Nữ tiến sĩ người Việt trở thành nhà khoa học cấp cao tại Mỹ: Có bằng Tiến sĩ ĐH John Hopkins, CV đẹp nhưng phỏng vấn tuyển dụng trượt, tôi rất sốc
Từng giành học bổng 9,3 tỷ đồng đến Đại học Johns Hopkins, sau 5 năm, Nguyễn Sao Ly trở thành nhà khoa học tại một công ty Hoá Sinh lớn của Mỹ. Hành trình của 9x xinh đẹp khiến nhiều người thán phục.
- 18-09-2023Bên trong căn hộ cao cấp Đoàn Văn Hậu và Doãn Hải My sẽ ở sau khi kết hôn: Thiết kế tiết lộ tính cách chủ nhân
- 18-09-2023Rich kid Chao chia sẻ một ngày đi học ở trường ĐH New York, phương tiện đi lại gây chú ý
- 18-09-2023Cận cảnh căn bếp trong penthouse triệu đô của CEO Hannah Olala: Trắng tinh, gọn gàng đến nỗi netizen tưởng để ngắm chứ không dùng
5 năm trước, Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993, tại Đà Nẵng) khiến nhiều người trầm trồ khi đạt học bổng 9,3 tỷ đồng của trường ĐH John Hopkins (Top 5 trường Y tốt nhất thế giới). Năm 2023, cô "phá đảo" trào lưu flex với bản thành tích học tập vô cùng xuất sắc.
Không chỉ khiến người khác thán phục vì thành tích học tập, Sao Ly cũng khiến người đối diện có cảm tình khi luôn truyền năng lượng tích cực đến mọi người. Khi còn là sinh viên ĐH California, Sao Ly là thành viên chủ lực của các câu lạc bộ vì cộng đồng như: câu lạc bộ Sức khoẻ cộng đồng người Việt tại Mỹ, Happy Teeth và tổ chức Meels on Wheels… Với thành tích học tập và các hoạt động truyền cảm hứng của mình, Sao Ly là một trong những nhân vật đặc biệt được nhắc đến trong cuốn sách "Rạng danh tài trí Việt năm châu" và chương trình Hành trình nước Mỹ của Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Cuộc sống của Ly đã thay đổi như thế nào kể từ khi nhận được học bổng 9,3 tỷ đồng của ĐH?
Về sự nghiệp, 5 năm vừa rồi tôi dành thời gian nghiên cứu để có được tấm bằng tiến sĩ tại ĐH John Hopkins. Hiện tại đã hoàn thành chương trình tiến sĩ, nhận bằng và bắt đầu trở thành nhà khoa học cấp cao của công ty dược Intellia Therapeutics của ông Jennifer Doudna, giải Nobel y học thế giới năm 2020, sáng lập.
5 năm vừa tôi đã gặp được nhiều sự giúp đỡ và trưởng thành rất nhiều cho kỹ năng nghiên cứu và khả năng làm việc chuyên môn. Tôi nghĩ 5 năm qua đã chuẩn bị cho tôi rất tốt để có thể ra đời, làm việc như hiện tại.
Bên cạnh, tôi vẫn tiếp tục trau dồi bản thân để có thể vừa hoàn thành việc nghiên cứu, vừa biết cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần và thể chất. Tôi cũng tìm được những sở thích giúp cân bằng cuộc sống hơn và có nhiều niềm vui hơn.
Sau 5 năm, Ly rút ra bài học gì cho các du học sinh để nhanh thích ứng với môi trường xa lạ?
5 năm sống và học tập ở Mỹ đã khiến tôi rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm cho mình thích nghi với môi trường và đạt được các mục tiêu cá nhân của mình.
Với cá nhân tôi, ngay từ đầu tôi biết cần cải thiện khả năng giao tiếp. Bởi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ. Thứ hai, trong môi trường học thuật, xung quanh là những người tinh hoa thì khả năng giao tiếp cần vô cùng chau chuốt để hình ảnh trước mọi người được tốt nhất.
Tôi thấy một trong những khó khăn mà nhiều học sinh quốc tế hay học sinh người Việt gặp phải khi học ở Mỹ hạn chế sự tự tin và khả năng lãnh đạo. Ở Mỹ, mọi người tập trung vào độc lập cá nhân của mỗi người hơn. Người Mỹ bản địa rất tự tin và nhiều năng lượng. Họ có khả năng độc lập, tự làm điều đó riêng cho mình.
Trong chương trình tiến sĩ, mỗi nghiên cứu sinh phải độc lập, tự có khả năng dẫn dắt nghiên cứu riêng của mình. Trong quá trình đó, các giáo sư hay nhà khoa học khác có thể đóng góp rất nhiều ý kiến, có khen, chê về lối đi của nghiên cứu. Song bạn cần phải có bản lĩnh để bảo vệ nó.
Ngoài ra, bạn cần có khả năng nhìn lại và biết bản thân còn yếu điểm nào để cải thiện. Đó là 1 thử thách đối với tôi. May mắn mỗi năm chương trình tiến sĩ của tôi sẽ đánh giá và chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu để nghiên cứu sinh có thể học hỏi và cải thiện. Vì thế, tôi cho rằng, khả năng lắng nghe những phê bình, góp ý cũng rất quan trọng. Thực tế, chẳng ai muốn nghe người khác phê bình về mình, nhưng chỉ khi có khả năng tiếp nhận những lời khen chê bạn mới rèn luyện bản thân và phát triển nhanh.
Trong thời gian học tiến sĩ ở Mỹ, Ly đã lên kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu của mình?
Khả năng lên kế hoạch từ tương lai gần đến tương lai xa rất quan trọng.
Đầu tiên, tôi xác định mục tiêu của bản thân là cần tốt nghiệp trong 5 năm hoặc nhanh hơn.
Thứ hai là tôi không muốn ở lại trường, tiếp tục học rồi đi dạy học… sau khi tốt nghiệp. Tôi muốn làm cho việc trong ngành công nghệ học.
Để đạt các mục tiêu này, tôi xác định mỗi năm mình cần gặp và làm việc với ai để có được kết nối và hiểu thêm về ngành. Để quá trình đó được trôi chảy, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, tôi đều có kế hoạch riêng. Ngoài việc lên kế hoạch, mình cần thích nghi với những thay đổi để có thể bám sát với mục tiêu đề ra. Vậy nên kỹ năng quản lý thời gian rất quan trọng đối với thời gian học tiến sĩ.
Nhiều người nói rằng đề tài nghiên cứu to tát nhưng việc đưa vào cuộc sống còn khó khăn. Với cương vị là tiến sĩ khoa học, Ly suy nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi hiểu khi mọi người có nhìn nhận này. Đúng là mỗi nghiên cứu của mỗi người không thể nào tìm được phương pháp chữa bệnh mới ung thư mới, hay tìm ra một loại thuốc mới. Mỗi người có thể tìm ra một kiến thức nào đó và nó có thể giúp ích cho việc tìm ra giải pháp đó.
1 nhà khoa học độc lập khó có thể thắng giải Nobel. Đó là thành công của cả một cộng đồng khoa học. Một loại thuốc bạn đang dùng là mồ hôi nước mắt của cả tập thể các nhà khoa học, mỗi người đều có đóng góp riêng. Vì để hiểu rõ phương thức hoạt động của loại thuốc và loại bệnh, mỗi người đều có những đóng góp nhất định.
Tấm bằng Tiến sĩ ở tuổi 29 có ý nghĩa như thế nào đối với Ly?
Tôi nghĩ tấm bằng Tiến sĩ ở tuổi 29 minh chứng cho những nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua. Đây là sự tự hào của tôi.
Việc đào tạo tiến sĩ ở Mỹ rất khó khăn và không ít người phải bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng với tôi, ngay từ khi bắt đầu hành trình, tôi biết rằng đến 1 ngày mình sẽ cầm được tấm bằng đó. Bởi tính cách của tôi là khi có mục tiêu là chạy thẳng đến đó và không có chuyện bỏ cuộc.
Tôi may mắn khi quá trình đào tạo tiến sĩ không có quá nhiều chông chênh và gặp được nhiều người giúp đỡ. Ngày cầm tấm bằng trên tay, tôi rất biết ơn mọi người đã cùng mình vượt qua quá trình này.
Với bằng tiến sĩ của ĐH John Hopkins, quá trình xin việc làm ở Mỹ của bạn có gặp khó khăn gì không?
Quá trình xin việc của tôi khá cực. Trong suốt 2 tháng, tôi đã nộp đơn gần 100 công ty nhưng chỉ có khoảng 10 đơn vị mời phỏng vấn. Trong số đó, 7 công ty gửi thư mời làm việc.
Là một học sinh quốc tế, xin việc trong ngành công nghiệp sinh học ở Mỹ rất khó. Bởi bạn cần phải chứng mình ưu điểm của mình so với người bản địa và rất nhiều thủ tục khác mà nhà tuyển dụng cần thực hiện.
Tôi tốt nghiệp khi kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái hậu Covid-19, rất nhiều người bị sa thải. Vì thế, rất khó để tìm được công việc phù hợp với kỹ năng và kỳ vọng của tôi. Nhưng không ít thử thách, tôi cũng tìm được công việc phù hợp với mình tại một công ty rất tốt.
Trong quá trình phỏng vấn vào ngành công nghệ Hóa Sinh, ngoài việc phải thể hiện chuyên môn, người ta kiểm tra yếu tố nào của ứng viên?
Khoảng 40-50% về kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ được nhắc đến trong buổi phỏng vấn. Còn lại, họ sẽ kiểm tra về sự hiểu biết của bạn về ngành, kỹ năng mềm, khả năng ứng biến, linh hoạt, khả năng kết hợp với đội nhóm khi làm việc. Bởi việc nghiên cứu khoa học và nghiên cứu trong ngành công nghệ sinh học là vấn đề khác nhau.
Thông thường trong nghiên cứu học thuật, bạn chỉ làm việc 1 mình hoặc làm chung với 1 hoặc 2 người. Nhưng khi vào công ty, bạn phải làm việc và phải đặt mục tiêu nhóm lên hàng đầu. Việc này nghe rất là đơn giản nhưng ứng viên phải có trải nghiệm thực tế thì nhà tuyển dụng mới tin vào năng lực. Tôi đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, và thực tập ở các công ty lớn để chuẩn bị các kỹ năng này cho bản thân trước khi tốt nghiệp.
Trải qua quá trình phỏng vấn khốc liệt, bài học ấn tượng nhất của Ly là gì?
Trải nghiệm nhớ nhất là khi tôi bị từ chối ngay lần đầu tiên phỏng vấn.
Khi đó, tôi cho rằng, bản thân đã làm rất tốt trong lần phỏng vấn đầu tiên và có rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, kết quả là tôi trượt.
Vừa tốt nghiệp tiến sĩ ở ĐH John Hopkins, CV đẹp, ai cũng nói là tôi sẽ có nhiều sự lựa chọn ở các công ty tốt. Nhưng bị từ chối ngay lần phỏng vấn đầu tiên, tôi cảm thấy rất đau, tâm lý bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên 1 tuần sau đó, tôi bị sốc.
Hành trình học tập suôn sẻ, phỏng vấn lần nào cũng từng đậu, nên việc trượt phỏng vấn công ty đầu tiên khiến tôi khiêm tốn hơn hẳn. Bởi tôi nhận ra mình cần phải tốt hơn. Tôi có thể làm tốt nhưng luôn có người tốt hơn, cũng có thể tôi không phải là nhân tố người ta tìm kiếm. Đó là quá trình tôi tự nhìn lại với bản thân để chuẩn bị tâm lý vững vàng hơn nhằm chuẩn bị cho thời gian tìm việc sắp tới.
Bây giờ nhìn nhận lại tôi hiểu được rằng, việc bị từ chối là điều bình thường. Mọi chuyện xảy ra đều có lý do. Bị từ chối ở thời điểm đó cho tôi cơ hội tìm thấy công việc phù hợp hơn với bản thân. Tôi thấy công việc đang có tốt hơn rất nhiều.
Theo Ly, nghiên cứu khoa học có phải là công việc dễ kiếm tiền?
Tôi nhận được học bổng Tiến sĩ. Khoản tiền này gồm học phí và lương cơ bản để trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, mức lương nay được đánh giá là ít ở Mỹ. Tôi nghĩ học tiến sĩ khá rất bận nên không có thời gian để đi làm thêm.
Với số tiền học bổng ít ỏi đó tôi phải tự tìm cách thể cân bằng chi phí sinh hoạt với những sở thích hay mối quan hệ. Đây là thử thách giúp tôi phát triển khả năng quản lý chi tiêu, khả năng quản lý tài chính cá nhân. Việc này giúp tôi 'lớn' lên nhiều hơn.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, bạn sẽ không có nhiều tiền. Nhưng khi có bằng tiến sĩ, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp. Thông thường, sau khi có bằng Tiến sĩ, nhiều người ở lại trường, theo đuổi nghề dạy học hay trở thành giáo sư. Con đường này sẽ dành cho những người vô cùng đam mê nghiên cứu, muốn sự tự do trong nghiên cứu học thuật.
Tôi không như thế. Tôi thích nghiên cứu nhưng tôi không đam mê đến mức chỉ nghiên cứu một chủ đề. Tôi có kỹ năng và kinh nghiệm để đóng góp vào cho nhiều ngành nghề khác. Và chọn phát triển trong ngành công nghệ Hóa Sinh. Công việc này cho tôi mức lương cao gấp 3-4 lần trong trường ĐH. Thậm chí, tôi còn cảm thấy bản thân rất có giá trị trong công ty của mình, bởi các nhà khoa học có bằng Tiến sĩ không nhiều.
Khi đạt được thành tích học tập 'khủng', truyền thông đã dành cho bạn những mỹ từ như 9X xinh đẹp, nụ hồng Việt Nam ở ĐH Mỹ. Ly có nghĩ rằng vẻ bề ngoài của mình là "tấm vé ưu tiên" cho cuộc sống của mình hay không?
Tôi nghĩ ngoại hình là quan trọng. Không cần xinh đẹp nhưng bạn cần xuất hiện 1 cách chỉn chu nhất có thể, gây ấn tượng tốt trong lần đầu gặp gỡ. Tôi không nhận mình xinh đẹp. Nhưng tôi nghĩ mình đã dành đủ thời gian chăm sóc bản thân cho bản thân tốt nhất.
Bề ngoài cho mọi người nhìn thấy là minh chứng bạn đã dành đủ thời gian để chăm sóc bản thân từ ngoài vào trong tâm hồn.
Tôi luôn sắp xếp thời gian để dành thời gian chăm sóc cho bản thân. Ví dụ, mỗi sáng dậy sớm hơn 15 phút để thư thả uống cà phê, tô thêm chút son phấn để rạng rỡ, tự tin hơn.
Với tôi, chuyện chăm sóc bản thân khiến cho tâm lý thoải mái và thư giãn hơn. Đó cũng là 1 trong những sở thích như leo núi, tập gym, chơi golf… Đều là chăm sóc sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần, cân bằng cuộc sống.
Tất nhiên thứ mọi người nhìn thấy chỉ là 1 phần hình ảnh tôi muốn có cho bản thân. Một khía cạnh khác, tôi luôn trau dồi mỗi ngày là năng lượng tích cực mình mang đến cho mọi người. Đó là điều tôi vẫn làm hàng ngày.
Bạn có thấy đam mê leo núi của mình và nghiên cứu khoa học có điểm gì tương đồng?
Hồi đi học tiến sĩ, tôi phát hiện 1 điều thú vị là 90% người leo núi đều theo đuổi nghiên cứu sinh. Tôi nghĩ leo núi và nghiên cứu có những đặc điểm chung: đều cần kiên nhẫn, sự tập trung cao, đặt ra mục tiêu và kiên định thực hiện.
Tôi nghĩ mình là người như vậy. Khi thấy được mục tiêu trước mắt thì tôi chỉ nhìn vào đó để kiên nhẫn, nỗ lực đạt được.
Nhiều người đi du học nhưng ít người quay trở về. Bạn có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Tôi mong muốn phát triển sự nghiệp ở mức cao nhất có thể, nên ở Mỹ - quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ Hóa Sinh – sẽ dễ dàng hơn để đặt những viên gạch đầu tiên vững chắc. Nhưng nếu ở Việt Nam có cơ hội để phát triển khả năng của bản thân thì trở về Việt Nam là lựa chọn tôi hướng tới, bởi đó là nơi tôi sinh ra, có gia đình ở đó. Vì nước mình đang phát triển rất nhanh, những người trẻ sẽ có cơ hội đóng góp khả năng và kinh nghiệm.
Sau tất cả những gì trải qua, ở tuổi 30, Ly có tiếc điều gì không ?
Tôi tự hào và biết ơn những chuyện đã xảy ra, những người đã gặp trong cuộc sống. Tất cả đều cho tôi rất nhiều giá trị, ý nghĩa, nâng đỡ trong hành trình tôi lớn lên và trưởng thành.
Tôi cũng không tiếc nuối điều gì. Mỗi trải nghiệm, mỗi người xuất hiện trong đời đều có lý do. Cuộc sống của mình có được những thành tựu như hiện tại là tập hợp của chuỗi ngày vô cùng ý nghĩa.
Hiện tại, tôi đang bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều sự yêu thương bản thân, nhiều niềm tự tin và lạc quan, cũng như yên bình trong tâm trí.
Xin cảm ơn Ly đã chia sẻ!
Trí thức trẻ