Nữ giám đốc cá tính đứng sau những thương vụ nghệ thuật hàng triệu USD của châu Á: "Đến giờ mẹ vẫn chỉ nghĩ tôi chưa đói ăn là may"
“Năm 18 tuổi, một thân một mình quyết định tới London theo học nghệ thuật, mẹ tôi đã nói thẳng: Cha mẹ tốn công nuôi ăn học đến từng này tuổi, cuối cùng con lựa chọn một công việc không kiếm nổi ra tiền như thế à?” - Adeline Ooi, Giám đốc khu vực châu Á của Art Basel, chia sẻ về quyết định trọng đại đã thay đổi cuộc đời mình.
- 30-06-2022Triệu phú Mỹ khuyên không nên tiết kiệm nhiều giữa thời lạm phát, để giữ tiền thì cứ thực hiện 3 điều sau
- 29-06-2022Không muốn đau đầu vì chuyện mua nhà đất hay chung cư, nhiều người trẻ chỉ thích ở thuê: “Mình từng mua 2 căn nhưng hối hận bán luôn, dành tiền đầu tư cái khác”
- 29-06-2022Bí quyết giúp người mẹ bê gạch công trường nuôi con thành “Trạng nguyên”: Không cần áp đặt, tạo áp lực mà con vẫn "thấm"
Những khu sản xuất dầu cọ với hình ảnh người công nhân lấm lem, nhọc nhằn ở Malaysia là nơi mà Adeline Ooi khôn lớn. Trong môi trường đó, việc tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật là vô cùng hiếm có.
Bản thân Adeline Ooi cũng không thể ngờ tới, nhiều năm về sau, mình sẽ trở thành một nữ Giám đốc đứng sau các thương vụ nghệ thuật hàng triệu USD, phụ trách cả khu vực châu Á của Art Basel. Hình ảnh một người phụ nữ giỏi giang, đầy cá tính với mái tóc tém, hay cười và nói rất nhanh đã trở nên quen thuộc tại hội chợ nghệ thuật nổi tiếng này.
Ở tuổi niên thiếu, Adeline Ooi được gia đình gửi đi học ở Singapore. Theo mong ước của gia đình, cô những tưởng tương lai của bản thân sẽ khoác lên mình những bộ âu phục, cả ngày làm việc trong các tòa văn phòng kín như bưng, chỉ có từng dãy đèn huỳnh quang lạnh lẽo treo trên đầu. Đó là một tương lai đầy thoải mái, nhưng cô biết chắc rằng mình sẽ không hề hạnh phúc.
Những suy nghĩ này đã theo Adeline Ooi một thời gian dài. Nhưng đến độ tuổi 18, trở thành một người trưởng thành, cá tính riêng không cho phép cô tiếp tục chấp nhận điều đó.
Adeline Ooi quyết định một thân một mình tới London, Anh, để theo học trường nghệ thuật Central Saint Martins.
“Đương nhiên là cha mẹ tôi vô cùng không hài lòng. Họ là tuýp phụ huynh điển hình không muốn con mình tham gia vào những ngành nghề ‘không chắc chắn có thể kiếm ra tiền’.” - Ooi chia sẻ.
Trái với ấn tượng về con gái làm nghệ thuật thường mang khí chất lạnh nhạt, khó tiếp cận và một chút thần bí, Adeline Ooi lại là một người phụ nữ hay cười đùa và thích nói chuyện.
Tâm sự về lý do đột ngột quyết định theo học tại Central Saint Martins, cô nói: “Có lẽ, một phần cá tính ngông nghênh, bất cần trong tôi đã mách bảo mình phải đi tìm một bầu không khí mới.”
Adeline Ooi, Giám đốc khu vực châu Á của Art Basel. Ảnh: Discovery
Thời gian đầu, mọi thứ không hề dễ dàng. Là một người Malaysia gốc Hoa, cô cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống ở London vào cuối những năm 1990.
“Đó là khoảng thời gian rất cô đơn. Tôi đã nhận ra, mình quá khác biệt so với mọi người xung quanh. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình thuộc về châu Á, trong khi suốt một thời gian dài trước đó, tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này.” - Ooi kể lại.
May mắn thay, Central Saint Martins có một thư viện lớn chứa rất nhiều các video nghệ thuật quốc tế cho phép học viên thuê về nhà.
“Ở đó, tôi tìm thấy Eat Drink Man Woman và Eat a Bowl of Tea (những bộ phim châu Á), những sản phẩm của Vương Gia Vệ hay Hầu Hiếu Hiền (các đạo diễn nổi tiếng của Đài Loan, Trung Quốc), hoặc bất cứ tác phẩm nào của châu Á. Nhờ vậy, tôi mới cảm thấy thân quen hơn ở nơi xứ người”, Adeline Ooi tiết lộ về cách để vượt qua nỗi cô đơn.
Hành trình đến với nghệ thuật hoàn toàn không dễ dàng. Adeline Ooi đã tóm gọn những năm hai mươi của mình bằng “một cuộc khủng hoảng hiện sinh”. Cô ấy mải miết đi tìm lý tưởng, tìm lý do cho sự tồn tại của chính mình.
Trong trạng thái tâm lý như vậy, gia đình cô lại bất ngờ gặp phải biến cố. Cha của Ooi qua đời khiến mẹ cô bị sốc. Bà lập tức gọi điện và yêu cầu con gái phải trở về Malaysia: “Mẹ không còn trẻ nữa, ai biết sẽ sống được bao lâu. Bây giờ bố con cũng qua đời rồi, mẹ không muốn ra đi một mình mà không có ai bên cạnh.”
Sau cuộc gọi đó, Adeline Ooi quyết định trở về quê hương và ở lại suốt 3 năm. Nhưng đây cũng chính là thời điểm dẫn tới bước ngoặt lớn thứ 2 trong cuộc đời sự nghiệp của cô.
Lớn lên ở khu sản xuất, sau đó được gửi sang học ở Singapore, rồi lại bay sang London để theo học đại học, Adeline Ooi dành phần lớn khoảng thời gian của mình ở xa quê hương. Do đó, khi trở lại với Malaysia, cô phải làm quen lại mọi thứ từ đầu.
Quá trình làm quen này giúp cô gặp được những con người rất đặc biệt, trong đó, phải kể tới Valentine Willie. Ông sở hữu một phòng trưng bày nghệ thuật ở Kuala Lumpur, chuyên kinh doanh nghệ thuật Đông Nam Á.
“Anh ấy chính là người đã dẫn tôi đến với lịch sử của nghệ thuật và giao thoa văn hóa. Sợi dây cộng hưởng vô hình đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời."
Năm 2000, Adeline Ooi được tham gia Valentine Willie Fine Art với tư cách là người phụ trách. Đây là bước đệm quan trọng, mở ra sự nghiệp quản lý nghệ thuật của cô.
Năm 2001, cô được trao Học bổng Trí thức Công cộng Châu Á của Quỹ Nippon cho đề xuất nghiên cứu các sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ Indonesia và Philippines. Ngày 11 tháng 9 năm đó, cô lên đường đến Indonesia.
“Jogja (tên khác của thành phố Yogyakarta) cũng đã thay đổi cuộc đời tôi.” - Ooi khẳng định. “Đó là nơi cởi mở nhất mà tôi từng đến, cởi mở theo cách mà mọi người luôn sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của bạn. Không một ai buồn hỏi tôi đến từ đâu, tôi có phải người Trung Quốc không…”
Tại Indonesia, cô may mắn gặp được những nhà mỹ thuật đại tài như Mella Jaarsma (nghệ sĩ gốc Hà Lan) và Nindityo Adipurnomo (chồng của Mella). Họ đã trở thành “gia đình thứ hai” của Ooi và mở ra cho cô một thế giới rộng lớn hơn bao giờ hết.
Sau đó, Adeline Ooi gặp gỡ những tri kỷ của đời mình là Beverly Yong và Rachel Ng. Vào năm 2008, cả ba người quyết định đồng sáng lập RogueArt.
Adeline Ooi từng bước phát triển sự nghiệp của mình. Ảnh: SCMP
“Chúng tôi nghĩ mình không phải là những nhà kinh doanh nghệ thuật bẩm sinh, mà chỉ đơn giản là muốn làm một điều gì đó mới mẻ. Vì vậy, chúng tôi chọn lĩnh vực tư vấn để phát triển. Ít nhất, chúng tôi biết mình có nhiều thứ để cho đi. Tuy là mọi người xung quanh khá quan ngại về điều này.” - Ooi tâm sự.
Nữ giám đốc kể lại rằng: “Một số người thậm chí đã nói thẳng rằng: ‘Thời buổi này chẳng ai trả tiền chỉ để mua lời khuyên, cùng lắm các bạn chỉ nhận được một bữa trưa miễn phí’. Điều đó hoàn toàn không sai. Nhưng chúng tôi muốn đánh cược với nữ thần may mắn.”
Cách nghĩ này rất phù hợp với cá tính tự do của Adeline Ooi.
RogueArt đã tổ chức các cuộc triển lãm và tọa đàm, tham gia xuất bản sách và làm việc với nhiều doanh nghiệp để tạo điều kiện phát triển các dự án nghệ thuật. Chia sẻ với tạp chí The Edge của Malaysia, Ooi đánh giá vai trò của mình là “người đan lưới” - chịu trách nhiệm liên kết các mắt xích lại với nhau.
“Người nghệ sĩ chỉ cần quan tâm tới quá trình sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của mình. Việc còn lại cứ để chúng tôi lo”, cô chia sẻ. “Những nghệ sĩ hiện đại cần đưa sản phẩm của mình đi nhiều hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ của những bảo tàng hay phòng trưng bày nghệ thuật điển hình. Do đó, chúng tôi đã cung cấp cho họ thêm một nền tảng mới, giống như một catalogue của giới nghệ thuật.”
Với những ý tưởng tuyệt vời, Adeline Ooi đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của Giám đốc Art Basel Hồng Kông là Magnus Renfrew. Ông đích thân gọi điện và đề nghị cô trở thành đại diện VIP cho Đông Nam Á.
Đón nhận vai trò mới, cô vẫn tiếp tục làm việc với RogueArt nhưng sẽ tới Hồng Kông, Trung Quốc công tác hai lần mỗi năm. Cô thường xuyên góp mặt đều đặn tại các hội chợ nghệ thuật thường niên, các buổi họp điều hành cũng như các show của Basel và Miami để hỗ trợ các đại diện VIP khác.
Renfrew luôn dành cho Ooi những lời khen ngợi tuyệt vời. Ông nhận xét: “Đó là một cô gái nghị lực, thông minh và sắc sảo. Cô cũng sở hữu trái tim vàng. Cho dù đôi lúc có chút cứng đầu, nhưng cô ấy lại rất chân thành và chính trực, có đam mê quảng bá nghệ thuật châu Á.”
Các tác phẩm nghệ thuật tại Art Basel HK. Ảnh: Art Basel
Do đó, khi từ chức giám đốc Art Basel HK, Renfrew đã rất ủng hộ Adeline Ooi ngồi vào vị trí của mình. “Nơi đây chứa đựng rất nhiều tâm huyết của tôi trong suốt 7 năm ròng. Do đó, vấn đề không chỉ nằm ở chuyên môn, mà còn quan trọng cả cảm xúc”, ông chia sẻ.
Vào tháng 1 năm 2015, cô ấy chính thức trở thành giám đốc của Art Basel HK. Giai đoạn 2016 tới 2019 sau đó, tổ chức này đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ, thu hút đông đảo sự chú ý của mọi người.
“Trong những năm đầu, các nghệ sĩ ở đây rất ít được biết đến. Bây giờ, ngày càng có nhiều quảng cáo dành cho nghệ thuật, giá cả dành cho sản phẩm cũng tốt hơn và tình trạng tiêu thụ rất thuận lợi”, kiến trúc sư kiêm nhà sưu tập William Lim cho biết. "Có những thương vụ lên tới cả triệu USD."
Rất nhiều người ghé thăm Art Basel HK vào năm 2021. Ảnh: Art Basel
Adeline Ooi đã chuyển đến Hồng Kông, Trung Quốc để điều hành công việc tốt hơn. Cô vẫn “đi mây về gió”, bận rộn nhiều việc, thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng nhưng luôn giữ thái độ tích cực trong công việc.
Sau đó, không mấy ai ngạc nhiên khi Adeline Ooi tiếp tục được thăng chức, trở thành Giám đốc khu vực châu Á của Art Basel. Với tinh thần “chẳng quản ngại chi”, Ooi mạnh dạn tiếp nhận thách thức mới.
Với vị thế như hiện tại, mẹ của cô ấy có thay đổi cách nghĩ? Khi được phóng viên hỏi về vấn đề này, Ooi mất một lúc lâu và do dự.
“Thành thật mà nói, mẹ tôi vẫn không thực sự hiểu rõ công việc mà tôi đang làm. Điều đấy cũng chẳng sao cả. Bà ấy chỉ biết tôi làm gì đó liên quan tới nghệ thuật và may mắn là chưa chết đói. Vậy thôi”, Ooi kể.
“Lần duy nhất mà bà ấy tỏ vẻ hài lòng là khi biết tôi trở thành giảng viên danh dự cho môn nghệ thuật tại một trường cao đẳng ở Kuala Lumpur. Bà ấy vui vẻ nói, ‘Hay lắm, giờ thì mẹ có thể khoe với bạn bè về cô con gái làm giảng viên đại học của mình rồi’.”
*Theo SCMP