MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ hứng chịu “nhục nhã” sau cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Hillary Clinton

12-10-2016 - 07:57 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2 giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ phe Dân chủ Hillary Clinton được đánh giá là sự nhục nhã của nước Mỹ, điều khiến Washington bị thế giới chê cười trong nhiều năm tới.

Trong cuộc tranh luận thứ 2, Donald Trump trả lời câu hỏi về việc tự hào khi sờ mó phụ nữ bằng cách lái sang chủ đề lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), thừa nhận sử dụng khoản lỗ gần 1 tỷ USD để được miễn thuế và đe dọa bỏ tù đối thủ nếu ông trở thành tổng thống. Trong cuộc tranh luận, hai ứng viên chủ yếu đả kích lẫn nhau và chọn cách trả lời vòng vo, né tránh thay vì nhìn thẳng vào sự thật, The Week đưa tin.

Ngạc nhiên hơn, phần mạch lạc nhất của cuộc tranh luận lại là chính sách ngoại giao, điều vốn không thường thấy trong các cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tổng thống Mỹ các nhiệm kỳ trước đó. Tuy nhiên, việc này đẩy cuộc tranh luận vào thảm họa toàn diện. Từ câu hỏi không được đánh giá cao tới những câu trả lời của những người sẽ trở thành ông hoặc bà chủ của Nhà Trắng khiến nước Mỹ bị cả thế giới chê cười.

Câu hỏi về chính sách đối ngoại thực sự duy nhất là về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, tập trung vào vấn đề nước Mỹ đã làm đủ để ngăn chặn nó. Trong bối cảnh vô cùng điển hình cho các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Mỹ, người ta không hỏi Mỹ sẽ đưa quan tham chiến ở Syria hay không mà lại hỏi bao nhiêu quân thì phù hợp và giả định càng nhiều quân càng tốt.

Tương tự như vậy, danh sách những điều không được đề cập còn là cuộc chiến của Ả Rập Xê Út ở Yemen mà người Mỹ hậu thuẫn. Hơn một năm rưỡi qua, Ả Rập Xê Út chia cắt Yemen bằng các hành động phong tỏa từ trên không và can thiệp quân sự với vũ khí do người Mỹ cung cấp, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.


Những chỉ trích cá nhân chiếm tới hơn 1/3 thời lượng cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2 giữa các ứng viên tổng thống Mỹ.

Những chỉ trích cá nhân chiếm tới hơn 1/3 thời lượng cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2 giữa các ứng viên tổng thống Mỹ.

Mới hôm 8/10, một cuộc không kích của Ả Rập Xê Út nhằm vào đám tang ở thủ đô Sana’a của Yemen đã làm 100 người thiệt mạng, thổi bùng các cuộc biểu tình giận dữ trên khắp đất nước. Mỹ nhanh chóng công bố họ sẽ xem xét lại chính sách hỗ trợ, điều có thể giúp kết thúc các cuộc không kích. Tuy nhiên, người Mỹ cho rằng sự việc này diễn ra quá nhanh và các ứng viên tổng thống chưa kịp cập nhật vào chương trình tranh luận của mình.

Trở lại câu hỏi về những gì đang diễn ra ở Syria, Trump chỉ trích cách chính quyền Obama đang làm đồng thời đề cao vai trò của chính quyền tổng thống Bashar al-Assad cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống IS cũng như đảm bảo hòa bình cho Syria. Với các nước phương Tây, Assad là kẻ độc tài và việc thỏa thuận với Assad là điều các đồng minh của Mỹ và ngay cả chính quyền Obama không thể chấp nhận.

Không chỉ riêng ông Donald Trump, bà Hillary cũng có những sai lầm. Cựu ngoại trưởng Mỹ cho rằng Washington nên thiết lập vùng cấm bay ở Syria và bàn tính tới việc vũ trang cho lực lượng chiến binh người Kurd. Tuy nhiên, người Kurd không thực sự cần vũ khí mà cần giải quyết những vấn đề về ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ khi hai bên luôn coi nhau là kẻ thù dù đều là đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, việc thiết lập vùng cấm bay ở Syria có thể gây thêm căng thẳng với Nga, khiến Điện Kremlin gia tăng các hành động trên thực địa.

Clinton không đồng tình với việc đưa quân đội Mỹ vào Syria nhưng ngay lập tức ủng hộ điều các lực lượng chiến đấu đặc biệt của Mỹ vào quốc gia Trung Đông này. Lực lượng chiến đấu đặc biệt thực chất vẫn là một phần của quân đội Mỹ.

Trong khi đó, cả bà Clinton và ông Trump đều không nêu ra những nguy hiểm đằng sau việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết ở Syria. Không ai trong số hai ứng viên có câu trả lời thông minh nhằm giúp Mỹ tránh bị kéo vào vũng lầy xung đột ở Syria sau những bài học cay đắng mà họ học được ở Iraq, Libya hay Yemen.

Dù bà Clinton đưa ra những chính sách chuyên nghiệp hơn nhưng đó chỉ là những điều mà một chính trị gia bình thường của Mỹ có thể làm. Nó chưa thực sự xứng đáng với một tổng thống Mỹ. Trong khi đó, Trump tỏ rõ sự trẻ con và thiếu chín chắn. Ông ta còn đe dọa cho đối thủ vào tù, điều trà đạp lên nền dân chủ của nước Mỹ. Đơn giản, Donald Trump thực sự không phù hợp để làm tổng tư lệnh của quân đội hùng mạnh nhất thế giới.

Linh Anh

Tài chính Plus

Trở lên trên