MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn

13-09-2023 - 15:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn

Lãi suất cao luôn là "miếng bánh" hấp dẫn nhất mà thường các công ty muốn huy động vốn sử dụng để lôi kéo nhà đầu tư.

Tìm kênh đầu tư sinh lời từ tiền nhàn rỗi là nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu này để giăng những chiếc bẫy huy động vốn. Và chỉ khi doanh nghiệp mất khả năng chi trả thì người góp vốn mới vỡ lẽ - ngay từ đầu, họ đã bị chọn là "nạn nhân mất tiền".

Hơn 1.000 tỉ đồng của khách hàng bốc hơi vì tiền nằm ngoài sự ghi nhận

Tìm kiếm các kênh đầu tư để sinh lời cho khoản tiền nhàn rỗi. Đó luôn là nhu cầu kiếm tiền chính đáng của người dân. Thế nhưng, đã có không ít đơn vị lợi dụng vào nhu cầu đó, lập nên nhiều khoản huy động vốn núp bóng dưới nhiều hình thức đầu tư để kêu gọi số tiền lớn từ người dân. Chỉ đến khi mô hình này sụp đổ, doanh nghiệp không còn khả năng chi trả, sự việc mới vỡ lở. Các nhà đầu tư lúc này với vỡ lẽ, ngay từ đầu, mình đã được chọn để làm nạn nhân chứ không phải để làm khách hàng.

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn - Ảnh 1.

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn - Ảnh 2.

Rất nhiều người đã gửi hàng tỷ đồng vào công ty cổ phần tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam. Nhưng giờ, số tiền của họ đang có nguy cơ mất trắng khi doanh nghiệp tuyên bố mình không có khả năng chi trả.

Năm đầu tiên lãi vẫn tốt. Đến tháng 5 không nhận được tiền, lúc bấy giờ nhiều người mới đến nơi trao đổi, ngã ngửa ra rằng bắt đầu từ hôm nay trở đi, nguồn sống đều đặn hàng tháng của gia đình sẽ không còn nữa.

Và điều khiến họ càng trở nên hoang mang, là khi Tổng Giám đốc đương nhiệm của công ty khẳng định: Doanh nghiệp không biết toàn bộ số tiền khách hàng gửi vào đang ở đâu và đã được dùng vào việc gì.

Hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam đang không còn tiền để chi trả đúng hẹn cho các nhà đầu tư. Toàn bộ số phần huy động vốn này hầu như đều để ngoài sự ghi nhận của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, tập đoàn này đã huy động được hơn 1 nghìn tỉ đồng của 463 khách hàng dưới hình thức chào bán cổ phần với lãi suất khoảng 12%/ năm. Và nay, chỉ khi sự việc vỡ lở, nhiều chi tiết bất thường mới được vỡ lẽ.

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn - Ảnh 3.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho biết: "Đây là hình thức huy động vốn phi chính thức và không đúng với quy định của luật doanh nghiệp. Cho nên cái rủi ro nó là rất lớn. Và cái rủi ro đấy nó đến với những người bỏ tiền ra, những nhà đầu tư và nhà đầu tư phải gánh chịu".

Sen Tài Thu vốn nổi tiếng là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không phải là một tổ chức tín dụng, nhưng lại huy động vốn dưới vỏ bọc mua cổ phần. Và mặc dù đã mất khả năng chi trả từ đầu năm nay, nhưng nhiều tháng sau, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hành vi huy động vốn.

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn - Ảnh 4.

Từ sau tuyên bố mất khả năng chi trả, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu đã có vài cuộc đối thoại trực tiếp với khách hàng. Đa phần câu hỏi chỉ xoay quanh việc bao giờ những người đã bỏ tiền vào đây nhận được tài sản của họ. Câu trả lời luôn là chưa có, nên phần lớn thời gian cũng chỉ là cuộc trò chuyện của những người tự dưng trở thành nhà đầu tư.

Lý do nhiều người nhận "trái đắng" khi tin theo huy động vốn

Đã có nhiều bài học nhãn tiền từ việc người dân mất tiền khi tham gia vào chiêu trò huy động vốn của các doanh nghiệp từng xảy ra trước đây.

Như năm ngoái là sự việc Nguyễn Thái Luyện, CEO Alibaba lừa hơn 4.300 người tham gia hợp tác đầu tư hợp tác kinh doanh vào các bất động sản "ma", chiếm đoạt số tiền 2.264 tỉ đồng. Và gần đây nhất là việc cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã vừa ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam. Bà Thúy bị tạm giữ về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn - Ảnh 5.

Lãi suất cao luôn là "miếng bánh" hấp dẫn nhất mà thường các công ty muốn huy động vốn sẽ sử dụng để lôi kéo nhà đầu tư. Ví dụ như trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam. Theo lời giới thiệu là sản xuất và phân phối chủ đạo các sản phẩm liên quan đến chè.

Với lãi suất trả cho người góp vốn được quảng cáo từ 20 tới 30%/năm. Nhưng sau hơn 1 năm nay, tất cả các nhà đầu tư vào công ty này không được trả cả gốc lẫn lãi. Hiện, người đứng đầu công ty thì lẩn tránh, không gặp mặt và đối thoại với các nhà đầu tư. Không có lời giải thích hay cam kết nào được đưa ra. Đặc biệt, các cơ sở, địa điểm được cho là nhà máy sản xuất hay vùng nguyên liệu trước đây công ty tự quảng bá về mình thì nay cũng không còn gì.

Nước mắt nhà đầu tư sập bẫy huy động vốn - Ảnh 6.

Rõ ràng đã có nhiều bài học nhãn tiền cảnh báo người dân cần thận trọng tham gia vào các hành vi huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau, thế nhưng vẫn có quá nhiều người nhận trái đắng. Dù mỗi sự việc đều có những tình tiết khác nhau, nhưng lý do khiến nhiều người dân rơi vào cảnh mất tiền trong những câu chuyện kiểu này đa phần lại đều có những điểm chung.

"Nhà đầu tư phải tỉnh táo. Tiền của ai người đấy phải lo mà giữ. Đấy là nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng rõ ràng là về phía quản lý của cơ quan Nhà nước cũng cần phải có sự vào cuộc để từ đó chúng ta có những quy định phù hợp", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế khẳng định.






Theo Hồng Anh, Vương Cơ

VTV.VN

Trở lên trên