MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất

17-10-2019 - 17:08 PM | Xã hội

Tỉnh Hòa Bình đang họp báo về vụ nước nhiễm dầu thải khiến hàng vạn người dân phía Tây Nam Hà Nội khổ sở trong cảnh thiếu nước suốt nhiều ngày.

XEM CLIP:

15h30 chiều nay, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin vụ việc nước nhiễm dầu thải khiến hàng vạn người dân phía Tây Nam Hà Nội khổ sở trong suốt hơn 1 tuần qua. Cuộc họp báo do  Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Toàn chủ trì với sự tham gia của đại diện Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Dù chưa đến giờ họp báo nhưng hội trường tầng 3 UBND tỉnh đã chật kín các phóng viên báo chí.

Sáng nay, nhiều bên liên quan tới sự cố nước sạch của công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cũng có buổi họp kín.

Hôm nay, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.

17h00: Kết luận buổi họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Toản nói: Chúng tôi đã từng bước khắc phục, đây là bài học và kinh nghiệm sâu sắc cho tỉnh và các sở, ban ngành trong việc khắc phục sự cố.

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo kịp thời, trong đó có sự tham gia tích cực của bà con nhân dân các xã lân cận trong việc khắc phục sự cố.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 2.

16h50: Đại diện chi cục Bảo vệ Môi trường Nguyễn Đức Long cho biết thời gian qua UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều phương án bảo vệ, đã thực hiện cắm mốc quanh hồ. Trước mắt sẽ xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm. Về lâu dài, tỉnh sẽ quản lý, kiểm soát nước hồ bằng cách lắp đường ống kín từ sông Đà về nhà máy.

Về sự chậm trễ trong việc lấy mẫu nước, ông Long cho biết nếu lấy mẫu sớm hơn, việc phát hiện sẽ sớm hơn, việc kiểm soát chất lượng nước nếu không đáp ứng yêu cầu thì phải dừng ngay việc xử lý nước của nhà máy.

16h45: Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức cho biết trong quá trình điều tra trên cơ sở căn cứ về hành vi sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

PGĐ Công an tỉnh Hòa Bình cho biết thêm hiện đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin nhận dạng, phượng tiện đối tượng đổ trộm dầu thải, mong báo chí thông cảm.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 3.

Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức


16h30: Trả lời câu hỏi khi nào có thể cung cấp nước đảm bảo cho người dân HN, Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà Nguyễn Đăng Khoa cho biết về kết quả xét nghiệm nước ngày 16/10, đơn vị chưa nhận được nên chưa thể trả lời cụ thể.

Công ty mong sớm nhận được kết quả xét nghiệm để có thể làm việc với cơ quan chức năng của Hà Nội. Sáng 17/10, sau khi có quyết định cấp lại nước cho người dân Thủ đô, công ty vẫn đưa ra khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nước để tắm rửa, không nên dùng để ăn uống.

Công ty chưa thể đưa ra mốc thời gian cụ thể để người dân có thể yên tâm sử dụng nước cho mọi sinh hoạt hàng ngày.

16h15: Ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà cho biết: Đến thời điểm hiện tại công ty đã áp dụng các biện pháp, thuê công ty ứng phó môi trường Việt Nam để nạo vét.

Chiều 16/10, công ty đã họp khẩn với UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết việc khẳng định có xử lý được dầu hay không phụ thuộc vào chỉ tiêu kết quả đầu ra, đến 14/10 toàn bộ chỉ tiêu A, chỉ tiêu C đã đạt chất lượng theo quy định của Bộ Y tế nên chúng tôi đảm bảo chất lượng nước sẽ đảm bảo.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 4.

Phó Giám đốc Công ty Sông Đà Bùi Đăng Khoa


Chúng tôi sẽ ngồi lại xem xét lại trách nhiệm, hiện nay công an Tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án.

Khi được PV hỏi liệu công ty có đưa ra lời xin lỗi và đền bù thiệt hại với người dân HN hay không, ông Khoa nói: "Đối với vấn đề thiệt hại, chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất, mong cơ quan điều tra sớm tìm ra thủ phạm".

Khi PV tiếp tục hỏi: "Hàng triệu người dân Hà Nội không thiệt hại bằng nhà máy và chưa hề thấy đơn vị có một lời xin lỗi nào đối với người dân", thì ông Khoa cho rằng, những vấn đề này, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội đã trả lời và không nêu lại.

Về phát biểu của ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà cho rằng ngay sau khi nắm bắt sự việc vào ngày 9/10, công ty có báo cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình nhưng đến ngày hôm sau, đơn vị mới có mặt tại hiện trường, PGĐ Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã chỉ đạo công an huyện Kỳ Sơn xuống hiện trường, tổ chức xác minh sự việc và tiến hành truy xét, truy tìm đối tượng đổ chất thải.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 5.

PGĐ Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức


Ngày 9/10, công ty báo cáo với công an xã. Theo quy trình, công an xã đã có báo cáo lên công an huyện Kỳ Sơn. Đến ngày 10/10, công an tỉnh mới tiếp nhận sự việc và đã ngay lập tức chỉ đạo công an địa phương đến hiện trường, xác minh sự việc.

16h00: Đại diện Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ và công an huyện Kỳ Sơn tổ chức xác minh, lấy lời khai những người liên quan. Tổ chức truy tìm phương tiện xả thải, tham mưu cho công ty nước sạch phối hợp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả tồn đọng.

Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra công an Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội gây ô nhiễm môi trường, về quá trình điều tra, xác minh hiện nay công an tỉnh đang tiến hành truy tìm, sớm xử lý theo quy định pháp luật.

15h50: Ông Nguyễn Đức Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết sau khi nhận thông tin sáng 14/10, đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra khu vực nghi đổ dầu thải ở con suối dẫn ra nguồn nước.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đức Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường


Thông tin đưa ra ngày 14/10 là thông tin ban đầu, có thể chưa chính xác và sau khi cùng cơ quan công an, các đơn vị xuống kiểm tra mới nắm bắt rõ ràng hơn.

Đối với nguồn nước nhà máy nước sông Đà, ông Long cho biết nhà máy có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo nguồn nước an toàn để đưa vào xử lý và cung cấp cho người dân. Nhà máy phải có phương án xử lý cụ thể mới có thể đưa nguồn nước vào sản xuất trong nhà máy.

Ông Long thông tin hiện đang lấy các mẫu để đánh giá tính chất mức độ của dầu thải, chưa thể biết được đó là loại dầu thải gì. Trong vài ngày tới, cơ quan chức năng sau khi lấy các mẫu, xét nghiệm sẽ có số liệu, khoảng 1 tuần sau mới có kết quả.

15h40: Chỉ gây ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài

Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Hoàng Thư:

Hiện tại nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt, cụ thể là nhà máy nước sạch công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà và một số nhà máy xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc đổ trộm dầu thải tại xã Phúc Tiến chỉ gây ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài (đây là sự cố do con người gây ra), chưa gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 7.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Hoàng Thư. Ảnh: Trần Thường


Sau khi nhận được thông tin, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra, xác minh vụ việc. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, sở, ngành tỉnh và địa phương khẩn trương kiểm tra trực tiếp hiện trường, xác minh vụ việc. Hiện công an tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải.

Ngay sau khi phát hiện váng dầu tại kênh dẫn nước hồ Đầm Bài (ngày 9/10), công ty đã khảo sát, xác định nguồn phát sinh váng dầu trên kênh dẫn nước hồ Đầm Bài; có biện pháp ngăn chặn, thu gom dầu thải để hạn chế phát tán ra môi trường; báo cáo Công an xã Phúc Tiến, Công an tỉnh Hoà Bình (thông báo qua điện thoại).

Việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại. Việc để tạm thời cát, đất, đá, nhựa đường lẫn dầu thải trong khuôn viên nhà máy là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Công ty đã nạo vét bùn tại khu vực tiếp nhận dầu thải về phía hạ lưu khoảng 300m trên suối Trầm.

Qua khảo sát, khu vực 300m suối Trầm nêu trên cho thấy nước mặt suối Trầm là nơi tiếp nhận dầu thải tại một vài vị trí vẫn còn váng dầu thải, có mùi khét; cỏ nhiễm dầu đã được thu gom gần triệt để. Một số vị trí trên suối Trầm có vết dầu loang trên mặt nước, hai bên bờ suối.

Khu vực suối Bằng gần cầu Vật Lại có than hoạt tính; điểm tiếp nhận nước suối Bằng vào hồ Đầm Bài quan sát thấy nước trong, không có váng dầu; không mùi khét; kênh dẫn nước hồ Đầm Bài nước trong.

Sáng 10/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn xuống kiểm tra thực tế và lập biên bản vụ việc.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 8.

Ngày 14/10, Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT đã phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, UBND xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn) kiểm tra thực tế tại hiện trường. Kết quả cho thấy:

- Vị trí đổ thải trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh vẫn còn mùi khét của dầu thải, có cát đổ trên đường, khu vực sườn dốc xuống suối Trầm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 2-3 m2.

- Nước suối Trầm cách vị trí đổ thải khoảng 100m và cách vị trí đổ thải về phía hạ lưu khoảng 0,6km đều không có váng dầu, không có mùi, hai bên bờ không thấy váng dầu bám vào cây cỏ. Tại suối Bằng (cách điểm đổ dầu khoảng 2,5 km) điểm xả nước thải sau hệ thống xử lý nước thải của Công ty có màu đen (theo báo cáo công ty do sử dụng than hoạt tính trong hệ thống xử lý và rải 1 tấn than hoạt tính tại suối tiếp nhận nước thải của nhà máy).

Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, ao nuôi cá nhà ông Thắng, xã Phúc Tiến không có váng dầu, không thấy dầu bám quanh bờ ao, cá chết chưa xác định rõ nguyên nhân đã được thu gom và ủ trong 2 thùng để làm phân. Trung tâm quan trắc Môi trường miền Bắc đã lấy mẫu nước, bao gồm:

4 mẫu nước mặt (gồm: 1 mẫu ở suối Bằng cách điểm xả thải của công ty 50m về phía hạ nguồn suối, một mẫu tại hạ nguồn suối Trầm, 1 mẫu tại kênh lấy nước đầu vào của công ty, 1 mẫu tại suối Bằng sau khi tiếp nhận nước thải sau xử lý của công ty.

1 mẫu nước thải tại cống xả nước thải của công ty khi xả thải ra suối Bằng.

Kết quả kiểm tra cho thấy dù lớp nhựa trên mặt đường đã được bóc đi nhưng vẫn còn cảm thấy mùi khét của dầu thải. Phần cây cỏ xung quanh suối Trầm có dính dầu đã được thu dọn gần như triệt để. Tuy nhiên, nước suối vẫn có mùi dầu. Tại một số vị trí có hiện tượng dầu bám dính trên đá, khe đả, vẫn có mùi khét.

Sau khi vớt hết váng dầu ngày 10/10, lòng suối được rải khoảng 1 tấn than hoạt tính. Tuy công ty đã đã tiến hành thu gom, nạo vét nhưng phần còn lại vẫn chưa được xử lý bóc tách hết lớp đất nhiễm dầu.

Khu vực suối Bằng, tại điểm xả nước thải của nhà máy, quan sát cho thấy dòng chảy mạnh, nước suối đục màu vàng, đất và nước thải không trong, mặt nước suối tại vị trí xả thải từ bể bùn vẫn có màu hơi đen.

Hiện tại, Công an huyện Kỳ Sơn đã niêm phong 5 can chứa váng dầu lẫn nước. Số can này được lưu giữ tại khu chứa chất thải nguy hại của công ty.

15h35: Mở đầu họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Toản đánh giá vụ việc vừa xảy ra rất nghiêm trọng.

Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất - Ảnh 9.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Toản. Ảnh: Trần Thường



Theo Trần Thường - Đình Hiếu - Đức Yên

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên