Nữ ĐBQH trẻ nhất khóa XV: Đề nghị cân nhắc việc đổi tên danh hiệu "Gia đình văn hóa" thành "Gia đình tiêu biểu"
Trong phiên thảo luận về dự thảo luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) theo hình trực tuyến sáng 28/10, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho rằng dự thảo luật chưa nêu lý do đổi tên danh hiệu "Gia đình văn hóa" thành "Gia đình tiêu biểu" và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định này.
- 25-10-2021Chủ tịch Quốc hội: Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn, nhưng cần bình đẳng giữa người mua và người bán
- 23-10-2021Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì ở dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)?
- 23-10-2021Sẽ không còn danh hiệu "Gia đình văn hóa" theo luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)
- 22-10-2021Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải vì sao Hải Phòng, Thanh Hóa... được thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù?
- 22-10-2021Quốc hội thảo luận những gì về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế?
Hạn chế tối đa cộng dồn thành tích
Bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt cũng nêu ra những vấn đề còn băn khoăn.
Theo vị ĐBQH sinh năm 1997, so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Lý do bổ sung nguyên tắc này nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng như trước đây.
"Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng khi phân tích kỹ thì thấy vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm", ĐBQH đoàn Điện Biên cho biết.
Ví dụ, một trong các tiêu chuẩn được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất là đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó, có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh. Theo đó, để 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh mất ít nhất 6 năm. Như vậy, nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh thì không đáp ứng được tiêu chuẩn khen thưởng danh hiệu này.
Bà Quàng Thị Nguyệt là ĐBQH trẻ nhất nhiệm kỳ XV.
"Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng để công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là động lực cho sự phát triển", ĐBQH Nguyệt cho biết.
Cũng về nguyên tắc khen thưởng, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự thảo luật không có điều khoản nào quy định về việc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt nói và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa các nguyên tắc này trong dự thảo luật.
Về việc bổ sung, đổi tên một số danh hiệu, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt cho biết việc bổ sung danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu là cần thiết. Tuy nhiên, việc đổi tên danh hiệu "Gia đình văn hóa" thành "Gia đình tiêu biểu" không nhận được sự ủng hộ của vị ĐBQH đoàn Điện Biên.
"Qua nghiên cứu báo cáo tổng kết Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, không thấy đề cập đến lý do vì sao phải đổi tên. Tôi nhất trí với việc nâng cao các tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua hiện hành đối với các danh hiệu gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa lên mức cao hơn. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc đổi tên các danh hiệu thi đua nhằm kế thừa các danh hiệu thi đua hiện hành", ĐBQH Quàng Thị Nguyệt nói.
Ưu tiên khen thưởng người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa
Đây là quan điểm của ĐBQH Nàng Xô Vi đoàn Kon Tum. Nữ đại biểu sinh năm 1996 bày tỏ thống nhất việc bổ sung nội dung quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác nhằm tạo động lực để những nhóm đối tượng này tiếp tục hăng say lao động, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất.
"Tuy nhiên, tôi đề nghị ưu tiên khen thưởng những người đang công tác, sinh sống tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới", ĐBQH Nàng Xô Vi cho biết.
ĐBQH Nàng Xô Vi phát biểu sáng 28/10.
Lý do đề nghị, Đại biểu Vi cho biết nước ta có biên giới trên đất liền trên 4.500km, giáp với các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Campuchia và cũng có biên giới trên biển Đông, bờ biển, biển đảo mà trong đó có rất nhiều đảo, quần đảo như 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa.
"Trong thực tế, để giữ vững chủ quyền biển đảo, gìn giữ biên giới, bờ cõi, phên giậu của Tổ quốc những người sinh sống, công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình nên rất cần nhà nước ưu tiên trong việc xét khen thưởng để ghi nhận thành tích, công lao và sự cống hiến của họ cho đất nước", Đại biểu Vi cho biết.
Bên cạnh đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc khen thưởng là đúng đối tượng, đúng công trạng, thành tích, ĐBQH Nàng Xô Vi cũng nêu quan điểm để hoàn thiện hơn quy định xử phạt trong lĩnh vực này.