Nữ giới chiếm tỷ lệ bao nhiêu tại các vị trí trong ngân hàng?
Theo khảo sát của IFC và NHNN, mặc dù nữ giới và nam giới có khả năng thăng tiến tương đương vào các vị trí quản lý cấp trung, nhưng chưa tới một phần ba số lượng nhân sự được đề bạt vào các vị trí quản lý cấp cao là nữ giới.
- 08-03-2023Lãi suất ngày 8/3: Có ngân hàng cộng thêm tới 0,8% cho duy nhất hôm nay
- 06-02-2023Không tính Agribank, đâu là ngân hàng đang có nhiều cán bộ nhân viên nhất hiện nay?
- 06-02-2023Thu nhập bình quân cán bộ nhân viên ngân hàng MB tăng gấp đôi trong 10 năm
Báo cáo nghiên cứu “Lưu ý khoảng cách giới: Thúc đẩy nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo ngành ngân hàng Việt Nam” của IFC hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố mới đây cho biết, nữ giới chiếm 68% tổng số nhân sự tại các ngân hàng tham gia khảo sát. Tuy nhiên, nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn ở cấp độ đầu vào, khoảng 60% lực lượng lao động, và tỷ lệ thấp hơn nhiều ở các vị trí quản lý cấp cao (33%) và lãnh đạo cấp cao (26%).
Nữ giới có xu hướng chiếm số đông ở một số bộ phận nhất định, ví dụ các vị trí làm việc trực tiếp với khách hàng như giao dịch viên ngân hàng hoặc tư vấn tại quầy (73%) và các vị trí vận hành (69%), nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn trong các bộ phận khác như công nghệ thông tin và ngân hàng số (27%).
Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ nữ giới trong ngành ngân hàng giảm sút đáng kể sau quản lý cấp trung, với tỷ lệ nữ giới giảm 21 điểm phần trăm từ quản lý cấp trung (54%) đến quản lý cấp cao (33%). Tỷ lệ nữ giới được đề bạt cũng giảm tương tự.
Nghiên cứu cũng cho biết, mặc dù nữ giới và nam giới có khả năng thăng tiến tương đương vào các vị trí quản lý cấp trung, chưa tới một phần ba số lượng nhân sự được đề bạt vào các vị trí quản lý cấp cao là nữ giới.
Cũng theo nghiên cứu này, nhìn chung, nữ giới ít lạc quan hơn về cơ hội thăng tiến bình đẳng so với nam giới. Tỷ lệ nữ giới nắm rõ các tiêu chí thăng tiến thấp hơn so với nam giới, và họ cũng ít lạc quan hơn so với nam giới về cơ hội thăng tiến bình đẳng ở các vị trí quản lý cấp thấp như trưởng nhóm, trưởng nhóm sản phẩm, hoặc các vị trí phó hoặc trưởng phòng tại chi nhánh hoặc cấp phòng/ban.
Trong khi cả hai giới đều xác định ba rào cản lớn nhất đối với thăng tiến như nhau - không có khả năng đi công tác thường xuyên theo yêu cầu, không thể làm việc nhiều giờ/làm thêm giờ do trách nhiệm chăm sóc gia đình, và không thể tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội sau giờ làm - trong mọi trường hợp, tỷ lệ nữ giới xem những rào cản này ảnh hưởng đến họ cao hơn hẳn so với nam giới. Điều này gợi ý rằng người lao động hình dung rằng họ cần phải sẵn sàng đi công tác thường xuyên, làm việc nhiều giờ, và thường xuyên giao thiệp xã hội để thăng tiến trong ngành ngân hàng ở Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy đã có sự công nhận tích cực về giá trị của bình đẳng giới trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là sự đa dạng về giới ở những vị trí cấp cao có thể giúp các ngân hàng thu hút và giữ chân nhân tài như thế nào, góp phần nhân rộng nhanh chóng số lượng nữ quản lý tài năng, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã không biết cách hoặc chưa nỗ lực để xây dựng một lực lượng lao động và đội ngũ lãnh đạo cân bằng giới hơn. Nữ giới cho biết ít được tiếp cận đến tất cả các hình thức đào tạo và cơ hội phát triển nghề nghiệp, với bằng chứng rõ ràng là họ phải đối mặt với định kiến vô thức về trách nhiệm sinh con và chăm sóc con cái.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong khi 80% số người lao động cảm thấy an toàn tại nơi làm việc, gần 1/5 đã chứng kiến hành vi bắt nạt và 1/10 đã từng bị bắt nạt, với câu trả lời tương tự giữa nam và nữ. Dựa trên khảo sát gần 40.000 nhân viên của các ngân hàng cũng như phỏng vấn trực tiếp các nhà quản lý ngân hàng cấp cao và cấp trung, nghiên cứu cũng cho thấy nữ giới mong muốn được hỗ trợ tốt hơn để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Thiếu đa dạng về giới trong các ban lãnh đạo ngành ngân hàng là một vấn đề dai dẳng trên toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đang làm tốt hơn một số quốc gia khác về tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý tại ngân hàng, báo cáo này cho thấy rõ ràng cần phải làm nhiều hơn nữa để biến các cam kết thành những hành động thiết thực nhằm tạo điều kiện cho nữ giới hướng đến các vị trí lãnh đạo. Chúng tôi tin rằng một ban lãnh đạo cân bằng về giới sẽ mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn cùng nhiều lợi ích khác cho nhân viên, nhà đầu tư và hoạt động của ngân hàng,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào cho biết.
Nhịp sống Thị trường