Nữ tỷ phú Nga: Tôi thành công nhờ chẳng đọc cuốn sách kinh doanh nào cả!
“Nếu đọc sách kinh doanh, có lẽ tôi đã chẳng dám khởi nghiệp vì mọi yếu tố trong sách đều chỉ ra sự bất lợi", nữ tỷ phú tự thân chia sẻ.
- 31-03-2022Thú chơi khác lạ của giới nhà giàu Việt: Bỏ hàng trăm triệu đồng để mua một chiếc lá, có phòng và thuê bảo mẫu để chăm vẹt
- 31-03-2022Đến người giàu Việt cũng bỏ ô tô để ''cưỡi ngựa sắt'' nhưng giá của mỗi chiến mã mới thực sự gây choáng
- 29-03-2022Rolls Royce - giấc mơ của biết bao quý ông nhưng gắn liền với câu chuyện buồn của nhiều doanh nhân Việt
Tờ Financial Times đã dùng từ "dị thường" để mô tả Tatyana Bakalchuk, nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Nga. Với vai trò là người sáng lập hãng thương mại điện tử Wildberries, bà Bakalchuk từng được ví như "Jack Ma của Nga", từ bà mẹ bỉm sữa bốn con trở thành nữ tỷ phú USD khiến cả đất nước phải ngỡ ngàng.
Bà Bakalchuk thành lập Wildberries vào năm 2004 tại chính căn hộ ở Moscow. Sau khi nghỉ dạy tiếng Anh để dưỡng thai, người phụ nữ 28 tuổi lúc bấy giờ đã suy nghĩ rất nhiều về những khó khăn mà mình cũng như nhiều bà mẹ trẻ khác gặp phải, đó là mua sắm quần áo cá nhân trong khi phải ở nhà chăm con.
Động lực này thôi thúc bà Bakalchuk quyết định tạo ra Wildberries. "Ban đầu, tôi tự làm mọi thứ, từ lấy hàng đến giao cho khách bằng tàu điện ngầm hoặc xe buýt", CEO của Wildberries chia sẻ.
Hãng thương mại điện tử Wildberries
Bà cho biết Wildberries là nơi dành cho những bà mẹ không quá dư dả tiền bạc và thời gian. Quần áo của hãng thương mại điện tử này được mua số lượng lớn thông qua trang bán hàng Otto, sau đó bán lại qua kênh online. Khách hàng của Bakalchuk sẽ nhận hàng tại nhà và không cần trả tiền trước hay đặt cọc.
Sau 1 năm hoạt động, tệp khách hàng của Wildberries lớn dần. Bà Bakalchuk bắt đầu phải thuê người giao hàng và chuyển kho chứa sang địa điểm mới. Chồng bà khi đó cũng phải tạm gác lại công việc văn phòng hiện tại để giúp đỡ vợ kinh doanh.
Năm 2016, các công ty trung gian mà bà Bakalchuk vẫn thường mua hàng bắt đầu tìm cách thâm nhập thị trường Nga. Nhận thấy mối đe dọa, người phụ nữ này nhanh chóng ký hợp đồng trực tiếp với các nhãn hàng như Tom Tailor, s.Oliver hay Adidas để tránh rủi ro mất khách hàng trung thành.
Nhân viên của Wildberries
Giai đoạn 2008-2009, thời nước Nga khủng hoảng tài chính còn đồng rúp mất giá, Wildberries vẫn được hưởng lợi nhờ các chương trình giảm giá hút người mua. Các sản phẩm cũng được đa dạng hóa, từ làm đẹp, đồ chơi đến thiết bị gia dụng như lò vi sóng hay máy sinh tố.
Thành công nhờ không đọc sách kinh doanh
Trong một bài phỏng vấn chia sẻ về bí quyết thành công của mình, nữ tỷ phú này cho biết bà không đọc bất kỳ quyền sách kinh doanh nào.
"Nếu tôi đọc sách kinh doanh, có lẽ tôi đã chẳng dám khởi nghiệp đâu vì mọi yếu tố trong sách đều chỉ ra điều bất lợi. Mọi cuốn sách kinh doanh đều nói mô hình thương mại điện tử trong điều kiện nước Nga là không khả thi", Bakalchuk nói. "Chính vì tôi chẳng biết cuốn sách dạy kinh doanh nào nên tôi mới không sợ".
Bí quyết thành công của Tatyana Bakalchuk nằm ở việc bắt đầu kinh doanh từ quy mô nhỏ, chậm mà chắc. Trong khi đó, những doanh nhân từng theo học tại các ngôi trường danh giá như Harvard lại thường nghĩ rằng bạn phải huy động vốn rồi tăng trưởng nhanh nhất có thể.
"Chiến lược này sẽ khiến công ty giống như bức tượng đứng trên đôi chân bằng đất sét. Nó có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào", bà nói.
Theo Financial Times, trong năm 2019, doanh thu Wildberries tăng 88% lên khoảng 3 tỷ USD, qua đó càng khẳng định vị thế của công ty trong một thị trường thương mại điện tử trị giá 30 tỷ USD đang trên đà bùng nổ tại Nga. Lượng đơn đặt hàng mỗi ngày đạt 750.000 đơn, gấp đôi so với một năm trước đó.
Cũng trong năm 2019, Wildberries ước tính chiếm khoảng 4,7% doanh số bán hàng trực tuyến tại Nga, đứng thứ 3 sau Yandex Market và Alibaba của Trung Quốc. Rất khó để 1 trong 3 cái tên này trở nên vượt trội bởi họ đều cung cấp các sản phẩm và mẫu mã giống nhau, song theo báo cáo của Morgan Stanley, Wildberries vẫn được cho là có chỗ đứng vững chắc trong danh mục thời trang. Tính đến năm 2019, công ty đang cung cấp 4 triệu sản phẩm đến từ 35.000 thương hiệu và 26.000 nhà cung cấp khác nhau, trong đó khoảng 45% có xuất xứ ở Nga.
Theo: FT
Trí thức trẻ