'Nữ hoàng muối' Senegal: Cứu cả một thế hệ đất nước nhờ thứ gia vị màu trắng
Dù sản xuất ra cả 500.000 tấn muối/năm nhưng Senegal vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu i-ốt.
- 24-02-2021Nữ hoàng Anh công bố hoạt động được coi là để "dạy dỗ" nhà Meghan Markle, đủ khiến cặp đôi phải muối mặt
- 16-05-2020"Vũ khí bí mật" của Nữ hoàng Anh để thay thế nhà Sussex ở hoàng gia, đủ khiến cho Meghan Markle phải cảm thấy muối mặt
- 29-04-2020Bị cháu dâu tố hoàng gia thiên vị, Nữ hoàng Anh đã có phản ứng đủ khiến Meghan Markle phải "muối mặt"
Marie Diouf, 35 tuổi, đang nói chuyện qua chiếc điện thoại bằng tiếng Wolof, ngôn ngữ gốc Phi của người Senegal.
Mặc một chiếc áo boubou (áo choàng dài, rộng truyền thống của người Senegal) màu đỏ, dáng vẻ của Diouf nổi bật giữa khung cảnh tĩnh lặng được bao phủ bởi màu trắng của muối. Mặt trời dần khuất sau đường chân trời, phủ một màu cam lên những cánh đồng muối ở Fatick, phía Tây Nam Senegal. Diouf đứng chống nạnh quan sát một nhóm thanh niên lực lưỡng đang đục đẽo một gò muối kết tinh cứng.
"Khi tôi nhìn thấy những người đàn ông sở hữu đất đai, tôi đã nghĩ 'tại sao lại không phải là mình?'", Diouf vừa nói vừa chỉ tay qua vùng đồng bằng rộng lớn, được điểm xuyết bởi những cây bao báp cổ thụ. Ở đằng xa, ẩn mình trong những cánh đồng ngô khô, là ngôi làng Ndiemou của cô. Cái tên Ndiemou có nghĩa là "Muối" trong ngôn ngữ Serer địa phương.
Khi Senegal tiến hành tư nhân hóa đất đai trong khu vực vào năm 2000, Diouf trở thành người phụ nữ đầu tiên bỏ tiền mua đất đầu tư. Đó là một bước đi táo bạo ở quốc gia Tây Phi này, nơi phụ nữ bị hạn chế tiếp cận tài sản mặc dù họ là thành phần lao động chính trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vào mùa thu hoạch cao điểm, từ tháng 2 đến tháng 4, hàng trăm phụ nữ đang làm việc cật lực trong các bãi muối giữa thời tiết nóng bức, nhiệt độ hơn 40 độ C. Họ hì hục xúc thứ khoáng chất kết tinh vào giỏ sau đó đội trên đầu mang đi. Nhưng họ vẫn không phải là những người được hưởng lợi về mặt tài chính từ việc sản xuất muối.
Đó là một sự bất bình đẳng mà Diouf cảm thấy không phục!
"Khi tôi mới bắt đầu, đàn ông nói với tôi rằng tôi sẽ không tồn tại lâu được, nhưng tôi sẽ nói với họ rằng mọi công việc đàn ông có thể làm thì phụ nữ cũng có thể làm được", Diouf kể.
Diouf đi dọc theo bờ ruộng muối của cô ở Fatick.
Giờ đây, cô là bà chủ lao động, thuê hàng chục phụ nữ và nam giới - bao gồm cả chồng cô - sản xuất khoảng 4 đến 5 tấn muối mỗi ngày vào mùa cao điểm bằng cách lấy nước từ một con sông gần đó, rồi nước bốc hơi để lại muối trắng.
"Ở nhà, chồng tôi là trụ cột, nhưng ở đây, trong các cánh đồng muối, tôi mới là người quản lý", Diouf nói, phá lên cười.
Sự thật ngang trái
Cùng năm Diouf cho thuê mảnh đất của mình, một sắc lệnh của tổng thống Senegal yêu cầu tất cả muối thu hoạch ở quốc gia này đều phải được bổ sung i-ốt. Đó là một chiến lược y tế công cộng được nhiều người coi là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng thiếu i-ốt, có thể gây ra bệnh bướu cổ, chậm phát triển và suy giảm trí tuệ.
Đó đều là những vấn đề sức khỏe đã hoành hành từ rất lâu ở một số vùng của Senegal. Và phương pháp này cũng được xem là rẻ nhất. Mỗi tấn muối cần khoảng 170gram kali iodate, chỉ tốn 4,25 USD.
Những thanh niên trẻ đang xẻ núi muối cứng trên vùng đất của Diouf ở Fatick.
Ở hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới, từ hàng thế kỷ trước muối ăn đã được bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng i-ốt. Đó là lý do tại sao khái niệm "thiếu i-ốt" hầu như không được nhắc đến ở những nơi như Mỹ.
Nhưng không phải ở đây, quốc gia Tây Phi này.
Dù là quốc gia sản xuất muối lớn nhất Tây Phi (Senegal khai thác gần 500.000 tấn muối hàng năm), nhưng tình trạng thiếu i-ốt vẫn là một vấn đề nhức nhối ở khắp cả nước.
Các chuyên gia nói rằng đó là do khâu kiểm soát chất lượng. Hầu hết người dân Senegal lấy muối từ những người thu hoạch thủ công quy mô nhỏ, như Diouf chẳng hạn. Sản lượng của họ chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, vì thiếu am tường về i-ốt, phần lớn họ thất bại trong việc làm ra muối i-ốt hiệu quả.
Những túi muối i-ốt chuẩn bị được phân phối.
Những vấn đề về chất lượng khiến Mạng lưới I-ốt Toàn cầu (Iodine Global Network), Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (Global Alliance for Improved Nutrition) và các tổ chức khác đã thúc đẩy Senegal chuyển hướng từ việc hỗ trợ các nhà sản xuất quy mô nhỏ sang triển khai công nghiệp hóa ngành sản xuất muối i-ốt.
Theo một cuộc khảo sát năm 2015, chỉ có 37% hộ gia đình Senegal được tiếp cận với đầy đủ muối i-ốt và tình trạng tồi tệ hơn ở các vùng nông thôn.
I-ốt đóng vai trò quan trọng trong cải thiện sự phát triển của não bộ trẻ nhỏ, nhất là trong thời kỳ thai nhi. Vào năm 2015, 30% phụ nữ mang thai ở Senegal bị thiếu i-ốt, theo cuộc khảo sát tương tự.
Nếu không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết, các thai phụ có nguy cơ bị sảy thai hoặc sinh ra những đứa trẻ bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Ngay cả sự thiếu hụt nhẹ i-ốt cũng có thể làm giảm chỉ số IQ của trẻ từ 10 đến 15 điểm.
Ngoài muối i-ốt, còn có các nguồn cung cấp i-ốt khác, bao gồm hải sản, sản phẩm từ sữa và ngũ cốc (tùy thuộc vào loại đất nơi nó được trồng). Nhưng ở các vùng nông thôn của Senegal, những thực phẩm đó không phải lúc nào cũng có trong chế độ ăn bình thường. Đặc biệt là những người đang phải chống chọi với nghèo đói và an ninh lương thực.
Nữ hoàng muối Senegal
Đứng trước thực trạng quá đỗi ngang trái, Diouf, được hỗ trợ bởi tổ chức phi chính phủ Nutrition International có trụ sở tại Canada, đã khoác lên mình danh xưng nữ doanh nhân và nhà truyền giáo địa phương. Cô đi từng nhà để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của i-ốt.
Kết quả là, ngôi làng Ndiemou, nơi cô được mệnh danh là "nữ hoàng muối", đã hoàn toàn thay đổi, bất chấp thực tế từ dữ liệu toàn quốc cho thấy cứ nơi nào sản xuất muối, nơi đó ít có khả năng tiếp cận muối i-ốt đầy đủ.
Những người làm việc cho Diouf sử dụng máy trộn do tổ chức phi chính phủ Nutrition International tài trợ để trộn i-ốt vào muối trước khi đóng gói.
Theo nghiên cứu năm 2015 của chính phủ Senegal, chỉ 11% dân số sống ở các vùng thu hoạch muối được sử dụng muối i-ốt. Con số này ở khu vực thành thị là 53%.
Adama Nguirane, thành viên triển khai dự án phổ biến muối i-ốt của chính phủ, cho biết sự chênh lệch này là do một số yếu tố, nhưng chủ yếu là do thiếu phương tiện tuyên truyền. Thật khó để thuyết phục mọi người mua muối i-ốt về dùng khi nhà họ đầy muối có sẵn.
Nguirane nói, đó là lý do tại sao việc thu hút những phụ nữ như Diouf tham gia vào chuỗi cung ứng muối i-ốt là rất quan trọng. Bởi vì họ chính là những người nấu bữa ăn cho gia đình và chăm sóc con cái.
Rất nhanh sau đó, làng của Diouf được "cập nhật" hiểu biết về i-ốt. Phụ nữ được "khai thông" về tầm quan trọng chất thiết yếu này, vui vẻ mua muối i-ốt về nấu những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho chồng con. Cũng từ đó, Diouf được mệnh danh là "nữ hoàng muối".
Diouf bên ngoài ngôi nhà của cô ở làng Ndiemou.
“Tôi tin vào sự phát triển của đất nước mình và điều cần thiết là chúng ta phải khắc phục vấn đề này vì con cái và tương lai của chúng ta”, Nguirane nói. "Diouf là hình mẫu, và chúng tôi dựa vào cô ấy để chỉ đường cho chúng tôi".
Ndeye Faye (bên trái), kiểm tra hàm lượng i-ốt trong muối trước khi cho vào túi bọc. Marie Diouf thuê phụ nữ làm việc trong doanh nghiệp nhỏ sản xuất và đóng gói muối i-ốt của mình.
Pape Coumb Ndoffene Faye, hiệu trưởng trường tiểu học của làng Ndiemou, cho biết ông nhận thấy sự khác biệt lớn trong thành tích của học sinh nhờ công của Diouf.
Ông Faye nói: “Kể từ khi dự án bắt đầu, tôi biết bọn trẻ đã được cho ăn muối i-ốt ở nhà và ở căng tin, và quả thực trí thông minh của chúng được cải thiện”.
Pape Coumb Ndoffene Faye, hiệu trưởng trường tiểu học của Ndiemou và các học sinh của ông trong giờ học tiếng Pháp.
Dần dần, không chỉ người dân làng Ndiemou mà người dân khắp Senegal bắt đầu mua muối i-ốt về dùng. Các nhà sản xuất muối nhỏ lẽ cũng tích cực học hỏi công nghệ làm muối i-ốt.
Diouf đặt nhiều hy vọng vào cô con gái 13 tuổi Fatou, đã tốt nghiệp trường tiểu học Ndiemou. Giờ đây, con bé đi bộ khoảng 4 cây số đến trường cấp 2 mỗi sáng. Diouf muốn một ngày nào đó con gái bé nhỏ của cô sẽ trở thành một CEO quyền lực, một nhà ngoại giao hay thậm chí là nữ tổng thống đầu tiên.
Khát vọng của cô có thể quá xa vời, nhưng người ta lại cảm thấy có hy vọng. Tổng thống Senegal Macky Sall sinh ra ở thành phố Fatick, chỉ cách làng Ndiemou chưa đầy 10 cây số, nơi ông giữ chức Thị trưởng từ năm 2009 đến năm 2012. Người dân địa phương ở đây rất tự hào về thành công của ông.
Phụ nữ Việt Nam