MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ sinh bằng giỏi không kiếm được việc làm, đi nhặt rác 12 năm: Nguyên nhân từ cách giáo dục sai lầm của cha mẹ

10-08-2023 - 23:00 PM | Sống

Nữ sinh bằng giỏi không kiếm được việc làm, đi nhặt rác 12 năm: Nguyên nhân từ cách giáo dục sai lầm của cha mẹ

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ của nữ sinh này ra sức đầu tư cho con học tập nhằm đổi đời. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 22/7/2019, Công an quận Hồng Sơn, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc phát hiện một người phụ nữ trong bộ quần áo rách rưới, tay xách bọc nilon chứa đầy giấy vụn, chai nhựa… đang ngồi dưới tòa nhà sắp bị phá dỡ. 

Sau khi hỏi han để giúp đỡ cô tìm được gia đình, các cảnh sát viên phải bất ngờ về quá khứ của người phụ nữ này.

Người duy nhất trong làng được vào đại học

Theo đó, cô là Tiểu Quyên, sinh ra tại một ngôi làng ở Thập Yển, Hồ Bắc, Trung Quốc. Cha mẹ cô đều làm nông nên không mấy dư dả về tài chính. Ngay từ nhỏ, cô đã là một em bé ngoan và có thành tích học tập thuộc top đầu của lớp. Chính vì lý do này nên cha mẹ làm đủ nghề để có tiền cho con ăn học. 

"Tôi không muốn con gái mình là một người tầm thường. Dù nghèo đến đâu tôi vẫn cố gắng hết sức để đáp ứng mọi nhu cầu học tập của con", cha mẹ cô trải lòng. 

Đúng như kỳ vọng của cha mẹ, năm 2003, cô tham gia kỳ thi Cao khảo (ĐH) và đỗ vào trường ĐH Nông nghiệp Hoa Trung ở Vũ Hán. Với thành tích này, Tiểu Quyên là người duy nhất trong làng đỗ ĐH lúc bấy giờ. 

Sau khi vào ĐH, để không khiến chi phí đi học trở thành áp lực đối với cha mẹ, Tiểu Quyên cũng đi làm một số công việc bán thời gian sau giờ học như phát tờ rơi, gia sư, bưng bê bát đĩa. 

Trong mắt cha mẹ, Tiểu Quyên luôn là một đứa trẻ ngoan. Mẹ cô cũng luôn tự tin rằng mình là người hiểu con. Song thực tế, cô lại là một người tự ti và mặc cảm về hoàn cảnh của gia đình.  

Nhìn thấy mọi người trong lớp mặc quần áo đẹp, Tiểu Quyên cảm thấy mình không thể bằng các bạn. Theo thời gian, cô dần cảm thấy mình kém cỏi, ít nói hơn và ngại giao tiếp với mọi người. Thậm chí cô không dám nhìn thẳng vào các bạn cùng lớp khi nói chuyện. 

Con gái vẫn có thành tích học tập nên cha mẹ của Tiểu Quyên dường như không mấy quan tâm đến vấn đề tâm lý này Chính vì thế, cha mẹ cô luôn gây áp lực lên con gái. Gia đình hy vọng với thành tích học tập tốt cô sẽ có công việc ổn định, thu nhập cao và sớm đổi đời. Song, điều này đã gây ra tác dụng ngược. Tiểu Quyên chịu áp lực tâm lý nghiêm trọng. 

Cầm bằng giỏi trong tay nhưng đi nhặt rác kiếm sống  

Tháng 6 năm 2007, Tiểu Quyên tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi. Giống như bao sinh viên khác, cô tràn đầy niềm tin rằng bản thân sẽ tìm được một công việc ổn định ở Vũ Hàn. 

Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản. Sau nhiều lần phỏng vấn, cô không nhận được bất kỳ thư mời làm việc từ công ty nào. Để bố mẹ yên tâm, mỗi lần gọi điện về Tiểu Quyên đều nói dối rằng mọi chuyện vẫn ổn.

Không có công việc, lại sống ở thành thành phố, Tiểu Quyên dần rơi vào bế tắc bởi không có tiền để trả chi phí sinh hoạt.

Lúc này, cô quyết định đến một thị trấn nhỏ ở Vũ Hán và bắt đầu cuộc sống lang thang nhặt rác để kiếm sống. Vì quá xấu hổ, cô quyết định cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình.

photo-1691677927986

Sai trong cách giáo dục 

Cuộc bỏ nhà đi của Tiểu Quyên kéo dài 12 năm. Trong suốt thời gian đó, bố mẹ cô đã tốn rất nhiều tiền để tìm con gái bị mất liên lạc. Họ thậm đã phải bán đi căn nhà duy nhất nhằm có kinh phí. 

Trong khi Tiểu Quyên lang thang không nhà, không cửa thì bố mẹ cô cũng coi ghế công viên là giường ngủ, sử dụng nhà vệ sinh công cộng, ăn bánh bao cho quà ngày nhằm tiết kiệm chi phí. 

Trong suốt thời gian tìm kiếm, nhiều lúc cha mẹ của Tiểu Quyên nghĩ rằng con gái mình đã qua đời. Mãi đến năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, cả gia đình mới được đoàn tụ. 

photo-1691677931314

Lúc này, cha mẹ cô mới thừa nhận vì sai trong cách giáo dục nên vô tình khiến con rơi vào tình cảnh này. Thực tế, gia đình biết Tiểu Quyên là người hướng nội, không thích nói chuyện. Song muốn nhanh chóng thoát nghèo nên họ đã vô tình gây áp lực quá lớn cho con gái.  

Trường hợp của Tiểu Quyên khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ trong cách giáo dục con cái. Mặc dù áp lực chủ yếu dựa trên ý định tốt, nhưng đôi khi phụ huynh có thể vượt quá mức mà con cái có thể chấp nhận được. 

Sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái giống như một con dao hai lưỡi. Nếu có chừng mực, đó sẽ là nguồn động lực để con cố gắng. Ngược lại, kỳ vọng quá mức sẽ khiến con trẻ sẽ không còn muốn nỗ lực nữa vì chúng tin rằng mình chẳng bao giờ làm được.

Đinh Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên