MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước sinh hoạt ô nhiễm, người dân đổ xô tìm mua nước khoáng, nước tinh khiết để nấu ăn: Liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe?

16-10-2019 - 18:42 PM | Sống

Việc sử dụng nước khoáng, nước tinh khiết không phải là biện pháp lâu dài để thay thế nước máy bị ô nhiễm.

Nhiều ngày gần đây, cuộc sống của người dân Hà Nội gần như bị đảo lộn hoàn toàn vì sự cố nước sinh hoạt có mùi lạ. Theo thông báo chính thức của UBND Thành phố Hà Nội, nguyên nhân là do nguồn cung cấp nước tại Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu nhớt thải đổ trộm.

Ngoài ra, các mẫu xét nghiệm nước đều cho thấy hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3-3,65 lần. Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế đánh giá styren là chất chứa nhiều tạp chất, có thể gây ung thư cho con người. Trong cuộc họp mới đây, PGS. Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, nước sạch sông Đà bị nhiễm styren và có mùi nên không đảm bảo chất lượng để sử dụng.

Sự cố này đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của các hộ gia đình tại Hà Nội. Cư dân tại các khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông,... buộc phải túc trực tới nửa đêm để nhận nước sạch dự phòng từ Công ty Nước sạch Hà Nội.

Nhiều người cho biết, họ buộc phải mua nước tinh khiết hoặc nước khoáng thiên nhiên đóng chai để nấu ăn, chỉ dùng nước máy để tắm, giặt. Giải pháp này không chỉ tốn kém và còn gây ra nhiều bất tiện cho các hộ dân. Chưa kể, một số người còn lo ngại rằng việc đun nước khoáng hay nước tinh khiết để nấu ăn trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Nước sinh hoạt ô nhiễm, người dân đổ xô tìm mua nước khoáng, nước tinh khiết để nấu ăn: Liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe? - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội đi xin nước sạch trong đêm. (Ảnh: VTC News)

Phân biệt nước khoáng và nước tinh khiết

Nước khoáng được lấy từ nguồn nước tích tụ sâu trong lòng đất, lắng đọng qua thời gian. Do đó, đúng với tên gọi của nó, loại nước này rất giàu các khoáng chất như canxi, magiê, natri, kali,...

Nước tinh khiết là nước có thể lấy từ bất cứ nguồn nào (nước giếng, nước sông, nước mưa...) được tiệt trùng, tinh lọc bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hoặc trao đổi (IE). Do đó, nước tinh khiết không có thành phần vi khoáng.

Khi uống, nước khoáng tạo cảm giác vừa ngọt, vừa mặn, hơi mát và tê tê đầu lưỡi, còn nước tinh khiết thì không mùi, không vị.

Nước tinh khiết thường chỉ dùng để giải khát, cung cấp đủ hàm lượng nước cơ thể cần hàng ngày. Nước khoáng lại có thêm tác dụng giúp chữa bệnh, làm đẹp do chứa nhiều nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe.

Nước sinh hoạt ô nhiễm, người dân đổ xô tìm mua nước khoáng, nước tinh khiết để nấu ăn: Liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe? - Ảnh 2.

Có nên dùng nước khoáng và nước tinh khiết để nấu ăn?

Hiện tại, do lượng nước sạch không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nhiều người buộc phải sử dụng nước khoáng để nấu ăn. Thực chất, điều này là không nên.

Nước khoáng là loại nước có thể dùng trực tiếp luôn mà không cần đun sôi lên nữa. Khi dùng nước khoáng để nấu ăn, nhiệt độ cao sẽ tác động đến các thành phần khoáng trong nước, chẳng hạn như sinh ra cặn canxi. Ngoài ra, nước khoáng cũng chứa các thành phần khoáng chất không mong muốn như nitrat (NO3). Khi đun sôi, nitrat sẽ khử lại thành muối nitric. Đây là nguyên nhân gây cản trở quá trình vận chuyển dưỡng khí trong máu, khiến hô hấp khó khăn, tim đập nhanh... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, nước tinh khiết cũng không phải là lựa chọn hoàn toàn tốt để nấu ăn. Nước tinh khiết là nước không chứa bất kỳ một chất nào khác. Nếu sử dụng quá nhiều nước tinh khiết trong thời gian dài, cơ thể có thể bị mắc các bệnh thiếu vi chất. Ví dụ, thiếu kẽm và magiê gây ngất xỉu, tê dại chân tay,... Theo khuyến cáo, nước tinh khiết không nên chiếm quá 50% nhu cầu uống nước hàng ngày.

Do đó, đối với ăn uống, người dân nên sử dụng nước máy đạt tiêu chuẩn. Nước máy đạt chuẩn phải được tiệt trùng, đảm bảo các thành phần khoáng chất nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép. Để loại bỏ vi khuẩn có hại cho cơ thể, cần đun sôi nước máy trước khi sử dụng.

Ngọc Hà

Tổng hợp

Trở lên trên