MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ sinh Ngoại thương trở thành SẾP từ năm 3 đại học: Tiết lộ điều chí mạng khiến bằng Giỏi có thể thất thế trước bằng Trung bình

24-01-2022 - 14:22 PM | Sống

Đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Kinh doanh từ khi còn là sinh viên năm ba đại học khiến Ngô Lan Hương phải nỗ lực 100% năng lượng để hoàn thành xuất sắc cả công việc lẫn chương trình học trên trường.

Ngô Lan Hương (SN 2000), quê gốc ở Thanh Hoá, hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán, trường Đại học Ngoại Thương, TP. Hà Nội. Trong khi nhiều người bạn còn đang lo công việc sau khi tốt nghiệp thì 10x đã giữ chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh tại một học viện Anh ngữ từ khi còn là sinh viên năm ba.

Để vươn tới thành công, Lan Hương đã luôn nỗ lực phấn đấu và có kế hoạch chi tiết cho cuộc đời mình. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện để biết thêm về nghị lực phi thường của cô bạn này nhé!

Nữ sinh Ngoại thương trở thành SẾP từ năm 3 đại học: Tiết lộ điều chí mạng khiến bằng Giỏi có thể thất thế trước bằng Trung bình - Ảnh 1.

Nữ sinh Ngô Lan Hương.

Trở thành "sếp" khi trẻ tuổi là điều không dễ dàng

- Lan Hương từng trải qua những công việc làm thêm nào? Chúng giúp ích cho bạn ra sao?

Ngay khi là sinh viên năm nhất "chân ướt chân ráo" lên thủ đô, mình đi làm thêm. Thời đó, mình được bố mẹ chu cấp tiền ăn học, tiền sinh hoạt nên không hề có chuyện gặp khó khăn tài chính. Lý do quyết định đi làm sớm bởi mình có kế hoạch từ trước rồi, muốn bản thân lăn xả ngoài xã hội để cứng cáp hơn. Việc tiếp thu kiến thức trên trường là chưa đủ, cần có nhiều trải nghiệm thực tế nữa.

Công việc đầu tiên là làm trợ giảng cho một trung tâm Tiếng Anh. Thời điểm đó, mình chưa có chứng chỉ IELST hay TOPIC nhưng có kiến thức Tiếng Anh vững vàng bởi từng tham gia thi Học sinh giỏi cấp tỉnh. Mình làm 4 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài 3 - 4 tiếng với mức lương 1 – 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mình chỉ gắn bó với công việc trong 3 tháng bởi công ty cách xa nhà, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc học tập.

Tiếp theo, mình bén duyên với công việc tư vấn giáo dục (lĩnh vực Tiếng Anh) và gắn bó khoảng 1 năm. Công việc giúp mình cải thiện kỹ năng giao tiếp rõ rệt và có thêm nhiều mối quan hệ. Còn hiện tại, mình là Trưởng phòng Kinh doanh tại một học viện Anh ngữ, mình làm ở đây được 2 năm rồi.

- Trở thành "sếp" khi chưa nhận tấm bằng cử nhân đại học, bạn đã chinh phục các lãnh đạo và nhân viên cấp dưới như thế nào?

Khi mới về học viện, mình là một chuyên viên tư vấn bình thường. Lúc ấy, cơ sở mới khai trương, mình cùng mọi người "xây" đội kinh doanh: Tuyển dụng nhân sự, Đào tạo chuyên môn cho nhân viên; Chịu trách nhiệm chỉ tiêu doanh số,... Mỗi giai đoạn đều có kế hoạch riêng, mình luôn hoàn thành KPI cấp trên đưa ra. Thậm chí, bản thân là người tham vọng, mình tự đặt KPI cao hơn để không ngừng nỗ lực.

Sau 1 năm phấn đấu, mình lên chức Trưởng phòng, đồng nghĩa với việc nhận trọng trách cao hơn, áp lực nhiều hơn. Công việc cụ thể mỗi ngày là: Nâng cao kỹ năng chuyên môn cho nhân sự; Giám sát công việc cấp dưới; Đề xuất chiến lược, định hướng mới.

Nữ sinh Ngoại thương trở thành SẾP từ năm 3 đại học: Tiết lộ điều chí mạng khiến bằng Giỏi có thể thất thế trước bằng Trung bình - Ảnh 2.

Trở thành "sếp" khi mới là sinh viên năm ba đại học đã đem đến cho Lan Hương những trải nghiệm thú vị!

Tuổi còn trẻ nhưng đã ở vị trí tương đối nên không khó hiểu khi mọi người hoài nghi năng lực của mình. Có một lần, nhân viên cấp dưới là một người anh hơn mình vài tuổi đã có thái độ không chuẩn mực. Anh ấy liên tục gây khó dễ, không chịu hợp tác, thậm chí là chưa tôn trọng mình. Đỉnh điểm là có những chuyện anh ấy cần báo cáo với mình trước nhưng đã tự ý báo lên cấp lãnh đạo. Hậu quả là bị khiển trách nặng nề bởi "làm việc vượt cấp".

Lúc đó, mình đã thẳng thắn nói chuyện, cùng tìm hướng đi tốt nhất cho đội nhóm của anh ấy. Sau một thời gian, doanh số tăng trưởng đều, anh ấy hiểu về phong cách làm việc và con người mình nên không còn hiềm khích nữa.

Sau chuyện đó, mình nhận ra để chinh phục mọi người thì phải chứng minh bằng năng lực và nhân cách. Luôn làm tốt công việc được giao phó và bình tĩnh giải quyết khi có vấn đề xảy ra. Trước mọi chuyện, cần nhìn nhận bản thân mình trước rồi mới đánh giá tác động khách quan. Còn đối với những người đang hiểu lầm hay khó chịu về mình, đừng để tâm nhiều, hãy giúp đỡ họ bằng tấm lòng chân thành rồi họ sẽ sớm nhận ra.

- Ở đỉnh vinh quang khi còn trẻ tuổi, bạn có khi nào rơi vào tình trạng "ngủ quên trên chiến thắng không?"

Đến thời điểm hiện tại, mình chưa bao giờ có thái độ kiêu ngạo, hống hách và coi thường bạn học hay nhân viên cấp dưới. Bản thân luôn nhận thức rằng mình giỏi thì sẽ có người giỏi hơn. Dù mình đã có vị trí nhất định rồi nhưng nếu lơ là, "ngủ quên trên chiến thắng" thì lập tức sẽ có người khác thay thế. Hiện thu nhập của mình tương đối ổn định, từ 15 – 20 triệu đồng/tháng, đủ để mình phụ giúp gia đình, gửi tiết kiệm và đầu tư học tập cho tương lai.

Nữ sinh Ngoại thương trở thành SẾP từ năm 3 đại học: Tiết lộ điều chí mạng khiến bằng Giỏi có thể thất thế trước bằng Trung bình - Ảnh 3.

Lan Hương cùng đội nhóm của mình tại nơi cô làm việc.

Bằng cấp là chưa đủ, kinh nghiệm là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng

- Khi mới nhập học, sinh viên thường chọn những việc làm thêm nhanh chóng kiếm ra tiền. Vì sao bạn lại có hướng đi khác và đặc biệt là luôn gắn bó với Tiếng Anh?

Nếu như chỉ suy nghĩ đi làm để có tiền mua những thứ yêu thích thì mình cũng sẽ chọn những công việc như: Bán quần áo, bán mỹ phẩm, phục vụ nhà hàng,… bởi có lương cố định theo giờ, thưởng doanh số cao, lại không phải lo lắng nhiều về trách nhiệm công việc.

Nhưng mình suy nghĩ rằng, những năm đầu đại học vẫn được bố mẹ chu cấp tài chính nên không đặt nặng chuyện kiếm tiền mà chú trọng trau dồi kiến thức và kỹ năng. Ở chỗ làm thêm, mình học hỏi được nhiều điều mới mẻ và quý giá như: Kỹ năng đàm phán; Bài toán kinh doanh; Kiến thức Marketing; Kỹ năng làm việc nhóm,…Thay vì chọn lương cao thì coi như bỏ ra số tiền ấy để học kiến thức và trải nghiệm, đây là kế "lấy ngắn nuôi dài".

Nữ sinh Ngoại thương trở thành SẾP từ năm 3 đại học: Tiết lộ điều chí mạng khiến bằng Giỏi có thể thất thế trước bằng Trung bình - Ảnh 4.

Kiến thức và kỹ năng là hai điều cô bạn Thanh Hoá luôn chú trọng trau dồi.

- Lịch làm việc dày đặc có khiến Lan Hương rơi vào stress không?

Có chứ, rất nhiều là đằng khác. Đặc biệt là năm vừa rồi, tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp khiến công việc và chuyện học tập của mình gặp nhiều khó khăn. Thời điểm hiện tại cũng là năm cuối đại học, mình cần nhiều thời gian dốc sức làm bài kiểm tra, nghiên cứu khoa học, bảo vệ luận án tốt nghiệp.

Mọi thứ đang "căng như dây đàn" nhưng mình vẫn cố gắng hoàn thành tốt. Để không bỏ sót việc, mình lập một thời gian biểu chi tiết theo ngày, tháng, tuần. Trước mỗi sáng ra khỏi nhà, mình list những công việc cần làm trên ứng dụng Padlet. Quản lý thời gian bằng cách đó rất hiệu quả, giúp mình nắm được các việc trong ngày và mức độ quan trọng.

Còn phía học viện Anh ngữ cũng hỗ trợ về mặt thời gian để mình có thể vừa học vừa làm. Hiện tại, nhân viên cấp dưới có thể tự triển khai kế hoạch, mình chỉ cần check kết quả cuối cùng thôi!

Mỗi khi gặp stress, mình sẽ tạm gác công việc lại, dành khoảng 1 – 2 tiếng để đi cà phê với bạn bè hay đơn giản nằm ngủ vùi một góc để vực lại tinh thần. Sau đó, mình bình tâm suy nghĩ, tìm mọi phương hướng tháo nút thắt, không để mọi chuyện ngày càng rối rắm. Có một câu châm ngôn mình vô cùng yêu thích: "Bạn không bao giờ là kẻ thua cuộc cho đến khi bạn bỏ cuộc", đọc và ngẫm thật thấm thía!

- Ngày nay, Gen Z thường phân vân giữa chọn lối sống hưởng thụ hay nỗ lực cống hiến; bạn chọn cho mình cách sống nào?

Mình thiên về cống hiến nhưng không có nghĩa là không dành thời gian cho bản thân. Cống hiến nhưng không quên "chiều chuộng" bản thân, chi tiêu đúng mực, có kế hoạch tiết kiệm cho tương lai. Từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần, mình cố gắng làm việc nghiêm túc.

Riêng ngày Chủ nhật, mình muốn có ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa nên thường không động đến công việc, tắt điện thoại và đi cà phê với bạn bè. Mọi sự cố gắng bây giờ giống như việc gieo mầm để sau năm 30 tuổi, mình có thể đạt được nhiều thành tựu lớn hơn.

Nữ sinh Ngoại thương trở thành SẾP từ năm 3 đại học: Tiết lộ điều chí mạng khiến bằng Giỏi có thể thất thế trước bằng Trung bình - Ảnh 5.

Dù bận rộn nhưng Lan Hương vẫn dành thời gian vui chơi bên bạn bè.

- Theo bạn, một sinh viên đi làm thêm các công việc khác nhau với một "tấm chiếu mới" vừa ra trường, nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn ai?

Mình nghĩ nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những người có kinh nghiệm. Bạn sinh viên có tấm bằng Giỏi nhưng chưa đi làm thêm bất kể công việc nào không được đánh giá cao bằng bạn sinh viên tấm bằng Khá nhưng có nhiều va vấp.

Việc có trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên mới đi làm bắt nhịp tiến độ nhanh hơn. Bản thân mình thấy kiến thức thầy cô truyền tải là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, nếu chỉ học trên trường thì chưa áp dụng được. Việc thực chiến vào công việc sẽ giúp hiểu rõ và sâu hơn.

- Hiện tại, điều gì là ưu tiên số một của Lan Hương?

Mình vẫn ưu tiên việc học lên hàng đầu và đang cấp tốc ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS sắp tới. Mục tiêu của mình là đạt 8.0 – 8.5. Sau khi ra trường, mình vẫn tiếp tục gắn bó và phát triển công việc hiện tại bởi thích làm việc trong môi trường ngôn ngữ năng động, sáng tạo.

https://afamily.vn/nu-sinh-ngoai-thuong-tro-thanh-sep-tu-nam-3-dai-hoc-tiet-lo-dieu-chi-mang-khien-bang-gioi-co-the-that-the-truoc-bang-trung-binh-20220121165218236.chn

Theo Ứng Hà Chi

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên