Nữ sinh giành học bổng gần 9 tỷ từ đại học Yale và bài luận lấy cảm hứng từ nhật kí chiến tranh của ông nội
Nguyễn Khánh Ly (học sinh lớp 12 Anh 1, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa trúng tuyển ĐH Yale với học bổng lên đến gần 9 tỷ đồng.
- 15-12-2023Tuổi trẻ tài cao: Nữ sinh được tuyển thẳng vào học tiến sĩ tại Harvard, 25 tuổi sở hữu công ty 300 triệu USD chỉ sau 6 tháng thành lập
- 10-12-2023Nữ sinh từng mang Hội nghị mô phỏng LHQ về Việt Nam năm 17 tuổi: Giờ là luật sư giỏi, vẫn "dám ước mơ" những điều không tưởng
- 09-12-2023Phát hiện nữ sinh trốn học, bác bảo vệ giữ lại để báo cáo với nhà trường, danh tính thật của em này sau đó khiến bác xin lỗi vội
Khánh Ly chia sẻ buổi sáng 15/12 vừa qua, là thời khắc không bao giờ quên đối với em. Bởi khi đang trong lớp học, Ly nhận được email chúc mừng trúng tuyển của ĐH Yale : "Lúc đó, với em không có từ ngữ nào có thể miêu tả được hết cảm xúc. Bởi vừa giống như sự vỡ òa của hạnh phúc, lại vừa như một bất ngờ ập đến mà không có sự chuẩn bị trước".
Khánh Ly có định hướng du học từ năm lớp 8. Nhưng ngày đó, mẹ mong em du học ở các nước trong khu vực châu Á cho gần, mẹ có thể sang thăm vì nhà chỉ có 2 chị em. Nhưng Ly luôn tìm cơ hội thuyết phục mẹ và kết quả là mẹ đã phải "đầu hàng" trước sự cứng đầu của cô con cả.
Khi nộp hồ sơ vào ĐH Yale, Ly nhận được sự ủng hộ, động viên của gia đình. Bản thân Ly nhận thấy ĐH Yale vốn rất khó có cơ hội vì đây là trường thuộc top đầu của Mỹ và thế giới. Chính vì vậy, khi nhận được thư chúc mừng trúng tuyển và còn được trao học bổng hỗ trợ trị giá 91.249 USD/năm (khoảng hơn 8,8 tỷ đồng cho bốn năm học).
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ xét tuyển vào ĐH Yale, Khánh Ly cho hay, ngoài 2 chứng chỉ là IELTS (8.0), SAT (1.550) còn có những tiêu chuẩn khác. Trong đó có bài luận thể hiện quan điểm cá nhân của mỗi ứng viên.
Theo Khánh Linh, ban đầu em mất 1 tháng loay hoay tìm các đề tài viết bài luận. Thật may mắn và như cơ duyên, Ly nhớ tới cuốn nhật kí chiến tranh của ông nội. Rất nhanh sau đó Ly đã phác thảo được hồn cốt của bài luận. Tuy nhiên, để bài luận được như ý muốn, mang dấu ấn phong cách cá nhân, Ly mất 4 tháng chỉnh sửa, hoàn thiện.
Bài luận của Khánh Ly có hơi hướng về lịch sử và ngoại giao. Là học sinh lớp tiếng Anh của Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng em rất thích môn Lịch sử .
Khánh Ly là chủ tịch của một câu lạc bộ lịch sử với thành viên là những người cùng có hứng thú, niềm đam mê với Lịch sử và đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội. Câu lạc bộ Khánh Ly tham gia muốn hướng đến giúp mọi người học Lịch sử một cách sinh động qua nhiều hình thức mà nổi bật là hoạt động kịch hóa các sự kiện Lịch sử.
Chia sẻ về sở thích này, Ly cho biết trước đây Lịch sử với em là môn học khô cứng. Nhưng năm lớp 10, ông nội mất, bà nội trao tặng lại cho em cuốn nhật kí của ông ghi lại những năm tháng ông trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt để giành độc lập cho dân tộc. Đọc cuốn nhật kí của ông nội, Ly nhận thấy Lịch sử có nhiều thú vị, hấp dẫn và khác rất nhiều so với môn Lịch sử mà em từng miễn cưỡng tiếp nhận trên lớp học.
Ly biết ơn ông nội đã truyền cho em cảm hứng để có được ngày hôm nay. Mặt khác, Ly có thiên hướng đối với các ngành Khoa học Xã hội. Trong 3 ngành đủ điều kiện tham gia học tập tại ĐH Yale, em cho biết sau khi học xong năm đầu tiên, em đã có định hướng rõ hơn về nghề nghiệp thì sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Thiên hướng chọn nhóm ngành Khoa học Xã hội của Ly được bắt nguồn từ chính người mẹ thân yêu của em vốn là một cô giáo dạy ngữ Văn tại một trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội. Ly cho biết tuy đã trúng tuyển vào ngôi trường còn vượt lên trên cả mơ ước nhưng thời gian tới, em tiếp tục học tập thật tốt để hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT 2024.
Cô Phan Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 1 đánh giá Khánh Ly có cách học và cách tiếp cận vấn đề rất riêng. Là một lớp trưởng năng động, nhiệt tình, rất sáng tạo trong các hoạt động của lớp. Ly cũng rất chủ động trong các công việc ở nhà vì bố mẹ rất bận.
Nói về cô học trò này, cô Thảo ví dụ với môn Lịch sử, Ly mở kênh riêng để chia sẻ các quan điểm và tiếp nhận ý kiến. Trong môn tiếng Anh của cô Phan Thảo, bài viết của Ly luôn thể hiện cá tính, không theo khuôn mẫu.
Cô Phan Thảo cho biết thêm, học sinh lớp Anh của trường thường lựa chọn du học (chiếm tới 50% sĩ số). Qua các năm giảng dạy, cô Phan Thảo cho biết để nhận được học bổng ở các trường ĐH lớn trên thế giới, học sinh có điểm chung là hoạt động ngoại khoá nhiều, điểm trung bình toàn khóa học cao.
"Nhưng quan trọng là sự đầu tư nghiên cứu thực sự về trường đại học mà học sinh muốn theo đuổi; phương châm và giá trị mà trường đó muốn đào tạo. Các hoạt động và bài luận của học sinh phải dựa trên các giá trị đó. Tính nhất quán là yếu tố quan trọng nhất. Nên học sinh có quyết tâm và khả năng nghiên cứu sẽ dễ có học bổng hơn", cô Phan Thảo nhấn mạnh.
Tiền phong