Nước Mỹ và công cuộc 'cai nghiện dầu mỏ': Mỗi ngày xả 1 triệu thùng trong kho dự trữ chỉ như muối bỏ biển, tham vọng soán ngôi 'vua dầu thô' liệu có thành?
Cơn khát dầu của Mỹ đang khiến người dân gặp ác mộng vì thiếu vắng Nga trên thị trường nhiên liệu.
- 26-03-2022Các 'ông trùm' dầu mỏ đồng loạt cảnh báo giá dầu thô vượt 200 USD/thùng ngay năm nay
- 26-03-2022Giá nhiêu liệu nóng lên từng ngày nhưng các ông lớn dầu mỏ Mỹ vẫn “thờ ơ”: Dầu khí là ngành đang chết dần và phải bị loại bỏ?
- 25-03-2022Tỷ phú, chủ tịch công ty dầu mỏ suýt phá chiếc xe đua trị giá 15 triệu USD vì đổ xăng nhầm
Theo tờ Politico, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có động thái chống lại đà tăng giá xăng nhằm ổn định tình hình thị trường đang biến động mạnh do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cụ thể, Mỹ sẽ mở kho dự trữ chiến lược để bơm 180 triệu thùng dầu để kìm hãm giá xăng bình quân 4,43 USD/gallon (3,8 lít), mức cao kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ.
Báo cáo phân tích của Lundberg Survey cho thấy mức giá xăng trên đã vượt qua mốc cao kỷ lục 4,11 USD/gallon của tháng 7/2008. Tuy nhiên nếu tính theo lạm phát, mức giá xăng của năm 2008 sẽ bằng 5,3 USD/gallon hiện nay.
Giá xăng dầu quá nóng tại Mỹ vì thiếu Nga
Dẫu vậy, hãng tin CNBC cho biết nhiều khu vực tại Mỹ đã phải nâng giá xăng lên đến hơn 6 USD/gallon trước tình hình bất ổn hiện nay.
Mặc dù giá xăng đã giảm nhẹ sau thông báo của Tổng thống Biden ngày 31/3/2022, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo đây chỉ là tạm thời bởi 180 triệu thùng dầu chẳng đáng là bao so với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Muối bỏ biển
Quyết định xả 180 triệu thùng dầu đã là lần thứ 3 Mỹ phải mở kho dự trữ chiến lược trong 5 tháng qua và là đợt xả lớn nhất trong lịch sử. Bình quân mỗi ngày, kho dự trữ chiến lược của Mỹ sẽ xả khoảng 1 triệu thùng dầu trong 6 tháng tới nhằm bình ổn thị trường, tương đương 5% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu mỗi ngày của nước này.
Theo Tổng thống Biden, quyết định này có thể giảm 10-35 cent giá xăng nhưng không phải trong vài ngày hay vài tuần mà cần thời gian lâu hơn để nguồn cung phủ sóng thị trường.
Xin được nhắc là thế giới đang tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu/ngày, riêng Mỹ là 20 triệu thùng/ngày và con số 1 triệu thùng/ngày trên chỉ là muối bỏ biển. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) từng cảnh báo sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm gấp 3 lần từ mức gần 8 triệu thùng/ngày trước khi xung đột ở Ukraine diễn ra, qua đó để lại lỗ hổng cực lớn trên thị trường và đẩy giá nhiên liệu tăng mạnh hơn nữa.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Biden, giá dầu thô WTI của Mỹ đã giảm hơn 7 USD/thùng xuống gần 100 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 124 USD/thùng đầu tháng 3/2022. Dẫu vậy các chuyên gia như Rachel Ziemba thuộc Trung tâm CNAS nhận định động thái này chỉ trì hoãn đà tăng giá dầu chứ không thực sự giải quyết được vấn đề.
Đồng quan điểm, nghị sĩ Richard Blumenthal cho biết: "Liệu chúng có giải quyết được vấn đề hay không? Không hề. Liệu chúng có giúp ích được không? Có lẽ. Chúng sẽ giúp ích được bao nhiêu? Chúng ta không thể biết rõ được."
Bên cạnh việc tuyên bố xả kho dự trữ dầu mỏ, Tổng thống Biden còn chỉ trích những công ty khai thác không chịu gia tăng sản lượng, khiến người dân phải trả nhiều tiền hơn trong bối cảnh lạm phát phi mã vì giá dầu đi lên.
Sự tức giận của Tổng thống Biden là có cơ sở khi ngành khai thác dầu Mỹ chỉ bơm khoảng 11,7 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn 10% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, bất chấp giá dầu đang tăng mạnh.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thiếu thốn nhân công, trang thiết bị, chi phí vận tải cùng nhiều thứ khác lên cao khiến lợi nhuận từ giá dầu bị xói mòn, trở nên không hấp dẫn như nhiều người nghĩ.
"Việc hối thúc các nhà khai thác tăng sản lượng là một quyết định không nhìn từ lợi nhuận chủ doanh nghiệp, thay vào đó chúng chỉ đem lại thêm phiếu bầu và sự ủng hộ từ người dân. Tại sao các CEO hãng khai thác dầu lại phải làm điều đó khi họ không gia tăng được thêm lợi ích cho cổ đông chứ?", giáo sư Ed Hirs của trường đại học Houston cười nói.
Hãng tin Bloomberg cho hay một số tập đoàn lớn như Exxon Mobil hay Chevron đã đồng ý gia tăng sản lượng khai thác tại những mỏ dầu Mỹ nhưng họ lại giảm sản lượng ở các mỏ cũ tại những thị trường khác. Hậu quả là dù sản lượng dầu tại Mỹ có tăng đi chăng nữa thì chênh lệch cung cầu trên thế giới vẫn còn đó và giá nhiên liệu vẫn chẳng thể đi xuống trong dài hạn.
Ám ảnh "Cơn khát dầu"
Tờ Politico cho rằng Tổng thống Biden đang phải chịu áp lực cực lớn khi từng tuyên bố sẽ chấm dứt cơn khát dầu của nước Mỹ, thúc đẩy mảng năng lượng sạch cũng như xe điện. Thế nhưng việc giá xăng tăng đã khiến hàng loạt nghị sĩ chỉ trích các bước đi của Nhà Trắng bởi đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát đạt tới 5,4% trong tháng 2/2022, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đà tăng giá của mọi thứ đã khiến người dân Mỹ cảm nhận được áp lực của thị trường dầu mỏ khi thiếu Nga. Trớ trêu thay, việc phải hạ giá xăng để bình ổn xã hội lại buộc Tổng thống Biden bơm thêm dầu vào thị trường, đi ngược lại lời cam kết chấm dứt cơn khát dầu của nước Mỹ trước đây.
Đồng quan điểm, hãng tin CNN cho rằng việc sử dụng kho dự trữ chiến lược 600 triệu thùng dầu sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều bởi cho dù cung ứng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể bù đắp được gần 8 triệu thùng dầu/ngày của Nga. Thay vào đó, việc xả kho dự trữ chỉ mang tính biểu tượng trấn an người dân.
Trên thực tế, chuỗi cung ứng dầu của Mỹ đã gặp vấn đề từ trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ do chi phí khai thác, vận hành tăng cao hậu dịch Covid-19. Phía Nhà Trắng cáo buộc các công ty khai thác chỉ chăm chú vào trả cổ tức cho cổ đông mà không chịu tăng sản lượng, trong khi các CEO thì than vãn họ không phải tổ chức từ thiện để có thể làm phi lợi nhuận.
*Nguồn: CNN, CNBC, Bloomberg, Politico
Doanh nghiệp và tiếp thị