MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ sinh thi đỗ ĐH top 1 với số điểm kỷ lục khiến dư luận chấn động, nhưng tìm đến nhà cô ai nấy đều lặng người

31-07-2023 - 21:15 PM | Sống

Cuộc sống khó khăn cũng không ngăn được những bông hoa đẹp và bền bỉ nở rộ.

MXH từng xôn xao trước câu chuyện về một nữ sinh nghèo đến từ huyện Tảo Cường, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Trong kỳ thi đại học, nữ sinh đã đạt số điểm 707 và được nhận vào khoa tiếng Trung của Đại học Bắc Kinh (hay còn gọi là Bắc Đại) - ngôi trường top 1 đất nước tỷ dân khiến cả nước phải kinh ngạc.

Thế nhưng khi truyền thông tìm đến nhà cô để phỏng vấn, ai nấy lại không kìm được nước mắt. Trong số rất nhiều ứng viên được Bắc Đại nhận vào, thật khó để tìm được ứng viên có gia cảnh như cô…

01

Nữ sinh đó là Vương Tâm Nghi.

Vương Tâm Nghi sinh ra tại một ngôi làng nhỏ của huyện Tảo Cường. Trong nhà có 2 mẫu ruộng, dưới cô có 2 người em trai. Mẹ Vương Tâm Nghi mắc bệnh nan y, quanh năm phải sống dựa vào thuốc. Ông nội cô bị cao huyết áp và hen suyễn, không thể tự chăm sóc bản thân.

Nữ sinh thi đỗ ĐH top 1 với số điểm kỷ lục khiến dư luận chấn động, nhưng tìm đến nhà cô ai nấy đều lặng người - Ảnh 1.

Vương Tâm Nghi

Những đứa trẻ nhà nghèo đều trưởng thành từ rất sớm, Vương Tâm Nghi không phải ngoại lệ. Ở nhà, cô luôn phụ giúp mẹ mọi việc, từ cắt cỏ, cho lợn ăn, cho gà ăn, gặt lúa, chăn dê cho đến chăm sóc em trai… Dù đôi vai gầy còn nhỏ xíu đã phải gánh vác gánh nặng cuộc đời nhưng Vương Tâm Nghi lúc nào cũng lạc quan và đối mặt với mọi thứ bằng nụ cười trên môi.

Đôi khi, họ hàng và những người hàng xóm tốt bụng vì thương cô gái nhỏ nhạy cảm mà gửi cho cô một vài bộ quần áo cũ cũng như thực phẩm, Vương Tâm Nghi không bao giờ ghét bỏ điều đó. Đối diện với sự chế giễu của một số người, cô hào sảng nói: Ngoại hình lộng lẫy cũng chỉ là lớp vỏ ngoài, một tâm hồn có nội hàm mới là thứ đáng quý.

Tuy nhiên, ông trời không hề động lòng trước hoàn cảnh gian nan của gia đình nghèo khó này. Năm Vương Tâm Nghi lên 8 tuổi, đến lượt bà của cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Gia đình chạy vạy ngược xuôi mới đủ tiền chữa bệnh cho bà, nhưng vì bệnh quá nặng, bà của Vương Tâm Nghi đã qua đời trên giường bệnh.

Gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mẹ lén khóc thầm mỗi đêm, ông ốm đau bệnh tật, cha quanh năm đi làm xa nhà, Vương Tâm Nghi vẫn tự nhủ lòng phải mạnh mẽ lên.

Lúc này cô mới biết rằng cái nghèo thực sự khủng khiếp, nó sẽ cướp đi những người thân yêu nhất của mình.

Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, cha mẹ Vương Tâm Nghi vẫn kiên quyết cho cô và em trai đi học. Cha mẹ hy vọng cô có thể thay đổi vận mệnh của mình nhờ tri thức và bước ra khỏi vùng quê tù túng này, thoát cảnh nghèo đói, có một tương lai tốt đẹp.

02

Cha đi làm ở xa, thu nhập ít ỏi muốn nuôi năm miệng ăn, mọi thứ đâu dễ dàng đến thế? Để duy trì cuộc sống cơ bản nhất, mẹ Vương Tâm Nghi chỉ có thể thắt chặt chi tiêu ở mức tối đa.

Không có tiền mua thịt cá, bữa ăn của Vương Tâm Nghi và các em thường chỉ là bắp cải luộc và bánh bao. Từ nhỏ đến lớn, số lần được ăn thịt của nữ sinh chỉ tính trên đầu ngón tay.

Mặc dù vậy, Vương Tâm Nghi và các em chưa bao giờ thấy thiệt thòi. Khi những đứa trẻ đồng trang lứa tha hồ nũng nịu trong vòng tay cha mẹ, Vương Tâm Nghi đã học được cách tự lập và bình tĩnh đối mặt với cuộc sống.

Bằng cách này, Vương Tâm Nghi vừa chăm sóc em trai vừa làm việc nhà. Nghèo đói và đau khổ không ảnh hưởng đến Vương Tâm Nghi - một nữ sinh luôn có thái độ tích cực được nhận vào trường Trung học Tảo cường với vị trí thủ khoa huyện.

Để tiết kiệm chi phí ăn ở, ngày nào Vương Tâm Nghi cũng đạp xe đi đi về về mấy chục cây số. Bất kể nắng mưa gió tuyết, cô kiên trì như vậy suốt 3 năm cấp 3.

Vì muốn trở thành chú cá chép vượt vũ môn thành công nên trong thời gian đi học, Vương Tâm Nghi luôn duy trì thành tích học tập tốt, ổn định ở top 3 của khối.

Cuộc sống khó khăn cũng không ngăn được những bông hoa đẹp và bền bỉ nở rộ.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2018, Vương Tâm Nghi đã xuất sắc đạt số điểm 707, trong đó có môn Toán đạt điểm tuyệt đối, điều này giúp cô trở thành thủ khoa của tỉnh Hà Bắc năm đó.

Sau khi điểm số được công bố, cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đều liên hệ với Vương Tâm Nghi. Cuối cùng, Vương Tâm Nghi quyết định chọn khoa tiếng Trung của Đại học Bắc Kinh.

Khi phóng viên đến phỏng vấn Vương Tâm Nghi đã không kìm được nước mắt. Gia đình Vương Tâm Nghi thực sự rất khó khăn, trong nhà không có món đồ nào đắt giá, không có cả bếp, chỉ có một chiếc bếp lò đơn sơ đặt ngoài sân để nấu nướng. Vật trang trí đáng giá duy nhất trong nhà có là những tấm bằng khen dán đầy trên tường.

Nữ sinh thi đỗ ĐH top 1 với số điểm kỷ lục khiến dư luận chấn động, nhưng tìm đến nhà cô ai nấy đều lặng người - Ảnh 2.

Căn nhà dột nát không có tài sản gì quý giá ngoài những tấm giấy khen dán đầy tường của Vương Tâm Nghi

Với thành tích xuất sắc, Vương Tâm Nghi sau đó đã được vinh danh là Ngôi sao thanh thiếu niên vượt khó của tỉnh Hà Bắc, đồng thời cũng lọt top 10 nhân vật tin tức của năm.

Tại lễ khai giảng dành cho tân sinh viên Bắc Đại, bài viết "Cảm ơn vì sự nghèo khó" khiến vô số người rơi nước mắt của cô đã gây bão khắp chốn MXH.

03

"Cảm ơn vì sự nghèo khó"

Khi cầm bút lên, tôi hơi do dự. Bởi vì tôi không biết làm thế nào để kể câu chuyện này về bản thân mình, về sự nghèo khó và về hy vọng.

Tôi sinh ra ở thôn Mới, xã Tảo Cường, huyện Tảo Cường, tỉnh Hà Bắc. Huyện Tảo là một huyện nghèo ở tỉnh Hà Bắc, với thu nhập bình quân đầu người cực kỳ thấp.

Tôi có hai em trai, tôi và em kế đều học trường huyện, còn em trai út vẫn đang học mẫu giáo. Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng cằn cỗi và thu nhập từ việc làm thuê của cha tôi.

Trong thế giới của trẻ thơ, không có quá nhiều lo lắng và gánh nặng. Lần đầu tiên tôi đối diện với sự thật của cái nghèo và hiện thưc là vào năm 8 tuổi.

Năm đó, bà tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Cuộc sống vẫn bình lặng của gia đình tôi bỗng chốc biến mất như có hòn đá ném xuống mặt hồ đang yên ả. Cả nhà tôi hốt hoảng, sầu lo nhưng vẫn cố gắng gom tiền với hy vọng sẽ cứu được bà tôi.

Sinh mệnh của bà tôi như ngọn nến leo lét, từ từ yếu dần rồi tắt lịm cho đến khi ánh sáng cuối cùng cũng biến mất.

Cả cuộc đời bà tôi đều vất vả, không có lấy một ngày nhàn rỗi, trên giường bệnh, bà tôi vẫn quan tâm đến đám lợn gà, đến chuyện đồng ruộng. Sự ra đi của bà tôi - người đã chăm chỉ làm việc cả đời khiến tôi lần đầu tiên cảm thấy rằng mình bị sự nghèo khó bóp nghẹt.

Có thể tiền bạc không cứu được bà nhưng chính kinh tế khó khăn đã đẩy gia đình tôi vào vực sâu tuyệt vọng.

Tôi nhớ rõ những giọt nước mắt lặng lẽ và bất lực của mẹ tôi trong những ngày ảm đạm đó, và tôi cũng bắt đầu hiểu: Quan tâm đến chuyện tiền bạc có phải có phàm tục không? Không, không phải vậy, nó mang lại cho chúng ta sự đảm bảo cơ bản nhất về cuộc sống, và cho phép chúng ta cố gắng hết sức để giữ lấy những người, những món đồ mình trân quý.

Và những điều này cũng khiến tôi nhạy cảm nhận ra: cuộc đời chỉ vừa vén tấm mặt nạ của nó ra thôi.

Nữ sinh thi đỗ ĐH top 1 với số điểm kỷ lục khiến dư luận chấn động, nhưng tìm đến nhà cô ai nấy đều lặng người - Ảnh 3.

Căn nhà nhỏ nơi Vương Tâm Nghi cùng mẹ, ông và các em sinh sống

Tôi và đứa em trai kém tôi 1 tuổi lần lượt theo đuổi con đường học hành, điều này làm gánh nặng tài chính của gia đình tôi thêm nặng nề.

Mẹ tôi không thể đi làm vì lý do sức khỏe, hơn nữa công việc đồng áng không thể không vứt đó là xong, ông tôi lại không thể tự chăm sóc bản thân. Bởi vậy, cả nhà tôi chỉ có thể dựa vào một mình cha tôi.

Công việc của cha tôi không ổn định, thu nhập ít ỏi đến đáng thương, mọi chi tiêu trong nhà đều phải dựa vào sự chắt bóp chi li từng chút một của mẹ tôi, mọi thứ chỉ đủ để trang trải cuộc sống.

Chi phí chữa bệnh cho ông tôi và mẹ tôi trong một năm cũng là một khoản lớn, hơn nữa gia đình lại nợ nần chồng chất khi bà tôi bệnh nên nhịn ăn nhịn mặc là điều tất yếu.

Một vài người họ hàng có con lớn vẫn hay mang cho nhà tôi ít quần áo cũ. Những cái nào còn mặc được, mẹ sẽ giặt sạch rồi phân cho tôi và các em. Mẹ thường nói, quần áo đẹp đến đâu không quan trọng, miễn là chúng sạch sẽ và có thể giữ ấm. Bảo sao mà đến giờ mẹ tôi vẫn mặc bộ đồng phục từ 20 năm trước của mình.

Tôi và các em đều rất nghe lời, không bao giờ đòi quần áo hay giày dép mới. Tuy nhiên, không tránh khỏi có một vài học sinh trong lớp cười nhạo đôi giày cũ mòn, bộ quần áo lỗi mốt hay cách phối độ kỳ lạ của chúng tôi.

Tôi nhớ ngày đầu tiên vào cấp 2, một cậu bạn đã chế giễu tôi vì chiếc áo khoác độn với phần bông nhồi nhìn như "cặn đất”. Tôi đã khóc và về nhà nói với mẹ, mẹ tôi chỉ nói một câu: “Không cần để ý đến bạn ấy, mình cứ sống tốt là được”.

Đúng vậy, cần gì phải bận tâm đến lời bình luận của người khác, đó chỉ là phán xét phiến diện dựa vào ngoại hình và quần áo của tôi mà thôi, nếu người đó không nhìn thấy nội tâm của tôi, vậy tôi việc gì phải để ý đến người đó.

Suy cho cùng, tôi sống cuộc đời của tôi, không phải sống để người khác thấy. Tôi đã tiếp tục mặc chiếc áo đó hết những năm cấp 2 và tôi cũng nhớ như in câu nói của mẹ cho đến tận hiện tại.

Ngoài quần áo, chuyện đi học của tôi còn gặp một vấn đề khác: phương tiện đi lại.

Cấp 1 có thể học ở làng, nhưng đến cấp 2, bọn tôi chỉ có thể xuống huyện học. Nhà tôi chỉ có một cái xe đẹp, tôi ngồi yên sau, em tôi chỉ có thể ngồi trên thanh ngang phía trước.

Trong mắt người khác, nhìn cảnh đó giống như diễn xiếc vậy, nhưng em tôi đã kiên trì trong 3 năm. Ngày ấy, đường xuống huyện còn chưa làm, dọc đường ổ voi ổ gà liên tiếp, mưa thì bùn đất ngập ngụa. Nhưng mẹ tôi vẫn đưa đón bọn tôi đi mỗi ngày, không bao giờ tới trễ.

Thực ra, lẽ ra chúng tôi có thể ở nội trú và mẹ chỉ cần đón bọn tôi vào cuối tuần, nhưng tiền nội trú thực sự rất đắt. Mẹ thương bọn tôi còn đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng sức khỏe của mẹ thực sự không tốt nên đôi khi không tránh khỏi việc mẹ phải cho chúng tôi xuống xe chạy bộ một đoạn.

Vậy là, mỗi ngày đến trường lại chạy 1-2km đã trở thành cách rèn luyện sức khỏe đặc biệt của chị em tôi. Tôi nhớ có một lần tuyết rơi dày đặc, tuyết dày đến cả mét, ô tô không thể ra ngoài, mẹ tôi quấn chiếc áo bông, bất chấp gió rét, đến đón chúng tôi tan học, biết bao nhiêu tuyết tan trên mặt mẹ dọc đường.

Nhưng tôi và em tôi rất hào hứng, vừa nghịch tuyết vừa nói chuyện với mẹ về những kiến thức mới hôm nay tôi học được. Ba chúng tôi cứ đi như vậy cho đến khi trời tối mịt mới về đến nhà.

Khi đó, tôi hiểu rằng hạnh phúc không phải vì cuộc sống quá hoàn hảo, mà vì bạn có thể bỏ qua những điều không hoàn hảo đó và cố gắng hết sức để đón nhận vẻ đẹp và ánh nắng mà bạn nhìn thấy.

Nghèo đói mang lại nhiều điều hơn là đau đớn, đấu tranh và bối rối. Dù nó thu hẹp tầm nhìn, đâm vào lòng tự trọng của tôi, thậm chí gián tiếp cướp đi mạng sống của người tôi thương yêu, tôi vẫn muốn nói rằng, cảm ơn bạn, sự nghèo khó.

Cảm ơn sự nghèo khó, nhờ bạn mà tôi nhận ra hạnh phúc và sự hài lòng chân chính.

Bạn khiến tôi và đồ chơi, đồ ăn vặt, game như hai đường thẳng song song, bạn đã mở ra cho tôi một thế giới tốt đẹp hơn.

Tuổi thơ tôi có thể ít phim hoạt hình hơn, nhưng tôi có thể cùng mẹ bắt sâu, cho gà ăn rồi chờ đợi những quả trứng gà ngon lành vào hôm sau. Thế giới của tôi có thể không có búp bê Barbie, nhưng tôi có thể đến những cánh đồng lúa mì thơm ngát , nơi đám trẻ chúng tôi lén nghịch nước trong lúc người lớn bận rộn làm việc. Lúc rảnh rỗi, tôi không có đồ ăn vặt để ăn nhưng tôi có thể cùng em trai trèo lên cây dâu cao sau nhà, hái những trái dâu tím đỏ chua chua ngọt ngọt, vừa dựa vào cành cây vừa thưởng thức chúng một cách mãn nguyện.

Cảm ơn sự nghèo khó, bạn đã cho tôi tiếp xúc gần gũi hơn với vẻ đẹp và sự kỳ diệu của thiên nhiên, giúp tôi tận hưởng sự ân sủng và phúc lành của trời cao.

Tôi là người con của đất, tôi vô cùng yêu mảnh đất vàng đơn sơ rắn rỏi dưới chân tôi, tôi xuất thân từ nơi khiêm nhường, và tôi cũng đã thấm nhuần dưỡng chất của cuộc sống từ nơi khiêm nhường này.

Cảm ơn sự nghèo khó, bạn đã khiến tôi tin vào sức mạnh của giáo dục và tri thức. Sự thiếu thốn vật chất chẳng mang lại gì ngoài hai kết quả: một là tinh thần cực kỳ cằn cỗi, hai là tinh thần cực kỳ phong phú. Và tôi chọn cái sau.

Tôi xuất thân từ một gia đình bình thường nhưng luôn hướng tới giáo dục và tri thức. Mẹ nói rằng đây là con đường dẫn đến một thế giới rộng lớn hơn. Kể từ đó, niềm tin rằng tri thức có thể thay đổi vận mệnh đã ăn sâu vào trái tim tôi.

Mẹ dạy tôi học thuộc thơ từ rất sớm nên mới một tuổi tôi đã thuộc lòng rất nhiều bài thơ Đường. Mẹ cho tôi đi học sớm một năm không phải tâm lý ganh đua với người khác mà vì mẹ mong tôi thoát khỏi sự ngu muội, vô tri sớm hơn.

Ánh sáng từ chân lý và trí tuệ cuối cùng đã soi sáng trái tim trẻ con và ngu muôi của tôi, chúng xuyên qua lớp sương mù sâu thẳm trong trái tim tôi. Nghèo đói có thể làm lung lay nhiều niềm tin, nhưng nó khiến tôi tin vào sức mạnh của tri thức một cách bền bỉ hơn.

Nữ sinh thi đỗ ĐH top 1 với số điểm kỷ lục khiến dư luận chấn động, nhưng tìm đến nhà cô ai nấy đều lặng người - Ảnh 4.

Vương Tâm Nghi cảm ơn sự nghèo khó vì nó đã giúp cô nhận ra nhiều thứ

Cảm ơn sự nghèo khó, bạn đã ban cho tôi niềm hy vọng vô tận và lòng dũng cảm để không bao giờ cúi đầu.

Người nông dân biết rằng khi gieo hạt giống, họ phải giẫm lên chúng rất nhiều lần thì chúng mới vùi sâu được vào đất. Lần đầu tiên đi gieo hạt, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, tôi tự hỏi đạp mạnh như vậy thì làm sao cây con có thể bật khỏi mặt đất được.

Nhưng mẹ tôi bảo, đất tơi xốp thì cây con không mọc ra được, trước khi phá đất mà ra gặp được đất cứng, cây con mới mọc lên tươi tốt được.

Khi tôi lớn lên, nhớ lại những lời này, tôi nhận ra rằng tôi giống hệt như vậy. Nếu vừa bắt đầu, chúng ta đã gặp phải những trở ngại và thăng trầm, nếu số phận dường như đang làm khó chúng to, đừng nghi ngờ, nó chỉ đang muốn chúng ta trưởng thành một cách đầy mạnh mẽ mà thôi.

Mỗi cuộc đời đều có một hành trình khác nhau, có người đi thẳng đến bờ bên kia, có người quanh co và vất vả lắm mới tiến được về phía trước.

“Giàu” không có nghĩa là tâm hồn cao thượng, và “nghèo” không có nghĩa là tinh thần nghèo nàn. Không phải sự giàu có nào cũng may mắn, không phải sự nghèo khó nào cũng đáng ghét.

Không cần biết gia cảnh ra sao, chỉ cần trong tim có ước mơ, có nỗ lực, chúng ta đều có thể trở thành những đứa con ngoan ngoãn, giàu lòng biết ơn, tự lập tự cường và sở hữu thành tích ưu tú.

Nguồn: Toutiao

Theo Thiên An

Phụ nữ số

Trở lên trên