MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ sinh nhà nghèo, cấp 2 học trường làng đánh bay định kiến "phải học thêm mới thi đỗ Ams"

14-06-2023 - 20:13 PM | Sống

Ba chạy xe ôm, còn mẹ bán xôi đầu ngõ, My quyết định thi vào Ams trong sự dị nghị, nghi ngờ.

Nhắc tới trường chuyên, đặc biệt một trường cấp 3 uy tín và nổi tiếng hàng đầu Hà Nội như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), người ta nghĩ đến ngay "sức nóng" từ sự cạnh tranh bởi tỷ lệ chọi ngày càng "khốc liệt". Vì thế, trong suy nghĩ của nhiều người, để giành một suất vào nơi đây, chuyện "luyện lò" cày đề thâu đêm là điều vô cùng hiển nhiên. Một số ý kiến còn cho rằng, thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc là trượt!

Nhưng Phạm Hà My, một cựu học sinh Ams đã chứng minh điều ngược lại. Bố My chạy xe ôm còn mẹ bán xôi đầu ngõ, không có tiền học thêm, My vẫn quyết định thi vào Ams trong sự dị nghị, nghi ngờ. Cuối cùng, cô đỗ vào trường chuyên mơ ước.

Sau đó, My đỗ cả học bổng Chevening và Đại học Cambridge, gồm toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt và vé máy bay hai chiều. Hiện My là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Ung thư và Đột biến; Đại học Cambridge, Anh Quốc.

Nữ sinh nhà nghèo, cấp 2 học trường làng đánh bay định kiến phải học thêm mới thi đỗ Ams - Ảnh 1.

Phạm Hà My (Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Ung thư và Đột biến; Đại học Cambridge, Anh Quốc), một cựu Amser

Vào Ams không nhất thiết phải học thêm

Năm cấp 2, Hà My học tại trường THCS Thống Nhất. Trường làng, đúng tuyến. Thời điểm My chuẩn bị thi cấp 3, nhà My nghèo, cơm ăn còn phải lo từng bữa. Quyết tâm vào đăng kí Ams, My bị nhiều người nói ra nói vào. Hàng xóm thì bảo học Ams phải "tiền tấn".

Cô của My cũng góp ý, Ams thi vào khó lắm, toàn con nhà nòi thôi. Bố mẹ My cũng bị những lời nói đó tác động, sau đó hỏi con đúng một câu. "Con tìm hiểu kỹ chưa? Vẫn quyết tâm thi đúng không?". Sau khi nhận được cái gật đầu từ mình là họ cũng bỏ ngoài tai luôn những lời xì xào.

"Mẹ mua cho mình một cái bàn xếp 100 nghìn, thay vì để mình nằm lăn lê bò toài ra đất để học. Trong thời gian ôn thi thì mẹ hay hỏi mình thích ăn gì để ưu tiên. Bố mình chở mình đi thi trên chiếc xe cà tàng, ngồi chờ ngoài cổng để đón mình về. Hôm thi xong môn chuyên, mình làm bài không được ưng ý lắm nên mặt xị ra. Bố bảo 'Thôi không sao, con cố gắng hết sức rồi. Hôm nay mẹ nấu phở đấy'.

Thậm chí tới hôm nhận được kết quả đỗ Ams, mình còn định không cho bản thân học Ams vì nghĩ là học phí đắt lắm. Bố mẹ vẫn động viên mình theo học vì họ biết đó là nơi mình mơ ước. Lúc đi đăng kí nhập học mới té ngửa, tiền học có 30 nghìn đồng/tháng", My kể.

Với hành trang đơn giản ấy, cuối cùng My vẫn đậu vào Ams, nơi mơ ước của rất nhiều học sinh.

Theo My, cơ sở vật chất ở Ams được đầu tư. Thầy cô giáo có chuyên môn cao, tâm lí, nhiệt tình. Thời My học, môn chuyên học 6 tiết thay vì 2 tiết như các trường không chuyên. Lớp 12 thì giảm xuống còn 4 tiết để tăng cường các môn khác cho thi Đại học. My đánh giá, đây là sự phân bổ hợp lý, không quá "học lệch". Chưa kể đến rất nhiều câu lạc bộ phát triển cả kỹ năng và thể chất. Bạn bè giỏi giang, năng động, dễ thương, cũng "trốn tiết", cũng quay phao, cũng ăn vặt trong lớp.

"Trong lúc mình còn xoay xở với các thì ngữ pháp cơ bản, thì bọn bạn cùng lớp của mình đã ôm những quyển sách SAT dày cộp, làm Toán, viết Văn bằng tiếng Anh. Chúng nó nói chuyện với nhau về giấc mơ Mỹ, về mùa tuyết trắng ở châu Âu, về những cây hoa anh đào ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng mà mình có ghen tị, có tự ti, có thất vọng về bản thân không? Không. Mình thấy họ rất ngầu, thấy thế giới ngoài kia thật bao la và từ đó có thêm động lực để phấn đấu. Nếu không học ở Ams, chắc chắn, sẽ không có My ở Cambridge như hiện tại", My chia sẻ.

Ams tốt, nhưng sao trong mắt nhiều phụ huynh thành "xấu"?

Theo Hà My, cứ mỗi mùa thi đến, cô lại thấy trường mình được réo tên với ít nhiều sự tiêu cực. Nhưng tại sao hình ảnh của Ams trong mắt nhiều phụ huynh là xấu? Nhiều người nhắc tới môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng My cho rằng, áp lực từ trường lớp, thầy cô, bạn bè, bài vở thì ít, còn áp lực làm hài lòng bố mẹ thì nhiều. Bố mẹ thấy trường tốt, "muốn" con thi vào nhưng con cái lại chưa tự tin với khả năng của bản thân.

Ngay cả khi đỗ được vào trường chuyên lớp chọn, bố mẹ còn "muốn" nhiều hơn thế, cứ phải nhất nhì lớp mới chịu. Những đứa trẻ chưa kịp lớn, chưa có nhiều cơ hội để biết bản thân mình muốn gì, ngày ngày phải cố gắng hơn thua với những đứa trẻ khác.

"Nhiều bậc phụ huynh yêu con cái, nhưng theo cách khiến họ thoải mái nhất. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy thoả mãn khi con cái sai, còn mình đúng. Rồi như một cái vòng luẩn quẩn, đến khi con cái "muốn" làm một điều gì đó lớn lao hơn tầm với, thì ba mẹ khác lại cấm cản vì lo sợ con không chịu được áp lực.

Họ đâu biết rằng, họ hoàn toàn có khả năng biến 'áp lực' thành 'động lực' giúp con cái họ bay cao bay xa hơn. Đơn giản nhất là ủng hộ những đứa trẻ được một lần thử sức. Núi cao nào cũng sẽ có núi cao hơn", My chia sẻ.

Một điều bất ngờ là dù học Ams nhưng My vẫn trượt đại học yêu thích. Không đỗ Y, cô gắn bó với Đại học Khoa học và Công Nghệ Hà Nội (USTH). Còn ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, hiện tại là Đại học Cambridge danh giá, top 3 các trường Đại học tốt nhất thế giới.

Nhờ những trải nghiệm trên, My hiểu được, danh tiếng của nơi mình học không quyết định năng lực của mình. Điều quan trọng hơn cả là mình học được gì tại đó. Tuy nhiên, My cũng nhận thấy được rất nhiều đặc ân mà những ngôi trường "tốt" mang lại, và để có được chúng thì cần nỗ lực nhiều hơn một chút.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ số

Trở lên trên