Nước có đập thủy điện 3 lần phá kỷ lục đập Tam Hiệp: Sức chứa gấp 3 lần hồ Hòa Bình, giá điện là bất ngờ lớn nhất
Lượng sắt thép dùng để tạo kết cấu cho đập Itaipu đủ để xây 380 tòa tháp Eiffel ở Pháp.
Đập thủy điện này có thể xem là "kỳ phùng địch thủ" của đập Tam Hiệp (Trung Quốc).
- 24-07-2023Ngập nợ vì vay tiền qua app mua vé BlackPink: Mặt trái của fintech ở quốc gia Đông Nam Á ngay gần Việt Nam
- 24-07-2023Chứng khoán trên đà tăng kỷ lục, liệu FED có chấm dứt tăng lãi suất?
- 24-07-2023Đâu là gốc rễ khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khó?
Theo Power Technology, đập thủy điện Itaipu là đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới về công suất lắp đặt, nằm ở biên giới giữa Brazil và Paraguay. Cái tên Itaipu theo tiếng thổ dân da đỏ nghĩa là “hòn đá biết hát”.
Con đập này do liên doanh Itaipu Binacional thuộc quyền sở hữu của cả chính phủ Brazil và Paraguay vận hành, nhưng trong các bảng xếp hạng đập thủy điện, Itaipu lại thường được giới thiệu nhiều hơn như một con đập nổi tiếng của Brazil.
Trữ lượng hồ chứa gấp 2.000 lần trữ lượng nước Tây Hồ
Đập thủy điện Itaipu được khởi công vào tháng 2/1971 trên sông Paraná với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 20 tỷ USD. Trong đập có 20 tổ máy phát điện, với công suất 700MW mỗi tổ.
Xét về quy mô, Itaipu là một công trình đồ sộ. Con đập với chiều dài 7.919 mét, chiều cao tối đa 196 mét (tương đương tòa nhà 65 tầng) tạo nên hồ thủy điện dài 170km với sức chứa 29 tỷ mét khối nước, gấp hơn 2.000 lần trữ lượng nước của Tây Hồ ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Dung tích của hồ chứa đập Itaipu cũng gấp hơn 3 lần so với sức chứa hồ Thủy điện Hòa Bình (9,45 tỷ mét khối) và hồ Thủy điện Sơn La (9,26 tỷ mét khối) của Việt Nam.
Vào thời điểm thi công, công trường đã phải huy động tới 30.000 công nhân. Theo CNBC, lượng sắt thép dùng để tạo kết cấu cho con đập Itaipu đủ để xây 380 tòa tháp Eiffel ở Pháp, trong khi lượng bê tông đủ để xây 210 sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro.
Ngoài khả năng cung cấp điện lớn cho Brazil và Paraguay, Itaipu còn được Hiệp hội kỹ sư cầu đường Mỹ công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại và trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách.
Ba lần phá vỡ kỷ lục của đập Tam Hiệp
Theo các chuyên gia của Itaipu, đập Tam Hiệp (Trung Quốc) có công suất lắp máy lớn hơn (22.500 MW) nhưng lại cho sản lượng thấp hơn 10% so với Itaipu.
Tương tự như sông Dương Tử cung cấp nước cho đập Tam Hiệp, sông Paraná có lưu lượng chảy lớn nhưng ổn định hơn, cho phép Itaipu phát điện quanh năm với công suất lớn.
Ước tính lượng điện hàng năm của Itaipu đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Paraguay trong 8 năm, của Brazil trong 79 ngày.
Tính đến năm 2016, Itaipu đã có ít nhất 3 lần vượt qua kỷ lục của đập Tam Hiệp về sản lượng điện.
Cụ thể, theo hãng thông tấn Cihan, đập Tam Hiệp lập kỷ lục với sản lượng điện 98,1 triệu MWh vào năm 2012 nhưng sau đó Itaipu đã nhanh chóng “soán ngôi” với 98,63 triệu MWh điện vào năm 2013.
Tiếp đó, vào năm 2015, Itaipu đã sản xuất tổng cộng 89,2 triệu MWh điện, nhiều hơn 2,6% so với sản lượng của đập Tam Hiệp. Đây là bước lội ngược dòng của Itaipu so với kết quả năm 2014, trong đó đập thủy điện của Brazil – Paraguay tụt xuống sau đập Tam Hiệp do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nước ở Brazil.
Năm 2016, Itaipu đạt sản lượng điện lên tới 103.098.366 MWh, tiếp tục vượt qua đập Tam Hiệp để lập kỷ lục thế giới.
Brazil mua điện giá rẻ nhưng bán ra lại rất đắt
Theo thỏa thuận liên doanh ban đầu giữa Brazil và Paraguay, mỗi nước sẽ được hưởng 50% sản lượng điện của đập Itaipu. Tuy nhiên, Paraguay chỉ có nhu cầu sử dụng rất nhỏ, họ bắt buộc phải bán lượng điện không tiêu thụ hết cho Brazil theo giá sản xuất.
Quy định này sau đó đã gây tranh cãi giữa hai nước bởi Paraguay cảm thấy bị thua thiệt, họ muốn bán điện với giá thương mại sang Brazil và các thị trường khác. Trong năm 2012, Paraguay chỉ thu được 374 triệu USD từ việc bán sản lượng dư thừa khổng lồ sang nước láng giềng.
Mua được điện với giá rẻ là vậy nhưng có tại Brazil lại tồn tại một nghịch lý: Đây là một trong những nước có giá điện cao nhất thế giới. Theo tờ The Brazil Business, giá điện tại Brazil có giai đoạn thậm chí cao hơn cả một số nước phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ.
Mặc dù hiện nay, Brazil đã giảm sự phụ thuộc vào thủy điện nhưng 65% sản lượng điện của quốc gia này vẫn đến từ các đập thủy điện. Một số ý kiến cho rằng giá điện tại Brazil cao là do các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào lượng mưa, trong khi lượng mưa lại thay đổi thất thường do biến đổi khí hậu. Năm 2021, cuộc khủng hoảng nước ở Brazil đã đẩy giá điện tăng tới 6,78%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng lý do thực sự nàm ở sự yếu kém trong việc quản lý các hồ thủy điện.
Theo thống kê của Global Petro Prices, tháng 12/2022, giá bán lẻ điện (cho hộ sinh hoạt) tại Brazil là 0.171 USD/kWh, tương đương hơn 4.000 đồng một số điện. Trong khi đó, giá bán lẻ điện tại Trung Quốc là 0.076 USD/kWh (1.799 đồng), Việt Nam là 0.079 USD/kWh (1.870 đồng).
Theo số liệu từ Cục thống kê lao động Mỹ, vào tháng 6/2022, giá bán lẻ điện trung bình tại Mỹ (cho hộ sinh hoạt) là 0.160 USD/kWh (3.787 đồng). Ở một số khu vực như thành phố Seattle, giá điện xuống còn 0.118 USD/kWh (2.792 đồng).
Nhịp Sống Thị Trường