Nữ doanh nhân 8x và hành trình bỏ việc Louis Vuitton để đi bán bánh đa cua Hải Phòng
Đam mê ẩm thực Hải Phòng, chị Nguyễn Diệu Hương đã từ bỏ công việc “mơ ước” tại Louis Vuitton để tiến hành khởi nghiệp với chuỗi nhà hàng An Biên.
- 10-10-2016Sếp Bita's: Còn quá nhiều rào cản đối với doanh nhân khởi nghiệp
- 03-10-2016Học theo quốc gia này, cả Sài Gòn lẫn Hà Nội đều có thể là thành phố khởi nghiệp
- 30-09-2016Câu chuyện khởi nghiệp và thành công
Khởi nghiệp nhờ đam mê ẩm thực quê chồng
Dành học bổng toàn phần, tốt nghiệp loại ưu đại học chuyên ngành thiết kế sản phẩm (product design) tại Nga và từng làm việc tại Tập đoàn thời trang danh tiếng thế giới Louis Vuitton, chị Nguyễn Diệu Hương (1983) đã quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để theo đuổi đam mê khởi nghiệp.
Trái với chuyên ngành theo học, chị Hương lựa chọn một lĩnh vực không liên quan là ẩm thực để khởi nghiệp và chuỗi nhà hàng An Biên chuyên về các món ăn Hải Phòng đã ra đời. Mặc dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng nhưng sau 5 năm hoạt động, An Biên đã dần khẳng định được tên tuổi tại Hà Nội.
Trước đây, cũng như đa số người dân Hà Nội, chị Hương không biết quá nhiều về ẩm thực Hải Phòng, ngoại trừ những món phổ biến như bánh đa cua hay bánh mì cay. Tuy vậy, bước ngoặt đã đến vào năm 2011, thời điểm kết hôn với chồng người Hải Phòng và chị đã có nhiều cơ hội tìm hiểu về nền ẩm thực đất Cảng.
Ngay lập tức, chị Hương nhận ra ẩm thực Hải Phòng vô cùng thú vị, khác biệt và đặt ra câu hỏi: “Vì sao ẩm thực Hải Phòng phong phú như vậy mà không nhiều người biết”? Từ đó, chị đã nảy ra ý định khởi nghiệp với nhà hàng chuyên về ẩm thực Hải Phòng.
Thực hiện khảo sát trên mạng xã hội, chị Hương ước tính lượng người Hải Phòng sinh sống, lao động tại Hà Nội không phải là ít và họ rất có nhu cầu thưởng thức ẩm thực quê hương. Chị coi đây là đối tượng khách hàng trọng tâm trong thời gian đầu.
Với số vốn tích lũy của 2 vợ chồng cùng sự hỗ trợ của gia đình, cửa hàng An Biên đầu tiên đã được ra đời ngay trong năm 2011, chỉ vài tháng sau khi lên ý tưởng. Khi đó, An Biên chỉ là một cửa hàng nhỏ với diện tích 40m2 ở cuối đường Triệu Việt Vương và cũng chỉ bán duy nhất một sản phẩm là bánh đa cua nhằm mục đích xác định nhu cầu thị trường. Lúc đó, quy mô không quá lớn nên chị vẫn vừa làm việc tại Louis Vuitton và vừa quản lý cửa hàng.
Hai năm vận hành cửa hàng thử nghiệm một cách hiệu quả, đồng thời, em bé đầu lòng đã cứng cáp hơn, chị Hương quyết định mở nhà hàng lớn hơn với mô hình hoàn toàn khác ban đầu, thực đơn cũng đa dạng hơn với nhiều món ăn đậm chất Hải Phòng. Cũng lúc này, chị xin nghỉ việc tại Louis Vuitton để tập trung vào hoạt động kinh doanh.
Bà chủ chuỗi An Biên chia sẻ, chất lượng món ăn là điều mà chị chú trọng đặc biệt. Theo đó, chúng vừa phải giữ được nguyên vẹn công thức cũng như hương vị của đồ ăn Hải Phòng nhưng cũng được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị tại Hà Nội. Ngoài ra, để đảm bảo giữ được chất lượng đồng đều giữa các nhà hàng, An Biên đã thành lập xưởng chuyên chế biến thức ăn, cung cấp cho toàn hệ thống.
Cũng theo chị Hương, An Biên sẽ không hướng tới nhượng quyền bởi mô hình này khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực yêu cầu cao như nhà hàng.
Không gian đậm chất Hải Phòng bên trong chuỗi nhà hàng An Biên
Tham vọng đưa ẩm thực Hải Phòng trở nên phổ biến
Khi được hỏi điều gì khiến chị tự hào nhất kể từ lúc bắt đầu khởi nghiệp cho đến giờ, chị Hương chia sẻ: “Đưa những món ăn đường phố của Hải Phòng hoà nhập vào đời sống đô thị năng động và trở thành một lựa chọn hàng ngày của không ít thực khách tại Hà Nội là điều mà An Biên bước đầu đã thực hiện được”.
Chị Hương không giấu tham vọng biến những món ăn dân dã của quê chồng thành món ăn hàng ngày của người dân thành thị trên khắp Việt Nam. Hiện nay, An Biên đã có 3 nhà hàng tại Hà Nội và nữ doanh nhân trẻ đang rất tự tin mở rộng hệ thống lên 5 nhà hàng vào quý 1 năm 2017.
Bên cạnh những thành công ban đầu cũng xuất hiện không ít khó khăn trên con đường khởi nghiệp của nữ doanh nhân trẻ này bởi đây là loại hình kinh doanh hoàn toàn mới mẻ mà chị chưa từng có kinh nghiệm. Ẩm thực Hải Phòng chưa được nhiều chuyên gia chú trọng nghiên cứu nên việc vận hành ban đầu đều do chị Hương tự thử, sai thì làm lại. Việc trở thành Founder kiêm CEO cũng khác xa so với lúc đi làm tại các công ty, tập đoàn lớn và chị phải nỗ lực học hỏi, cải thiện qua từng ngày.
Hoạt động kinh doanh cũng không dễ dàng như suy nghĩ ban đầu. Chị Hương cho biết, trong ý nghĩ của hầu hết người Hà Nội, những món ăn từ các nơi khác đều được coi là “đặc sản”. Họ không coi những món ăn từ Hải Phòng là sự lựa chọn hàng ngày mà chỉ “ăn khi có dịp”. Vì thế, thay đổi “định kiến” của khách hàng là thách thức lớn đối với An Biên.