Nửa nhiệm kỳ hành động vì doanh nghiệp và trăn trở của Thủ tướng
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay trùng với thời điểm Chính phủ khóa XIV đã trải qua nửa nhiệm kỳ đầu với rất nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết gần nhất vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành – Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, trong số rất nhiều nhiệm vụ, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm cá nhân, tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến rõ nét trong những tháng còn lại của năm 2018.
Nhìn lại, bên cạnh những thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, giai đoạn 2016-2018 đã ghi những dấu ấn đậm nét về quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch và an toàn hơn. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại quy mô lớn với các doanh nghiệp. Qua Hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp khẳng định “doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế”.
Hàng loạt Nghị quyết quan trọng đã được Chính phủ ban hành, như Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, các Nghị quyết số 19 hằng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Thủ tướng cũng có rất nhiều các chỉ thị, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tư những vấn đề vĩ mô cho tới từng vụ việc cụ thể. Trong đó, giới doanh nghiệp vẫn nhắc tới Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới vụ quán cà phê Xin Chào như những điển hình.
Đặc biệt, Chính phủ đã dành ưu tiên rất lớn cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Những nỗ lực này đã được Chính phủ, Thủ tướng liên tục triển khai, bắt đầu từ việc ban hành cùng lúc 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh ở thời điểm 1/7/2016, với nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ.
“Chiến dịch” cắt giảm các điều kiện kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian gần đây, với yêu cầu dứt khoát từ Chính phủ và Thủ tướng. Theo đó, các bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% tổng số điều kiện kinh doanh và 50% mặt hàng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Những nỗ lực này đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, các Bộ, ngành đã xây dựng phương án để đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện và tính đến cuối tháng 9 đã chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện.
Còn trong tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra, cũng tới thời điểm trên, các Bộ đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng và 74 thủ tục, đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng.
Cùng với đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế, tình hình sản xuất, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Trong hai năm 2016 - 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.
Trong 9 tháng năm 2018, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Theo một khảo sát mới đây, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước thời gian qua, mà nổi bật là trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 6,98%, cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011; xuất siêu lập kỷ lục hơn 6 tỷ USD…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn rất nhiều việc phải làm để giải phóng mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, sức sáng tạo của khu vực doanh nghiệp. Bản thân Người đứng đầu Chính phủ cũng không hài lòng với những kết quả đã đạt được. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng đã bày tỏ băn khoăn khi cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao.
Đặc biệt, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chậm cải thiện. “Chúng ta tự hỏi nguyên nhân vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Trên thực tế, các Bộ ngành cần triển khai triệt để hơn các chỉ đạo của Chính phủ. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện tốt nhưng cần làm tốt hơn, còn phải cố gắng nhiều hơn. Đơn cử, số điều kiện kinh doanh cắt giảm mới đạt 30% so với yêu cầu của Chính phủ.
Đó là chưa kể, theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, một số nội dung thay đổi về điều kiện kinh doanh vẫn mang tính hình thức, hơn là mục tiêu vì cải cách, vì doanh nghiệp, chưa thể hiện được thực chất tinh thần “cắt giảm”. Cá biệt vẫn còn Bộ đề xuất ban hành thêm nhiều điều kiện kinh doanh mới, trong đó có không ít những điều kiện vô lý, không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, nhất là các mục tiêu về cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành. Do đó, cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các Bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp mình để thực sự trở thành động lực của phát triển kinh tế như kỳ vọng của Người đứng đầu Chính phủ.
Chinhphu.vn