Nước ngoài bán ròng 13,4 triệu cổ phiếu STB khi vấn đề "room" ngoại tại Sacombank chưa ngã ngũ
Theo Sacombank, thông tin không rõ ràng về "room" ngoại sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư.
- 17-02-2023Tiếp tục tranh cãi về room ngoại tại STB: Sacombank yêu cầu VSD chịu trách nhiệm, sẽ làm việc với NHNN để bảo vệ quyền lợi
- 16-02-2023Lộ diện nhóm quỹ ngoại đã mua hơn 20 triệu cổ phiếu Sacombank trong 2 tháng qua
- 16-02-2023Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank hiện tại là bao nhiêu?
Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến hoạt động bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại tại cổ phiếu STB (Sacombank), sau thời gian dài mua gom. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 13,4 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 317 tỷ đồng; đưa STB trở thành cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên cả ba sàn tuần qua.
Riêng trong 4 phiên cuối tuần (14/2 – 17/2), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra gần 14,2 triệu cổ phiếu, giá trị xấp xỉ 336 tỷ đồng.
Tại thông báo mới nhất, Dragon Capital - nhóm quỹ đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn cho biết, đã bán ra 750.000 cổ phiếu STB trong phiên 14/2 thông qua quỹ Norges Bank. Sau giao dịch, nhóm quỹ này đã giảm lượng cổ phiếu STB sở hữu từ 113,5 triệu xuống còn gần 112,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 5,9816%.
Trước đó, trong khoảng thời gian 5/12/2022 – 8/2/2023, Dragon Capital đã mua vào tổng cộng gần 20,5 triệu cổ phiếu STB, nâng lượng sở hữu từ 93,9 triệu lên hơn 114,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại đảo chiều sang bán ròng cổ phiếu STB trong bối cảnh Sacombank và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đang có tranh cãi liên quan đến tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank.
Theo đó, ngày 14/2/2023, Sacombank gửi văn bản lên VSD, Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài. Sacombank khẳng định room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.
Sau đó, ngày 16/2, VSD đã có công văn trả lời Sacombank về vấn đề này. Cụ thể, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại. Đơn vị này cũng khẳng định từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài.
Đến ngày 17/2, Sacombank tiếp tục có văn bản khẳng định từ 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.
Theo Sacombank, việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ (23,6%) trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng và Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của nhà băng.
Sacombank cho biết sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động. Thông tin không rõ ràng về "room" ngoại sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư.
"Điều này làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời", Sacombank cho hay.
Bên cạnh đó, Sacombank nói sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ về vấn đề room ngoại. "Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định nới room. VSD cần có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài", theo văn bản ngày 17/2 của Sacombank cho hay.
Nhịp sống Thị trường