MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước ASEAN ‘chắc mẩm’ vào BRICS nhưng phút chót đổi ý: Được săn đón nhất lúc này, GDP đánh bật 6 thành viên mới

29-08-2023 - 06:26 AM | Tài chính quốc tế

BRICS đã kết nạp thêm 6 thành viên mới, nhưng không có tên Indonesia.

BRICS đã kết nạp thêm 6 thành viên mới, nhưng không có tên Indonesia.

Chỉ vài ngày trước khi BRICS công bố thành viên mới, người ta vẫn chắc mẩm cái tên này sẽ được xướng lên. GDP của quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn “đánh bật” 6 thành viên vừa gia nhập BRICS.

Sự vắng mặt của Indonesia

Tờ New York Times cho hay, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Nam Phi ngày 24/8, khối các nền kinh tế mới nổi BRICS đã mời thêm 6 nước gia nhập, phần lớn đến từ Trung Đông.

Theo tờ báo Mỹ, danh sách 6 thành viên mới chứa đựng một số bất ngờ, ví dụ như việc bổ sung thêm Iran cùng 3 quốc gia Trung Đông khác là Saudi Arabia, UAE và Ai Cập.

“Đáng nói, Indonesia – vốn được cho là một trong những ứng viên hàng đầu gia nhập BRICS – lại không có tên trong danh sách” – New York Times viết, bày tỏ sự ngạc nhiên.

Trước đó, hôm 23/8 – một ngày trước khi BRICS công bố danh sách 6 thành viên mới, tờ New York Times đã có bài viết dự đoán về 5 ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí thành viên của khối này, trong đó đề cập tới Saudi Arabia, Argentina, Iran, Indonesia và Ai Cập.

Theo New York Times, Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã thúc đẩy Indonesia gia nhập BRICS. Đây là quốc gia Đông Nam Á có dân số khoảng 280 triệu người, đứng thứ 4 thế giới và đã gia nhập nhóm các nước đang phát triển G20.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15. Ảnh: BPMI

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Thứ trưởng thương mại Indonesia Jerry Sambuaga nói với các phóng viên rằng, việc gia nhập BRICS có thể mang lại cơ hội thương mại cho Indonesia, mở ra nhiều cảnh cửa ở Nam Mỹ và châu Phi.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang các nước BRICS đã lên tới 93,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận được Ngân hàng Phát triển mới NDB (do BRICS thành lập) có thể giúp Indonesia thúc đẩy các kế hoạch cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, trong đó có dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara trên đảo Borneo.

Thế lực kinh tế mới của châu Á

Cách đây 6 năm, ngay từ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức tại Hạ Môn (Trung Quốc) năm 2017, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã 3 lần đưa tin Indonesia có khả năng gia nhập khối. Các tín hiệu đều cho thấy BRICS rất coi trọng Indonesia.

Vốn đã nắm vị thế nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia giờ đây được đánh giá sẽ trở thành thế lực kinh tế mới trên một phạm vi rộng lớn hơn, đó là toàn châu Á.

Quốc gia này từ lâu đã được đánh giá cao về triển vọng tài chính. Từ năm 2013, dữ liệu khảo sát do tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sĩ) tiến hành với 14.000 công dân của 8 nền kinh tế thị trường mới nổi đã cho thấy, Indonesia là một thị trường đầy tiềm năng.

Indonesia được đánh giá là thế lực kinh tế mới của châu Á. Ảnh: American Economic Association

Theo phân tích của Credit Suisse, nền kinh tế Indonesia được thúc đẩy bởi mức đầu tư kỷ lục đến từ những doanh nghiệp trong và ngoài nước đang háo hức tìm kiếm thị trường trung lưu để phát triển.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Nga Sergei Khestanov, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá ấn tượng, cho phép so sánh với các nước thành viên BRICS. Việc bổ sung quốc gia Đông Nam Á này vào BRICS sẽ là bước đi hợp lý trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dịch chuyển về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một thập kỷ trôi qua, tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan lên tiếng khẳng định, Indonesia hoàn toàn có thể bắt kịp Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành “thế lực kinh tế mới”.

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia đã đạt 45,6 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử kinh tế quốc gia này và cũng là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới.

Lạm phát giảm xuống còn 4% trong tháng 5/2023, bằng giới hạn trên trong mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) và thậm chí sớm hơn dự kiến của cơ quan này.

Trong quý II/2023, tăng trưởng kinh tế của Indonesia bất ngờ bứt tốc lên mức cao nhất trong ba quý trở lại đây, GDP tăng 5,17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những bước tiến trên càng củng cố cho nhiều dự đoán rằng Indonesia “cầm chắc” vé vào BRICS.

Đáng nói, ngoài tiềm lực kinh tế, quốc gia này còn có sức mạnh quân sự đứng số 1 Đông Nam Á và đứng thứ 13 trên thế giới, theo xếp hạng của Global FirePower 2023. Nếu gia nhập BRICS, quả thực Indonesia có thể khiến khối kinh tế mới nổi như “hổ thêm cánh”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15. Ảnh: BPMI

Đổi ý vào phút chót

“Indonesia – một cái tên quan trọng đã vắng mặt trong danh sách thành viên mới của BRICS” – Ấn phẩm của bne IntelliNews (công ty truyền thông kinh doanh tập trung vào các thị trường mới nổi, thành lập vào năm 2014 tại Berlin, Đức) bình luận.

Theo tờ này, Indonesia là đồng minh và đối tác vững chắc của cả Nga và Trung Quốc nhưng quốc gia Đông Nam Á đã tránh việc vội vã trở thành thành viên BRICS do lo ngại xung đột có thể xảy ra giữa khối các thị trường mới nổi và phương Tây.

Giáo sư quan hệ quốc tế Oliver Stuenkel đến từ Viện nghiên cứu FGV của Brazil cho biết: “Cho tới vài ngày trước, những nguồn theo dõi chặt chẽ các động thái của BRICS vẫn tin rằng việc Indonesia gia nhập khối này gần như là là chắc chắn. Khi xét tới số liệu về GDP, dân số, vị trí địa lý, Indonesia cho thấy họ là lựa chọn hợp lý nhất” .

Thế nhưng, bne IntelliNews dẫn lời ông Anil Sooklal – cố vấn Hội nghị thượng đỉnh BRICS của Nam Phi cho biết, vào phút chót, Indonesia đã yêu cầu không đưa tên mình vào danh sách thành viên mới, lý do là bởi nước này sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay.

Jarkata nói rằng họ muốn tham khảo ý kiến của các thành viên khác trong ASEAN trước khi quyết định, đồng thời mở ra khả năng gia nhập BRICS trong 1-2 năm tới.

Về phần mình, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Nam Phi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết, Indonesia vẫn đang nghiên cứu và cân nhắc xem có tham gia BRICS hay không.

“Chúng tôi không muốn vội vàng” – ông Jokowi nhấn mạnh.

Chuyên gia Jim O'Neill của tổ chức tư vấn Goldman Sachs (người đã sáng tạo cụm từ viết tắt BRIC vào năm 2001, khi Nam Phi chưa gia nhập) cho biết, tiêu chuẩn để gia nhập BRICS rất đơn giản: diện tích lớn, dân số lớn và GDP lớn. Theo tiêu chí này, với dân số 280 triệu người và nền kinh tế có GDP đạt 1.200 tỷ USD, Indonesia dễ dàng đủ điều kiện vào BRICS.

Hiện tại, tăng trưởng kinh tế của Indonesia đang vượt lên trên tất cả các thành viên mới của BRICS bao gồm Argentina (641 tỷ USD), Ai Cập (387 tỷ USD), Ethiopia (156 tỷ USD) Iran (367 tỷ USD) UAE (499 tỷ USD) và thậm chí Saudi Arabia (1.100 tỷ USD).

Theo Vy Lam

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên