Nước đi tưởng đúng mà sai, Trung Quốc vô tình "biếu không" cho Việt Nam nguồn lợi sản xuất khổng lồ
Tập trung phát triển công nghệ cao như xe điện, Trung Quốc để tuột mất "miếng bánh" thuộc những ngành công nghệ thấp vào tay Việt Nam.
- 05-08-2024Xanh hóa chuỗi sản xuất dệt may đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
- 05-08-20247 tháng, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm
- 31-07-2024Xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng vọt
Công nghệ cao lên cao, "công nghệ thấp" xuống thấp
Tại một nhà máy nằm trong trung tâm sản xuất của Trung Quốc, công nhân đang tự tay vẩy sơn, kim tuyến vào sản phẩm tranh in hình bông hoa, những thay đổi nhỏ giúp họ cứu vãn lợi nhuận đang giảm sút do nhu cầu thế giới suy thoái.
"Nếu muốn hướng tới dòng sản phẩm cao cấp, những bức tranh có chất lượng tốt hơn, bạn càng phải tăng thêm nét cổ điển cho chúng. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay... chúng tôi bán càng nhiều thì giá lại càng thấp", Wang Xiaosha, tổng giám đốc tập đoàn Fujian Jie Ao Industrial có trụ sở tại Phúc Kiến, nói với FT.
Trung Quốc trong những năm gần đây định hướng nền kinh tế tập trung vào "lực lượng sản xuất chất lượng mới" - như công nghệ xanh và xe điện. Nhưng khi công nghệ cao được đẩy mạnh, các ngành công nghệ thấp ở nước này đang lao đao.
Các nhà máy truyền thống là xương sống cho sự tăng trưởng bùng nổ của đất nước và là một trong những nguồn tạo ra việc làm nhiều nhất. Nhưng các nhà máy này đang ngày càng phải vật lộn với lượng đơn đặt hàng ít ỏi từ khách hàng phương Tây, các hạn chế thương mại ở thị trường nước ngoài và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các trung tâm đối thủ, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia, cũng như Bangladesh và Ấn Độ.
Là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, cũng như là nhà sản xuất đồ chơi và đồ nội thất lớn, "Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất hàng hóa thâm dụng lao động lớn", Fred Neumann, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á tại HSBC cho biết.
Trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ có chi phí thấp hơn, "những ngành công nghiệp này đang phải bám vào bờ vực bằng móng tay của mình".
Theo báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Mỹ, hàng may mặc, giày dép và đồ nội thất chiếm 9% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm ngoái, giảm so với mức 20% của năm 2001. Ngược lại, tỷ trọng ô tô và máy móc trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 16 lên 33% trong cùng kỳ.
Thị phần của Trung Quốc trong doanh số bán giày dép và quần áo toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây, với thị phần cung ứng chung cho các thương hiệu Nike và Adidas giảm từ 20-27% vào năm 2017 xuống còn 16-20% vào năm 2022, theo báo cáo của BofA.
Mặc dù vẫn là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, thị phần xuất khẩu giày dép toàn cầu của Trung Quốc đã giảm hơn 10% trong thập kỷ qua, theo số liệu từ Niên giám giày dép thế giới năm 2023.
Phần lớn thị phần nói trên đã chuyển sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Việt Nam, báo cáo cho biết thêm. Việt Nam, hiện là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, là nước hưởng lợi lớn nhất, với thị phần tăng từ 2% lên khoảng 10%.
Công nghệ cao không thể cứu vãn
Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn khi không thể từ bỏ các ngành sản xuất truyền thống dù công nghệ cao là tương lai và đã có nhiều thành tựu.
Chuyên gia Neumann của HSBC cho biết bất kỳ sự thoái lui nào của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động đều có thể dẫn đến mất việc làm, đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh muốn tránh.
"Phần lớn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn là sản phẩm trung bình đến thấp... bạn cần những nhà máy sản xuất sản phẩm thâm dụng lao động này ở đó", ông nói.
"Khung tư duy của các nhà hoạch định chính sách là không chỉ thống trị xe điện hay công nghệ tiên tiến hoặc có ngành công nghiệp bán dẫn trong nước mà còn phải duy trì năng lực sản xuất ở mọi loại hàng hóa, ngay cả cấp thấp hơn".
Các nhà máy giày và dệt may, từ những nhà máy cao 12 tầng trở lên đến những công trình giống như nhà kho bằng kim loại có mái bằng thép, nằm dọc các con phố của Tấn Giang, một thành phố công nghiệp ở Phúc Kiến. Thành phố này là nơi có những nhà sản xuất giày lớn như Anta cũng như là trung tâm "một cửa" lớn nhất thế giới về hàng dệt may giày thể thao.
Lai Mingquan, người điều hành Shenglong Microfibre, nhà bán buôn trong khu phức hợp, cho biết trong khi chương trình thúc đẩy xe điện công nghệ cao của Trung Quốc giúp tạo ra nguồn nhu cầu cho da tổng hợp dùng trong nội thất ô tô, nhu cầu trong và ngoài nước vẫn còn yếu khiến các nhà máy khó có thể áp dụng hoàn toàn các công nghệ mới nhất.
"Để tự động hóa, đối với một nhà máy, phải đạt đến một khối lượng đơn hàng nhất định", ông nói. "Nhưng hiện tại, một số đơn hàng ở Trung Quốc không lớn như vậy".
Yang Xian'an, giám đốc bán hàng tại BoBang, nhà sản xuất sợi da lộn, cho biết trong khi ngành sản xuất vải tổng hợp ngày càng cạnh tranh gay gắt, các đơn đặt hàng mới ra nước ngoài đã giảm kể từ khi dịch bệnh kết thúc. "Trong ngành này... năm nào cũng tệ hơn năm trước", ông nói.
Zhang Xinglou, giám đốc bán hàng tại Jia Yi Plastic Products, nơi sản xuất hàng phụ trợ cho giày dép cũng phàn nàn về nhu cầu giày dép trong và ngoài nước giảm đã tác động mạnh đến các công ty của mình.
"Công nghệ cao chỉ như muối bỏ bể", ông nói. "Một nhà máy sản xuất rất nhiều sản phẩm trong một ngày, và có rất nhiều nhà máy, nơi nào cũng đầy ắp nhà máy. Làm sao mà công nghệ có thể hỗ trợ được hết", ông tự hỏi.
Trở lại Jie Ao Industrial, một tấm biển treo trên lối vào của một nhà kho có dòng chữ: "Đổi mới là gốc rễ, chất lượng là sự sống".
Nhưng với nhu cầu giảm sút và khách hàng chỉ chăm chăm mặc cả để có giá thấp hơn, công ty phải cắt giảm một nửa số lượng thợ sơn khoảng 300 người, tổng giám đốc Wang cho biết.
"Đối với các doanh nghiệp truyền thống như chúng tôi, thực tế có rất nhiều trở ngại".
Đời sống & pháp luật