MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nữ nhi quốc' trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và 'bố'

21-03-2023 - 14:06 PM | Sống

Ngày nay, người Mosuo được mệnh danh là "đóa hồng cuối cùng của văn hóa mẫu hệ phương Đông".

Ở hồ Lugu (Vân Nam, Trung Quốc), một thanh niên mặc áo sơ mi trắng, quần đen và thắt lưng đỏ bất ngờ trèo lên thành ngôi nhà gỗ và nhảy vào phòng qua cửa sổ.

"Đây là cách đàn ông Mosuo trèo vào 'hoa phòng' của phụ nữ", Khả Mộc giải thích với khách du lịch. Anh chàng tự mãn thò đầu ra khỏi cửa sổ, vẫy mũ. “Hoa phòng” chính là phòng ngủ riêng tư của phụ nữ Mosuo.

"Nữ nhi quốc"

Làng Lạc Thủy nằm bên bờ hồ Lugu. Vào buổi sáng, trong con ngõ hẹp, một khách sạn đang xây dựng gần đó phủ đầy bụi. Một nhóm nhân viên trẻ, trong đó có Khả Mộc, 18 tuổi, đang chuẩn bị cho buổi lễ biểu diễn văn hóa của Bảo tàng Dân tộc Mosuo.

Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 1.
Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 2.
Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 3.
Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 4.

Nhiệm vụ của họ là thể hiện và truyền bá văn hóa truyền thống của người Mosuo - dân tộc thiểu số với xã hội mẫu hệ cuối cùng của Trung Quốc.

Sự hấp dẫn của truyền thống này đã biến vùng đất xa xôi trở thành một điểm thu hút khách du lịch, cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và trải nghiệm văn hóa độc đáo. Hàng nghìn du khách, phần lớn là du khách trong nước, đến với hồ Lugu, nằm ở cao nguyên miền núi giáp ranh hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên.

Để chào đón du khách, các khách sạn gia đình đã mọc lên bên cạnh làn nước trong xanh của hồ Lugu. Du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh cư dân địa phương mặc trang phục sặc sỡ biểu diễn các điệu múa truyền thống, tham quan bằng thuyền trên hồ và xem các chàng trai trẻ Mosuo hát những bản tình ca bằng tiếng bản địa.

Xung quanh ngôi làng có rất nhiều tấm biển ghi “Chào mừng đến với Nữ nhi quốc”.

Dân tộc theo chế độ mẫu hệ cuối cùng của Trung Quốc

Người Mosuo (Ma Thoa) sống bên bờ hồ Lugu ở Vân Nam, nơi đây được gọi là "Nữ nhi quốc" vì vẫn giữ chế độ xã hội mẫu hệ và mọi thứ đều do phụ nữ thống trị.

Dân tộc Mosuo có một phong tục kết hôn độc đáo - tẩu hôn. Tẩu hôn là hình thức “nam không lấy vợ, nữ không gả chồng”, nam nữ kết đôi được thực hiện thông qua các cuộc “viếng thăm” từ tối mịt đến mờ sáng rồi rời đi.

Theo đó, đôi bên không có ràng buộc hôn nhân, con cái theo họ mẹ, con gái được ưa chuộng hơn con trai, người cha không có quyền nuôi con và cũng không có khái niệm “bố” hay “ông nội”.

Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 5.
Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 6.

Dân số người Mosuo khoảng 50.000 người và có ngôn ngữ bản địa riêng, nhưng không có chữ viết. Mosuo là một nhánh của dân tộc Naxi (Nạp Tây). Phụ nữ Mosuo là trụ cột gia đình, không chỉ ở nhà chăm sóc con cái mà còn phải ra ngoài làm việc, cày ruộng, kéo sợi để kiếm tiền nuôi gia đình.

Người Mosuo bên bờ hồ Lugu sống rất cởi mở, điều này có một phần ảnh hưởng bởi tục tẩu hôn. Tẩu hôn là một phần quan trọng của xã hội mẫu hệ. Thanh niên nam nữ ban ngày chủ yếu sinh hoạt tập thể, bày tỏ tấm lòng với người yêu qua múa hát, khi đã có cơ sở tình cảm thì mới tiến tới tẩu hôn.

Người đàn ông chỉ có thể lẻn vào phòng của phụ nữ sau khi màn đêm buông xuống và rời đi trước bình minh. Kiểu hôn nhân dạo này chỉ phụ thuộc vào cảm tính, không liên quan gì đến mọi điều kiện khác như kinh tế hay môn đăng hộ đối...

Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 7.
Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 8.
Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 9.

Người Mosuo tự hào về việc sinh con gái. Những đứa trẻ được sinh ra bởi hai người đã tẩu hôn đều do bên đàng gái nuôi dưỡng, người đàn ông không cần chịu trách nhiệm, đồng thời đứa trẻ sau này lớn lên cũng biết bố mình là ai. Sau khi một cuộc tẩu hôn tan vỡ, đôi bên vẫn  tự do tiếp tục tẩu hôn với người khác.

Được biết, trong gia đình người Mosuo không có bố nhưng vẫn có cậu. Người cậu này phải tham gia mọi hoạt động của gia đình, nuôi dạy con cái của chị hoặc em gái, cùng nhau duy trì trật tự xã hội mẫu hệ.

Phương diện kinh tế của người cậu này vẫn do gia đình mẫu hệ của họ chi phối. Về già, người cậu sẽ được chăm sóc bởi các cháu của mình. Tối đi tìm nhà để “tẩu hôn”, sáng về làm việc cho gia đình.

Nữ nhi quốc trong đời thực: Người phụ nữ có quyền chi phối mọi thứ, không có khái niệm hôn nhân và bố - Ảnh 10.

Người Mosuo tin rằng người mẹ phải được kính trọng và mẹ chi phối mọi thứ. Người mẹ là trụ cột và chỗ dựa cho cuộc sống của người Mosuo. Tất cả các thành viên trong gia đình đều là con cháu của mẹ hoặc bà. Phụ nữ trong gia đình cả đời sống với mẹ. Trong lòng họ chỉ có quê mẹ mới là quê hương đích thực và vĩnh cửu, quê mẹ luôn rộng mở chào đón.

Bước vào kỷ nguyên văn minh thế kỷ 21, người Mosuo bên bờ hồ Lugu vẫn giữ nguyên chế độ mẫu hệ cổ xưa, gia đình hòa thuận, xã hội hòa bình. Đối với người Mosuo, tẩu hôn khiến họ yêu và lãng mạn cả đời, viết nên những đoạn cảm xúc thuần khiết nhất. Ngày nay, người Mosuo được mệnh danh là "đóa hồng cuối cùng của văn hóa mẫu hệ phương Đông".

Nguồn: Sina, Nytimes

Theo Trung Hạ

Thể thao văn hóa

Trở lên trên