưu chuyển tiền thuần hoạt động tài chính 13.490 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền của Novaland trong năm qua