Nữ sinh 18 tuổi mắc ung thư phổi: "Một ngày đứng trước gương, chỉ vuốt tóc 15 phút nhưng mình trọc cả mái đầu"
"Khi biết tin bị ung thư thì cảm xúc ban đầu của mình bình thường lắm, mình nghĩ bác sĩ chỉ nói đùa đứa 16 tuổi thôi. Nhưng bỗng một ngày đứng trước gương, chỉ vuốt tóc 15 phút nhưng mình trọc cả mái đầu".
- 18-04-2020Ám ảnh những mảnh đời ung thư, bác sĩ “vạch trần” kiểu ăn uống rất nhiều người thích nhưng lại là nguyên nhân số 1 gây ung thư
- 16-04-2020Hóa ra 7 món ăn này chứa nhiều đường hơn bạn nghĩ, sử dụng mỗi ngày sẽ dễ mắc nguy cơ bị bệnh tim và ung thư hơn
- 16-04-2020Bất ngờ thứ tưởng gây ung thư lại là thần dược cho bệnh chết người hàng đầu
Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa 14 ngày cách ly cũng là quãng thời gian nữ sinh Trần Thị Diễm Quỳnh phải xa mẹ. Cô gái 18 tuổi đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác được 2 năm. Khi đó Quỳnh vẫn mắc kẹt trong bệnh viện Bạch Mai vì đang điều trị ho ra máu, toàn thân đau nhức, thậm chí chân đứng không vững quá 5 phút.
Mỗi lần truyền hóa chất như rút kiệt sức lực của cô gái tuổi 18, khiến cô bạn lả đi và cảm tưởng như một loại axit đang cố gắng ăn mòn ruột. Nằm cách ly ở nhà lưu trú khác tòa nhà đang điều trị, mẹ cô bạn nhiều đêm lo bạc cả đầu vì "con đau một thì mẹ đau mười, chỉ cần con kêu nhói một chút là mình đau xót ruột. Ước gì đây chỉ là mơ thôi, không phải sự thật".
Không ai có thể tưởng tượng đằng sau cô gái 18 tuổi nhỏ bé ấy là cả một bầu trời nghị lực phi thường đến nhường nào đâu. Diễm Quỳnh phát hiện ung thư khi mới 16 tuổi, khi cô bạn bỗng nhiên đứng trước gương vuốt 15 phút thì bỗng trọc cả mái đầu. Từ một cô gái có tất cả mọi thứ, đang tuổi ăn tuổi lớn thì bỗng chốc sau một lần xét nghiệm, Quỳnh tay trắng nhìn đời.
Với tất cả nghị lực đó, bệnh viện Bạch Mai cùng các anh chị bên Đài truyền hình đã dành tặng cô gái nhỏ bữa sinh nhật đáng nhớ của tuổi 18.
Buổi sinh nhật đáng nhớ trong điểm nóng bệnh viện Bạch Mai
"Hôm đó là ngày vừa tròn sinh nhật tuổi 18 của mình. Mình hoàn toàn không biết nên làm gì vì thời gian đó cả bệnh viện đang cách ly, mẹ không vào chăm sóc được. Bác sĩ và anh chị bên Đài truyền hình đã bí mật làm sinh nhật, chuẩn bị clip và cho mẹ mình mặc đồ bảo hộ bất ngờ xuất hiện. Có lẽ cả đời này sẽ không quên được ngày hôm ấy", Diễm Quỳnh xúc động nhớ lại.
Bác sĩ bệnh viện và các anh chị trong Đài truyền hình đã tổ chức bữa tiệc sinh nhật đặc biệt cho Quỳnh. (Ảnh: VTV)
Sinh nhật lần thứ 18 đặc biệt hơn mọi năm khi cô bạn đón tuổi mới giữa lúc bệnh viện Bạch Mai đang trong thời gian cách ly phong tòa 14 ngày tránh dịch lây lan. Khi bước từ hành lang vào phòng, Diễm Quỳnh thấy tivi đang phát video lời hỏi thăm của gia đình, bạn bè và thầy cô nhắn nhủ chúc mừng sinh nhật tuổi 18 của cô gái nhỏ.
Các bác sĩ và anh chị trong Đài truyền hình lần lượt mang pháo bông, bánh kem và hát vang bài chúc mừng sinh nhật. Khi Quỳnh chưa hết bất ngờ, mẹ cô bạn xuất hiện trong bộ đồ bảo hộ tiến tới ôm con gái. Hai mẹ con ôm nhau khóc trong ngày đặc biệt, ngày cô bạn tròn 18 tuổi và cũng lâu lắm rồi từ ngày cách ly hai mẹ con mới được gặp nhau.
Diễm Quỳnh đã chống chọi căn bệnh ung thư phổi quái ác được 2 năm.
"Bỗng một ngày đứng trước gương, chỉ vuốt tóc 15 phút nhưng mình trọc cả mái đầu"
Diễm Quỳnh biết mình mắc ung thư năm 16 tuổi, khi mới bước chân vào cấp 3. Hồi đó hai từ "ung thư" trong cô gái lớp 10 là từ chỉ xuất hiện trên phim, là dấu chấm hết và có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong cuộc đời một người trẻ như Quỳnh.
Sau cơn đau nhói ở lồng ngực khiến Quỳnh đột nhiên khó thở, đau quằn quại, cô bạn được gia đình đưa ngay vào bệnh viện tỉnh và phát hiện một khối u bất thường ở thùy phổi. Khi được chuyển thẳng lên Bạch Mai, bác sĩ nói bệnh của cô bạn là sarcoma màng hoạt dịch, trên thế giới chỉ có 1, nên việc ra phác độ điều trị khá phức tạp.
"Khi biết tin bị bệnh thì cảm xúc ban đầu của mình bình thường lắm, mình nghĩ bác sĩ chỉ nói đùa đứa 16 tuổi thôi. Nhưng bỗng một ngày đứng trước gương, chỉ vuốt tóc 15 phút nhưng mình trọc cả mái đầu. Lúc đó mình sợ lắm, cảm giác cả thế giới tối sầm và có thể không được đi học nữa. Bố mẹ mình cũng sốc và sợ hãi nhưng không thể hiện ra trước mặt vì sợ con gái lại nghĩ lung tung".
Ung thư là một cú sốc lớn với bất kỳ ai, đặc biệt là cô gái đang tuổi ăn tuổi lớn như Quỳnh. Lông mi, lông mày cũng dần biến mất; móng tay tối sầm và người cũng yếu hẳn đi. Mái tóc dài bao nhiêu năm cũng bị cắt phăng để thành mái đầu tém. Đối với cô gái theo phong cách nữ tính bao năm nay thì việc cắt phăng đi mái tóc trở thành điều gì đó thật đáng sợ.
Đối với cô gái theo phong cách nữ tính bao năm nay thì việc cắt phăng đi mái tóc trở thành điều gì đó thật đáng sợ.
Thời gian đầu bố mẹ luôn giấu nói "bệnh con có thể chữa được mà" nhưng trong thâm tâm Quỳnh hiểu bệnh mình hơn bao giờ hết. Nhiều hôm cô bạn ngồi một mình tìm kiếm thông tin về bệnh và những bệnh nhân từng được điều trị. Điều ấm áp nhất là gia đình luôn ở bên động viên Quỳnh trong những đợt điều trị kéo dài 5-6 ngày. Đến nay cô bạn đã trải qua 6 đợt truyền hóa chất, mỗi đợt cách nhau 21 ngày và phác đồ điều trị đầu tiên kết thúc vào tháng 6 năm ngoái.
Khi Bệnh viện Bạch Mai tiến hành phong tỏa, cô bạn bị "mắc kẹt" phải ở lại vì vẫn ho ra máu, người đau nhức, thậm chí chân không đứng nổi 5 phút. Mẹ Quỳnh nhiều đêm lo lắng không ngủ nổi, chỉ mong gánh được phần nào nỗi đau của con thì đánh đổi điều gì mẹ cũng cam lòng.
"Người ta vẫn hay nghĩ, ung thư là án tử, là cái chết. Hồi mới biết bị bệnh, mình tiếc nuối nghĩ đã không dành nhiều thời gian đi chơi với bố mẹ, gia đình nhiều hơn. 2-3 tuần sau mình ổn định lại tâm lý và tìm thêm nhiều video của những người cũng chung hoàn cảnh như mình. Mình luôn đinh ninh rằng bản thân còn trẻ, còn nhiều thứ phải thực hiện nên nhất định phải cố gắng điều trị. Cho đến bây giờ mình vẫn không thể tin được là bản thân đã luôn lạc quan đến vậy", nữ sinh tâm sự.
Điều ấm áp nhất là gia đình luôn ở bên động viên Quỳnh trong những đợt điều trị kéo dài 5-6 ngày.
"Mình muốn trở thành sinh viên, nhưng từ đó đến lúc thi phải khỏe mạnh đã"
Suốt 2 năm chống trọi với căn bệnh ung thư, người truyền động lực cho Quỳnh nhiều nhất chính là bố mẹ. "Mỗi lần mình nản chí đều phải tự nhủ rằng nếu yếu đuối và bỏ cuộc thì liệu bố mẹ lấy đâu động lực, mất mình bố mẹ có chịu được không? Mình luôn tự đặt ra câu hỏi như vậy, mình còn trẻ quá, chưa kịp làm gì cho bố mẹ mà đã vội buông chí từ bỏ rồi. Chỉ cần thấy bố mẹ thì trong mình luôn tràn ngập tinh thần vững vàng chiến đấu với bệnh tật".
Trong suốt 2 năm, Quỳnh từ một cô gái vô lo vô nghĩ trở thành người luôn cố gắng rèn luyện cho mình thật nhiều thói quen sức khỏe tốt. Cô bạn luôn cố gắng ngủ sớm dậy sớm, ăn uống đúng giờ, chăm luyện tập thể thao để có thêm sức truyền hóa chất. Mỗi lần đi truyền là một lần cô bạn ốm hẳn người, nhưng Quỳnh luôn cố gắng luyện tập tốt để lần sau đi truyền lại sẽ bớt vất vả hơn những lần truyền trước.
Điều thay đổi rõ ràng nhất chính là ngoại hình khi cô bạn tự thừa nhận bản thân trở nên "tàn tạ và thiếu sức sống" vì truyền hóa chất vào người liên tục. Cắt phăng mái tóc dài, Quỳnh cũng thay đổi luôn phong cách trở nên cá tính và năng động hơn. Hơn ai hết, người ta thấy ở cô bạn một sức sống mới và nghị lực vượt qua bệnh tật. Quỳnh còn trẻ quá, "tóc rụng có thể mọc lại nhưng chết rồi không sống lại được nữa".
Trong suốt 2 năm, Quỳnh từ một cô gái vô lo vô nghĩ trở thành người luôn cố gắng rèn luyện cho mình thật nhiều thói quen sức khỏe tốt.
Không vì lý do bệnh mà Quỳnh không đến trường. Cô bạn chỉ nghỉ học khi nào đến lịch phải đi truyền hóa chất. Thầy cô cũng tâm lý giao bài tập ít đi và bạn bè cũng luôn bên cạnh động viên và sẵn sàng giúp cô bạn hoàn thành bài vở trên lớp. Năm nay Quỳnh là học sinh cuối cấp và mục tiêu của cô bạn là thi đỗ Đại học Ngoại ngữ.
"Mình muốn thi vào Đại học Ngoại ngữ nhưng từ giờ đến lúc thi sức khỏe ổn định thì mới dám tính tiếp. Chỉ mong qua được đợt dịch bệnh phức tạp này, rồi lại tập trung chữa bệnh thì mới yên tâm đi học được", cô bạn tâm sự.
Cô bạn cũng muốn gửi lời nhắn nhủ đến các bệnh nhân ung thư giống như mình: "Mình xin gửi sự đồng cảm sâu sắc đến các bệnh nhân ung thư nói riêng và các bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y, những người đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật. Mình cảm nhận được nỗi đau mà mọi người đang trải qua. Mình mong các bạn hãy cố gắng vượt qua bệnh tật và luôn lạc quan, yêu đời. Rồi tất cả điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta".
Mục tiêu của Quỳnh là cố gắng chữa bệnh thật tốt và thi đỗ vào trường ĐH Ngoại ngữ.
Thế giới này không phải là công xưởng sản xuất điều ước nhưng lại sinh ra những con người dám ước mơ và biến nó thành sự thật. Đằng sau vẻ ngoài nhỏ nhắn của Diễm Quỳnh là nghị lực phi thường và một gia đình ấm áp luôn đồng hành bên cô gái nhỏ. Quỳnh còn trẻ, còn nhiều ước mơ và vẫn luôn từng ngày chống chọi với bệnh tật. Như điều cô gái này vẫn luôn tâm niệm: "Điều mình mong nhất là được khỏi bệnh để không còn đau đớn, bố mẹ không còn lo lắng và được thoải mái làm những điều mình thích".
Trí thức trẻ