MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NTK nội thất chỉ ra điều quan trọng cho nhà có thú cưng: Chó cần lưu ý về sofa, mèo cầu kỳ hơn thế

03-10-2023 - 09:48 AM | Lifestyle

Từng chi tiết nhỏ từ cách lựa chọn đến sắp xếp nội thất đều mang đến không gian sống an tâm, an toàn cho cả chủ và thú cưng.

Khi mọi thứ ngày càng hiện đại hơn, điều kiện sống tốt hơn, nhiều người đã bắt đầu biết “đòi hỏi” nhiều hơn ở một không gian sống chất lượng thay vì chỉ quan tâm đến công năng hay tính thẩm mỹ. Một ngôi nhà đẹp, không chỉ dựa trên những thứ hữu hình có thể thấy bằng mắt mà phải mang đến cảm giác thoải mái, an yên cho tất cả các thành viên sống ở đó, kể cả những bạn thú cưng như chó, mèo,... 

Tuy nhiên nên thiết kế nội thất thế nào để cả chủ và thú cưng đều có không gian riêng? Hay phải làm sao để đảm bảo an toàn cho thú cưng với những món đồ nội thất trong nhà? Cùng lắng nghe quan điểm của NTK Jess Thái để hiểu hơn về các tips lựa chọn nội thất cho căn nhà của mình! 

NTK Jess Thái (Thái Phương Thanh, SN 1990), tốt nghiệp Đại học Swinburne, chuyên ngành Thiết kế nội thất. Trước đó, Jess Thái từng theo học ngành Quản trị kinh doanh và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang. Hiện đang là founder của Kat Studio.

Theo xu hướng hiện nay, rất nhiều gia chủ bắt đầu quan tâm đến thiết kế không gian sống cho thú cưng. Điều này có phải bài toán khó với các KTS/ NTK nội thất?

Theo mình, đây không phải một bài toán khó vì thú cưng cũng giống như 1 thành viên trong nhà. Do vậy khi thiết kế không gian sống cho thú cưng, các KTS hay NTK nội thất sẽ coi như việc nhà có thêm người và vẫn làm các quy trình như bình thường sao cho phù hợp nhất với tính chất riêng của mỗi thành viên, và vẫn tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh nhất. 

Cụ thể hơn, nên bố trí không gian, nội thất cho thú cưng như thế nào để phù hợp với tổng thể ngôi nhà từ thẩm mỹ đến công năng? 

Đầu tiên mình phải hiểu nhu cầu của thú cưng là gì. Về cơ bản, các bạn thú cưng cũng cần chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi. Chỗ ăn ngoài việc cần sạch sẽ, mình phải tính toán xem nếu chúng muốn uống nước thì sẽ lấy từ đâu,... để bố trí gần khu vực ổ cắm điện để sử dụng máy nước hoặc các dụng cụ cho ăn tự động. 

Về thẩm mỹ thì không lo lắng, vì trên thị trường, đồ cho thú cưng ngày càng xinh xắn. Tuy nhiên, Jess cũng vẫn hay nói thực ra thú cưng đôi khi các bé không cần đến những cái đó mà do bản thân người nuôi muốn mua vì họ thấy xinh. Còn thực tế, mình ngồi sofa, thú cưng cũng ngồi sofa, mình chia sẻ chỗ ngồi cho nó. Do vậy, mình nghĩ không có gì khó trong việc bố trí không gian. 

Chỉ lưu ý khu vực nhà vệ sinh vì động vật cũng giống như con người, chúng cũng muốn riêng tư. Ngược lại, mọi người cũng sẽ thích khu vực này không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hằng ngày nên thường sẽ để ở ngoài trời, nơi thông thoáng gió, tránh gây mùi cho căn nhà.

NTK chỉ ra điều quan trọng làm nội thất cho nhà có thú cưng: Chó cần lưu ý về sofa, mèo cầu kỳ hơn thế - Ảnh 2.

Theo Jess Thái, thú cưng cũng như một thành viên trong gia đình nên cần hiểu rõ nhu cầu, sở thích, tính cách

Jess từng nói tính an toàn thú cưng phải được đặt lên hàng đầu, vậy cần lưu ý những điều gì khi thiết kế không gian sống cho chúng?

Mình cần quan tâm vào size của thú cưng lớn hay không, các bé có hay chạy nhảy không,... Vì size lớn quá khi chạy nhảy, chúng có thể leo lên các bề mặt bàn, ghế dễ gây hư hỏng đồ đạc. Hoặc lối đi trong nhà không đủ rộng cũng dễ khiến việc di chuyển của thú cưng bị hạn chế. 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần hiểu thú cưng như cách hiểu sở thích của một người thân trong gia đình. Phải biết được bé chó hoặc bé mèo này sẽ có thói quen sử dụng không gian như thế nào. Ví dụ với một số thú cưng thức đêm, mình cũng sẽ tránh lắp đặt thiết kế sàn gỗ để khi các bé di chuyển không gây ra tiếng động, ảnh hưởng đến mọi người. 

Đối với những bé chó, cần lưu ý khoảng cách giữa sofa với mặt đất vì chúng hay chạy nhảy. Nếu quá cao cần kê thêm đôn phù hợp, để tránh làm ảnh hưởng đến xương, khớp của các bé. Các chất tẩy rửa, hoá học trong nhà cũng cần được cất giấu để chúng không lôi ra quậy phá hay cắn. 

Gia đình nuôi mèo thì cầu kỳ hơn một chút. Không cần xây kệ quá cao, đặc biệt là nhà trong chung cư cao tầng. Vì khi có những trường hợp khẩn cấp xảy ra, mình không gọi được chúng và bắt cũng rất khó khăn. Do đó Jess thường sẽ để các bạn tự do trong không gian, nếu làm chỗ chơi riêng thì cũng chỉ vừa tầm với, không làm quá cao. Trong nhà cũng không nên có những cái hốc mà mình thò tay không tới, như vậy cũng rất nguy hiểm khi cần di tản bé trong trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, với những gia đình ở nhà mặt đất, cần lưu ý về cửa ra vào để tránh các bạn mèo có thể bỏ ra ngoài. Nếu được, nên thiết kế cửa 2 lớp, như vậy sẽ dễ kiểm soát hơn trong lúc lơ là mở cửa, các bé mèo có chạy ra ngoài hay không. Còn khi ở chung cư, cần tạo lưới an toàn ở cửa sổ, ban công. Ngoài ra, mọi người cũng nên lưu ý nếu sử dụng bếp từ, mèo có thể nhảy lên, đi qua chạm vào nút khởi động dễ gây đến cháy nổ. Do vậy, phải luôn luôn khóa bếp từ hoặc không đặt nồi có sẵn trên bếp, như vậy mới đảm bảo an toàn. 

NTK Jess Thái chỉ ra những lưu ý trong thiết kế nội thất để đảm bảo an toàn cho thú cưng

Thế nhưng ngược lại, đặc tính của thú cưng là nhiều lông, có tips nào để hạn chế các đồ vật trong nhà lúc nào cũng dính lông, không được gọn gàng? 

Để giải quyết vấn đề này, cách đương nhiên chính là hút bụi, vệ sinh thường xuyên. Nếu có quá nhiều lông lá, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ thì nên mua thêm máy lọc không khí. Cuối cùng, tránh sử dụng các chất liệu bám lông như nhung, vải bố,... Thay vào đó, mọi người có thể tham khảo các chất liệu ít bám lông hơn như những loại da trơn có thể chống bám bụi bẩn, lông,.. 

Tuy nhiên, để làm được tất cả những điều đó thường sẽ tốn chi phí bao nhiêu? Các vật liệu, nội thất nên sử dụng là gì?

Chi phí không tính ra được số vì tùy trường hợp cụ thể. Tuy nhiên cũng không cần phải đầu tư riêng quá nhiều cho chó, mèo bởi chúng dường như sống chung không gian với chủ. Chỉ có một vài thiết bị, dụng cụ về ăn uống hay đi vệ sinh thì cần đầu tư riêng. Còn về phương diện nội thất, không tốn quá nhiều chi phí hơn khi xây nhà bình thường. Trừ khi các bạn lựa chọn các chất liệu siêu cao cấp như da dày, chống cào thì có thể sẽ tạo chênh lệch. 

Ngoài ra vật liệu, nội thất như mình có chia sẻ nên chú trọng việc đóng sàn thật chắc. Mình ưu tiên sử dụng sàn gạch hơn sàn gỗ. Vì nếu dùng sàn gỗ, vừa tạo ra tiếng kêu khi thú cưng di chuyển, vừa khó xử lý về mùi hoặc nhanh hỏng khi các bé chẳng may đi vệ sinh giữa nhà. 

Đặc tính của các bé mèo là thích cào giấy dán tường hoặc rèm. Nên thông thường, mình sẽ chọn giấy dán tường trơn, không chọn vân nổi. Bởi các họa tiết vân sẽ tạo cảm giác kích thích, khiến bé mèo tưởng có thể bám vào được. Còn rèm sẽ lựa chọn loại vải theo tiêu chí khi chọn sofa, rèm ít lỗ, không thô ráp, nên chọn vải mềm mượt. 

Còn với các bé chó, để hạn chế việc gặm vào chân ghế, chân bàn thì nên lựa chọn vật liệu bằng kim loại, hoặc chọn kiểu dáng lớn hơn miệng của các bé chó. Một điều cũng cần lưu ý chính là nghiên cứu thói quen của các bạn chó, mèo và mua đồ chơi phù hợp cho chúng.

Tuy nhiên, khi chúng ta nuôi 1 con vật, điều quan trọng nhất đôi khi ko phải căn nhà mà chính là tình yêu thương và thời gian chúng ta dành cho con vật đó. Jess tin rằng, nếu đã là người lưu tâm đến môi trường sống cho các bé thông qua nội thất thì một chút xíu tổn hại lên đồ nội thất do các bé gây ra cũng không làm chúng ta bận lòng quá đâu. Nên mọi người cũng đừng quá stress khi làm nhà nhé!

Cảm ơn NTK Jess Thái về những chia sẻ!

NTK nội thất chỉ ra điều quan trọng cho nhà có thú cưng: Chó cần lưu ý về sofa, mèo cầu kỳ hơn thế - Ảnh 4.


 

Theo Trúc Hà/ Thiết kế: Trường Dương

Phụ nữ số

Trở lên trên