MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước châu Á "méo mặt" vì dự án đường tàu do chủ thầu Trung Quốc làm đội vốn 2 tỉ USD, chậm tiến độ nhiều năm

07-09-2021 - 16:36 PM | Tài chính quốc tế

Nước châu Á "méo mặt" vì dự án đường tàu do chủ thầu Trung Quốc làm đội vốn 2 tỉ USD, chậm tiến độ nhiều năm

Dự án xây dựng tuyến đường sắt dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, nhưng hiện tại đã bị lùi tới tháng 11 năm sau.

Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung - một phần của siêu dự án mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh - đang phải đối mặt với chi phí bị đội lên gần 2 tỷ USD và một số thách thức khác, bao gồm cả việc liên lạc không hiệu quả giữa phía Indonesia và Trung Quốc.

Chi phí ước tính của dự án đã tăng lên mức 7,9 tỷ USD, cao hơn so với ngân sách ban đầu khoảng 6 tỷ USD. Lý do là vì có sự thay đổi giá đối với các loại vật liệu và máy móc, cũng như sự chậm trễ do thu hồi đất - nhà điều hành đường sắt quốc doanh Kereta Api Indonesia (KAI) cho biết.

Dự án đường sắt bị trì hoãn

KAI là một phần của tập đoàn Indonesia sở hữu 60% liên doanh Kereta Cepat Indonesia-China (KCIC), một tập đoàn Trung Quốc sở hữu 40% còn lại.

Didiek Haryanto, giám đốc chủ tịch của KAI, nói với quốc hội Indonesia rằng: "Vào tháng 9/2019, đã có những dấu hiệu cho thấy khả năng chi phí bị đội lên nhiều do dự án phải đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ, hơn nữa đại dịch đã bắt đầu hoành hành từ tháng 3/năm ngoái".

"Đây sẽ là gánh nặng cho kho bạc nhà nước... đó chính xác là những gì sẽ xảy ra."

Đây không phải là lần đầu tiên dự án phải đối mặt với chi phí bị tăng cao. Khi Trung Quốc và Indonesia ký thỏa thuận tài trợ vào năm 2016, ngân sách dự tính ban đầu là 5,5 tỷ USD - sau đó chi phí đã tăng lên 6 tỷ USD vào năm 2018. Khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chiếm 75% nguồn vốn, trong khi phần còn lại là từ vốn chủ sở hữu ban đầu của KCIC.

Nước châu Á méo mặt vì dự án đường tàu do chủ thầu Trung Quốc làm đội vốn 2 tỉ USD, chậm tiến độ nhiều năm - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dự kiến sẽ cắt giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống còn 46 phút. Ảnh: Xinhua

KAI cho biết họ đang tìm cách cơ cấu lại khoản vay với công ty cho vay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, mặc dù giám đốc tài chính và quản lý rủi ro Salusra cho biết điều này sẽ "thực sự khó khăn" vì tập đoàn Indonesia vẫn chưa hoàn thành vốn cơ bản cho dự án.

Bất chấp những thách thức này, các nhà phân tích cho rằng dự án khó có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương thân thiết giữa Jakarta và Bắc Kinh.

Ple Priatna, một cựu quan chức ngoại giao Indonesia từng làm việc tại Bắc Kinh, cho biết: "Tất cả những vấn đề này đều mang tính bản địa hóa và kỹ thuật, chẳng hạn như thiếu kinh phí và thiếu thông tin liên lạc. Nếu không có dự án này, mối quan hệ của Indonesia và Trung Quốc cũng đã rất bền chặt. Nền kinh tế của Indonesia phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

"Tuy nhiên, nếu dự án bị đình trệ, hình ảnh của Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi ông là người lựa chọn nhà thầu Trung Quốc vào năm 2015 thay vì nhà thầu đối thủ tới từ Nhật Bản. Dư luận Indonesia vào thời điểm đó đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc này", Hikmahanto Juwana, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Indonesia, cho biết.

"Với việc dự án bị chậm tiến độ như vậy, công chúng có thể nghĩ rằng đó là quyết định sai lầm", ông Hikmahanto nói và cho biết thêm rằng số phận của tuyến đường sắt cao tốc cũng sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng Indonesia đối với Trung Quốc.

"Việc chậm tiến độ sẽ khiến công chúng thấy rằng hợp tác với Trung Quốc không bao giờ suôn sẻ. Ngày nay, nhiều dự án ở Indonesia được tài trợ bởi Trung Quốc, chẳng hạn như nhà máy luyện niken. Nếu những dự án này thất bại, công chúng sẽ đổ lỗi cho chính phủ."

Giải pháp của Indonesia

Chính phủ Indonesia muốn sử dụng 4,1 nghìn tỷ rupiah (287,5 triệu USD) quỹ chính phủ vào năm tới để chi trả một phần cho chi phí bị đội lên của dự án. Trong khi đó, KAI tiết lộ tại buổi điều trần rằng tập đoàn Indonesia vẫn chưa thanh toán khoản góp vốn cơ bản bắt buộc trị giá 4,3 nghìn tỷ rupiah cho KCIC.

"Trong một thỏa thuận kinh doanh, thông thường chúng tôi đặt cọc số vốn cơ bản trước khi đi sâu vào thảo luận kinh doanh, nhưng chúng tôi thậm chí còn chưa hoàn thành điều đó", Salusra Wijaya, giám đốc tài chính và quản lý rủi ro tại KAI, phát biểu tại phiên điều trần.

Tập đoàn Indonesia được yêu cầu đóng góp khoảng 11 nghìn tỷ rupiah (773,5 triệu USD) vào liên doanh, bao gồm khoản thanh toán bằng tiền mặt 4,3 nghìn tỷ rupiah và phần còn lại bằng tài sản như đất đai. Cho đến nay, phía Trung Quốc đã trả 394 triệu USD, tương đương 65% khoản đóng góp tiền mặt 607 triệu USD cần thiết cho vốn chủ sở hữu cơ bản của dự án, theo KCIC.

Salusra cho biết các công ty Indonesia đã tìm cách lùi thời hạn góp phần vốn góp cơ bản của họ từ tháng 12 năm ngoái sang tháng 5 năm nay, nhưng "phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời yêu cầu của chúng tôi".

Phần lớn chi phí bị đội lên có thể do các công ty nhà nước của Indonesia - với tư cách là cổ đông chính trong dự án - gánh chịu. Tập đoàn Indonesia, được gọi là Pilar Sinergi BUMN Indonesia (PSBI), bao gồm công ty xây dựng Wijaya Karya, KAI, công ty điều hành đường cao tốc Jasa Marga và công ty trồng rừng PTPN 8.

Đối tác Trung Quốc của họ, Beijing Yawan HSR, là tổ hợp nhóm công ty Đường sắt Trung Quốc Quốc tế, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, Sinohydro, CRRC, công ty Thông tin và Liên lạc Đường sắt Trung Quốc.

"Chính phủ Indonesia và các công ty nhà nước tài trợ cho dự án hiện đang đàm phán để tìm một nguồn tài trợ trả cho chi phí tăng thêm", Mirza Soraya, thư ký công ty KCIC, cho biết.

Mirza nói: "Chi phí vượt quá là do vấn đề trong việc thu hồi đất, di dời các công trình công cộng và xã hội, chi phí tài chính và các công việc khác. KCIC vẫn đang cố gắng giảm thiểu điều này thông qua đàm phán với các nhà thầu".

Trong phiên điều trần tại quốc hội Indonesia, đại diện Didiek của KAI cũng cho biết thông tin liên lạc giữa các tập đoàn Indonesia và Trung Quốc "không suôn sẻ". Ông cho rằng chuyên môn của nhà tài trợ chính Wijaya Karya là trong lĩnh vực xây dựng hơn là đường sắt.

KAI cho biết tuyến đường sắt dài 142,3 km nối Jakarta và thành phố Bandung ở Tây Java đã hoàn thành 78% vào giữa tháng 8.

Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến sẽ cắt giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố xuống còn 46 phút, giảm hơn nhiều so với thời gian đi ô tô kéo dài hai giờ. Jakarta đang tìm cách hoàn thành dự án vào tháng 11 năm sau, khi nước này tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20. Ban đầu dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào cuối năm nay.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên