Nữ tiến sĩ 32 tuổi trước khi mất nhắn nhủ: Đời người có 3 chuyện nên thấu rõ
Sinh mệnh quá quý giá, quý tới mức có sống ra sao cũng cảm thấy lãng phí. Nếu phải nói ra một lời đề nghị không lãng phí cuộc sống, tôi nghĩ đó chính là: Đừng giữ lại thứ tốt nhất đến sau cùng.
Tác giả Tian Wei trong cuốn "Hoa điền bán mẫu" có viết:
"Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều tiếp nhận những kịch bản khác nhau. Có người bình lặng, có người mãnh liệt, có người là nụ cười, có người ngập tràn nước mắt. Bất kể ra sao, chúng ta vẫn luôn phải diễn tốt, cho tới khi hạ màn."
Sinh mệnh quá quý giá, quý tới mức có sống ra sao cũng cảm thấy lãng phí.
Nếu phải nói ra một lời đề nghị không lãng phí cuộc sống, tôi nghĩ đó chính là:
Đừng giữ lại thứ tốt nhất đến sau cùng.
Kiếp này, chưa hoàn thành...
Có một câu chuyện như sau:
Có một cô gái thiên chất thông minh, từ nhỏ đã là một cô bé giỏi giang lại rất chăm chỉ, lớn lên cô ấy thi được vào một ngôi trường đại học danh tiếng, rồi đi học thạc sĩ và ra nước ngoài du học.
Sau khi về nước, cô ấy trở thành giảng viên trẻ tuổi của đại học Phúc Đán (một trong những trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc), đồng thời có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Tình yêu sự nghiệp viên mãn, khi cô ấy trở thành người thắng cuộc trong cuộc đời thì vận mệnh lại bắt đầu trêu đùa cô ấy.
Ở tuổi 31, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
Điều tàn khốc hơn đó là, cô ấy chỉ còn sống được thêm nửa năm nữa.
Tên của cô là Yu Juan, một tiến sỹ trẻ tuổi ưu tú tại Trung Quốc. Sau khi biết mình mắc bệnh, cô đã viết ra cuốn sách "Kiếp này, chưa hoàn thành", đem lại động lực cho vô số người.
Trong những ngày tháng cuối cùng, Yu Juan thường suy nghĩ con người, vì sao lại sống?
Trước ngưỡng cửa sống chết, cô cảm thán:
"Rồi bạn sẽ phát hiện ra, mỗi một lần tăng ca, những áp lực bạn tạo ra cho mình, nhu cầu mua nhà mua xe, tất cả đều chỉ là mây khói, nếu có thể, hãy dành thời gian cho con cái, đem tiền mua xe đi mua cho cha mẹ đôi giày, đừng liều mạng đi đổi lấy một ngôi nhà to hơn rộng hơn, được ở cùng với những người thân yêu, nhà sàn cũng ấm áp."
Yu Juan qua đời ở tuổi 32, để lại ba mẹ, người chồng và đứa con thơ.
"Kiếp này, chưa hoàn thành", chỉ 5 chữ nhưng nói lên những tiếc nuối vô tận...
Đừng giữ những thứ tốt nhất tới sau cùng
Lúc hoa nở nhiều hãy nhanh tay mà hái xuống, đừng đợi tới khi hoa rụng hết rồi mới đi bẻ cái cành không; đạo lý này ai cũng hiểu, nhưng lại rất ít người có thể làm được.
Mo Yan, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc từng chia sẻ một câu chuyện như sau:
Sau khi vợ của người bạn qua đời, trong lúc người bạn thu dọn di vật, ông trông thấy một chiếc khăn quàng cổ vẫn còn nguyên mác. Bởi vì chiếc khăn này rất đẹp lại đắt nên người vợ luôn không nỡ dùng, muốn để dành cho một dịp đặc biệt nào đó.
Kết quả, mãi cho tới khi qua đời rồi mà vẫn chưa dùng một lần nào.
Người bạn cảm thán: đừng bao giờ để những thứ tốt đẹp vào một dịp đặc biệt nào đó mới dùng, mỗi một ngày bạn sống đều là một ngày đặc biệt.
Cũng giống như chiếc khăn mà người vợ không nỡ dùng, mọi người luôn có thói quen gom những ước muốn của họ lại, kết quả thực tế lại thường trái với nguyện vọng đó.
Lúc còn trẻ muốn đi leo núi nhưng không đi được, kết quả già rồi, chỉ có thể đứng nhìn núi rồi thở hổn hển.
Lúc dạo phố trông thấy chiếc váy mình thích nhưng lại quá đắt, đợi tới khi góp đủ tiền rồi thì chiếc váy đã lỗi thời.
Con cái muốn đi thả diều, đợi tới khi bạn có thời gian, chúng đã không còn thích thả diều nữa.
Đồ ăn có hạn sử dụng, hạnh phúc cũng vậy, cũng biết hết hạn.
Cuộc sống giống như một giỏ táo tươi, lúc còn tươi ngon, bạn không nỡ ăn, sau này, khi táo bắt đầu hỏng, bạn mới bắt đầu ăn những quả hơi hỏng một chút, ăn hết quả hỏng, những quả tươi lại thành hỏng, bạn lại tiếp tục ăn những quả hỏng....
Giữ lại những thứ tốt nhất tới sau cùng, đến cuối cùng lại là ăn những quả táo hỏng cả đời, chịu những cái khổ đáng lẽ không phải chịu.
Hạnh phúc không chỉ biết hết hạn, mà còn biết biến mất trong sự vội vã, bận rộn.
Rất nhiều người đã đánh mất đi rất nhiều thứ, mất đi cái "tâm" của mình trong sự bận rộn. Sống mãi sống mãi, cũng chỉ như chiếc rổ tre lấy nước, cuối cùng cũng chỉ là trống rỗng, hư không.
Một bên bỏ ra, một bên mất đi. Cả đời chỉ cắm đầu chạy đuổi theo chiếc xe buýt mà không thể thưởng thức được phong cảnh hai bên đường...
Đừng đánh mất người yêu thương bạn nhất
Jonathan Lee Chung-shan, một nhạc sĩ và nhà sản xuất người Đài Loan từng viết trong một bài hát của mình rằng: băng qua ngọn đồi, mới phát hiện ra không ai chờ đợi...
Lời bài hát đơn giản nhưng lại là hình ảnh thu nhỏ của biết bao câu chuyện bi thương.
Chàng thanh niên nghèo quyết tâm lên thành phố lập nghiệp, đợi tới khi công thành danh toại, đem lễ vật về quê hương, thì người con gái anh yêu đã được gả cho người khác.
Người chồng suốt ngày cắm đầu, chỉ biết tới công việc, đợi tới khi chức cao vọng trọng, lương tháng gấp ba, thì đổi lại là vợ bỏ đi, con cái lạnh lùng.
Cha mẹ rời quê hương đến nơi xa xứ làm ăn, đợi tới khi kiếm được tiền về, con cái sớm đã không còn thiết tha...
Con cái muốn hiếu thảo, nhưng cha mẹ thì đã không còn... Đây là điều tiếc nuối phổ biến của nhiều người,
Trên mạng có một câu chuyện như sau:
Ở một vùng quên ở Quý Châu, Trung Quốc, có một bà lão, con gái đi làm ở Quảng Đông, mỗi năm chỉ về thăm nhà vào dịp Tết, hết Tết lại vội vội vàng vàng rời đi.
Người mẹ thương con gái công việc bận rộn, luôn chỉ báo tin vui cho con chứ không bao giờ kể với con chuyện buồn, vài lần bị bệnh cũng không nói với con gái, sức khỏe đã yếu nhưng vẫn giả vờ khỏe mạnh để con gái bớt lo.
Cuối cùng, vào một đêm nọ, bà lão qua đời, mấy hôm sau mới được hàng xóm phát hiện ra.
Cô con gái sau khi biết tin đã ngay lập tức trở về nhà, ôm lấy thi thể mẹ khóc lóc thảm thiết: "Con hối hận quá, thực sự rất hối hận, con đáng lẽ không nên về Quảng Đông, đáng lẽ con nên ở bên mẹ mới phải..."
Lúc này, hối hận và nước mắt, chỉ là những lời bày tỏ vô dụng.
Ba mẹ còn, đời người vẫn có nơi để qua để lại, ba mẹ đi rồi, thử hỏi đời người còn nơi nào để quay về?
Từ đó về sau, trong nhà không còn hình bóng người mẹ ngồi đợi chờ con. Chúng ta có phải cũng giống với cô gái đó, luôn đợi:
Đợi con kiếm được tiền, con sẽ đón ba mẹ lên thành phố ăn sung mặc sướng;
Đợi tôi trở nên tốt hơn, sẽ bày tỏ với người con trai ấy;
Đợi ba/mẹ hoàn thành xong dự án này, sẽ cùng cả nhà đi du lịch....
Cho tới cuối cùng mới phát hiện ra, "đợi tôi..., sẽ...", đây là thì tương ứng với độ trễ vô hạn.
"Đợi...", rồi lại trở thành "lại đợi..."
Đợi tới ngày đó, tôi nhất định...
Nhưng, có thể ngày đó tới rồi, nhưng người đó thì đã không còn nữa...
Họ đi rồi, họ già rồi, thậm chí họ đã mất rồi...
Chúng ta thường đem tất cả những sự nóng nảy, những sự bất lực, những lời hứa suông "dành tặng" cho những người quan trọng nhất của mình.
Kết quả, đi mãi, đi mãi, cuối cùng đánh mất đi người yêu thương chúng ta nhất.
Sống cho hiện tại, không phụ thời gian
Có một câu chuyện về "ngày cuối cùng của tù nhân nhận án tử hình" như sau:
Có một thanh niên rảnh rỗi, chuyên đi trộm gà trộm chó của người khác.
Một hôm, anh ta đi cướp ngựa trong doanh trại, không cẩn thận bị bắt. Tướng quân vô cùng tức giận, nói muốn chém đầu thị chúng người thanh niên này, đồng thời cho phép anh ta nói ra nguyện vọng cuối cùng của mình.
Người thanh niên nói: "Tôi muốn làm một bữa cơm thật ngon cho mẹ, tôi từ nhỏ tới lớn chỉ biết làm bà tức giận, trước giờ chưa từng hiếu thuận với bà."
"Còn không?", vị tướng quân hỏi.
"Tôi còn muốn xin lỗi Tiểu Thúy, tôi hứa tặng cô ấy một chiếc vòng tay nhưng vẫn chưa làm được", người thanh niên đáp.
"Còn không?", vị tướng quân hỏi tiếp.
Người thanh niên khóc lóc nói: "Tôi còn muốn học một món nghề nào đó, không đi trộm gà trộm chó nữa, nhưng bây giờ đã muộn rồi..."
Vị tướng quân nghe xong, cuối cùng đã quyết định thả cậu ta, còn nói: "Ngươi đường đường là nam tử hán đại trượng phu, hiếu thuận cha mẹ, tặng vòng cho người mình thương, học một món nghề nào đó, tại sao vào ngày cuối cùng mới nghĩ tới chuyện đi làm. Ta lệnh cho ngươi bắt đầu từ ngày hôm nay, phải xem mỗi ngày đều là ngày cuối cùng của cuộc đời, có như vậy mới không phụ ta tha cho ngươi một mạng."
Người thanh niên dần dần tỉnh ngộ, quyết không để những việc quan trọng tới cuối cùng mới làm, nếu không sẽ phải hối hận cả đời.
Câu chuyện này nói với chúng ta: sống cho hiện tại, xem mỗi ngày đều là ngày cuối cùng, có như vậy mới không phụ lòng thời gian.
Đừng để chuyện tốt nhất làm sau cùng, đừng để người mình yêu nhất tới sau cùng mới đi thương, yêu người yêu mình, hãy bắt đầu ngay từ giây phút này.
Tian Wei nói: "Mỗi một lần đi ngủ là một lần chết, khi chúng ta tỉnh lại, là một cuộc sống hoàn toàn mới."
Hi vọng bạn, đều xem mỗi một ngày là ngày cuối cùng để đi yêu thương,
Không thất vọng, không cô đơn, không chờ đợi, không do dự, không chần chừ...
Hi vọng, mỗi ngày khi bạn tỉnh lại, ánh nắng mặt trời và cả những người bạn yêu thương đều vẫn còn ở đó...
Trí thức trẻ