Nữ cơ trưởng xinh đẹp và hành trình cùng ‘chim sắt’ chinh phục bầu trời
Được “bay trên bầu trời như những loài chim” luôn là ước mơ của cô gái Nguyễn Thị Ngọc Bích từ thủa còn chập chững. Năm 2011 - khi đang ổn định với công việc của một tiếp viên tại hãng hàng không quốc gia, Bích Ngọc bất ngờ thông báo với gia đình rằng mình sẽ chính thức nghỉ việc và “chuyển vai”.
- 08-03-2023Nữ giảng viên trẻ nhất ĐH Hoa Sen lên giảng đường dát đồ hiệu lên đến cả tỷ đồng: Danh tính khiến nhiều người ngỡ ngàng!
- 08-03-2023Cận cảnh nhan sắc “Hoa hậu của các Hoa hậu” Đặng Thu Thảo, "bà trùm thời trang" Lưu Nga khen hết lời
- 08-03-2023Founder thương hiệu thời trang nghỉ dưỡng XITA kể chuyện 2 lần vay tiền khởi nghiệp và đam mê xây dựng hệ sinh thái lifestyle cho các nàng thơ của mình
“Một bước chân” thay đổi cuộc đời
Bố mẹ và gia đình chị Ngọc Bích như ngã ngửa khi chị nói rằng mình sẽ làm phi công. Giấy báo trúng tuyển học nghề chị cũng đã cầm tay. Không ai trong gia đình biết chị đã âm thầm vừa làm vừa thi tuyển từ khi nào; cũng không ai hình dung ra hình ảnh một nữ phi công sẽ ra sao.
Đứa con gái bé bỏng tuy đã làm việc trên bầu trời gần 3 năm nhưng bỗng chốc “chuyển vai” trở thành một phi công - công việc vô cùng áp lực, hiếm dành cho phái nữ khiến bố mẹ chị lo “mất ăn mất ngủ”. Thế nhưng hiểu tính cách con gái, một khi ý chị đã quyết thì khó có thể thay đổi nên gia đình chỉ có thể ủng hộ chị tối đa về mặt tinh thần.
Nữ cơ trưởng Nguyễn Thị Ngọc Bích.
Từ bỏ vị trí tiếp viên hàng không, công việc được biết bao cô gái trẻ ao ước, chị Ngọc Bích cũng đắn đo rất nhiều. Trước đây, để trở thành tiếp viên tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã không dễ dàng gì. Ngày mặc bộ áo dài sải bước lên chuyến bay đầu tiên, cũng là ngày ước mơ thủa nhỏ đã thành sự thực, giây phút ấy chị không bao giờ quên. Vỡ òa trong niềm hạnh phúc, chị biết rằng bầu trời chính là nơi mình thuộc về. Niềm cảm hứng ấy đã theo chị trong suốt 3 năm bay tới các điểm đến trên thế giới.
Thỏa nguyện ước mơ, Ngọc Bích đã từng nghĩ rằng mình sẽ chẳng còn mong cầu gì hơn nữa. Nhưng ngày qua ngày, chị cảm nhận được một điều gì đó vẫn đang thôi thúc chị từ tận sâu trong đáy lòng. Tiếp xúc với các anh phi công, chị thấy được sự tự tin, bản lĩnh của những con người làm chủ bầu trời. Chị cũng muốn được như vậy. Từ đó khát khao cháy bỏng được ngồi vào chiếc ghế phi công, làm chủ buồng lái cứ thôi thúc chị không ngừng. Để rồi một ngày chị quyết định rời bỏ công việc của một tiếp viên để hướng tới những chân trời mới của nghề phi công thương mại.
Trước khi "chuyển vai" làm phi công, Bích Ngọc từng là tiếp viên hàng không.
Bước từ khoang làm việc của tiếp viên lên khoang lái chỉ là một bước chân, nhưng để bước “một bước chân” ấy, Ngọc Bích đã phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt. Ba năm huấn luyện là quãng thời gian khó khăn nhất cuộc đời chị. Dù đã biết trước sẽ không dễ dàng nhưng chị cũng không thể tưởng tượng được hết sự khắc nghiệt của quá trình khổ luyện để đào tạo phi công. Chẳng phải tự nhiên mà công việc này vốn dĩ chỉ dành cho phái mạnh. Người phụ nữ phải có đam mê lớn chừng nào mới có đủ nghị lực và kiên trì theo đuổi nghề nghiệp này. Khi ấy chị cũng chẳng còn thời gian để nghĩ quá nhiều. Chỉ biết nỗ lực từng ngày, từng ngày, bước từng bước, từng bước một để có thể tự tin ngồi vào khoang lái, chịu trách nhiệm an toàn cho hàng trăm hành khách phía sau.
Những lúc kiệt sức, Ngọc Bích không thể chia sẻ cùng ai. Chị không muốn người thân phải lo lắng quá nhiều cho mình. Có những khi cô đơn, mệt mỏi đến phát khóc chị cũng chưa bao giờ suy nghĩ đến chuyện từ bỏ. Vượt qua những phút yếu lòng, cô gái Ngọc Bích lại tiếp tục nỗ lực tiến về phía trước.
Làm chủ bầu trời cần bản lĩnh vững vàng
Chị mãi không quên cảm xúc lần đầu tiên được một mình điều khiển máy bay mà không có giáo viên hướng dẫn bay cùng. Đó là cảm giác thật sự hạnh phúc. Chị vui sướng, tự hào vì mình vượt qua chính mình, đánh tan những lo âu, sợ hãi mà chị hình dung ra từ trước. Đó cũng là lúc chị đã ý thức rõ ràng và chân thực nhất về trách nhiệm với sự an toàn tính mạng của hàng trăm hành khách cũng như của chính mình trên từng chuyến bay.
Bích Ngọc cùng nam đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ trên một chuyến bay.
Đúng như câu nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau ba năm huấn luyện, năm 2014, chị Ngọc Bích chính thức trở thành phi công Đoàn bay 919. Và đến nay chị đã là cơ trưởng máy bay A321 với hơn 6.000 giờ bay. Làm việc với tâm lý vững vàng, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm tốt, tính tuân thủ kỷ luật cao chính là những điều chị Ngọc Bích luôn tâm niệm.
Chị thấu hiểu rằng nghề phi công không phân biệt giới tính, người phi công chuyên nghiệp là người có năng lực và bản lĩnh, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Quá trình đào tạo, huấn luyện cho đến địa bàn làm việc của người lái máy bay là môi trường của những người chuyên nghiệp. Không bao giờ chỉ vì bạn là nữ mà những tiêu chuẩn, quy trình lại thay đổi và hạ thấp tiêu chuẩn.
Thời gian đầu đảm nhiệm vị trí mới, chị cũng bắt gặp nhiều ánh mắt ngạc nhiên. Chị hiểu rằng ở Việt Nam, nữ phi công vẫn còn là điều mới mẻ. Khách hàng có quyền e ngại khi một người phụ nữ bé nhỏ điều khiển những “con chim sắt” khổng lồ nhưng càng như vậy chị lại càng phải quyết tâm để chứng tỏ rằng một cô gái hay là một chàng trai, khi bước lên buồng lái, làm chủ bầu trời cũng sẽ như nhau.
Sau thời gian bay cần mẫn, năng lực của chị Ngọc Bích được khẳng định qua số giờ bay tích lũy ngày một nhiều, những hành trình bay ngày một phong phú. Nữ cơ trưởng Ngọc Bích cũng nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối từ đồng nghiệp và khách hàng. Những áp lực thủa ban đầu dần qua đi. Giờ chị không cần phải lo lắng, băn khoăn để chứng minh thêm điều gì, chị chỉ tận hưởng mỗi chuyến bay, mỗi giờ phút làm chủ bầu trời.
Hình ảnh cơ trưởng Bích Ngọc sau những chuyến bay.
Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bầu trời ở vị trí mà không phải ai cũng có thể trải nghiệm đó là cảm giác thú vị. Mỗi lần được ngắm vẻ đẹp choáng ngợp của bầu trời hay đổi theo từng khung giờ ngay trước khoang lái, nơi mà chị gọi là “văn phòng trên mây”, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Hơn tất cả, sau mỗi chuyến bay căng thẳng, nhận được những lời cảm ơn, khen ngợi hay những cái bắt tay nồng ấm và sự hài lòng của hành khách là những phần thưởng quý giá, là nguồn động viên quý báu để những người phi công như chị thêm yêu và gắn bó lâu dài với công việc đã lựa chọn.
“Công việc của người phi công là thường xuyên phải xa nhà luôn cần có sự cảm thông rất lớn từ gia đình. Đó là hậu phương, là điểm tựa của người phi công giống như như bến đỗ, sân ga của mỗi chiếc máy bay. Tôi may mắn có gia đình luôn hậu thuẫn bên mình và được làm việc bằng niềm đam mê. Tôi biết ơn cuộc sống bởi những điều tốt đẹp ấy và sẽ cố hết sức để có thể cân bằng được việc chăm sóc, quan tâm đến gia đình và phát triển trong nghề. Nhân ngày 8/3, tôi cũng chúc cho chị em đồng nghiệp tại Vietnam Airlines cũng có một hậu phương vững chắc, luôn ủng hộ mình thực hiện những ước mơ trong đời” - cơ trưởng Ngọc Bích.
Tiền phong