Nuôi con "ngủ ngày cày đêm", lão nông nhẹ nhàng "đút túi" tiền tỷ mỗi năm
Chồn hương vốn là động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Quá trình nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- 26-09-2024Nuôi con đặc sản "hiền như đất", chị nông dân lãi hàng tỷ đồng/năm
- 19-09-2024Anh nông dân nuôi con "hiền lành" ham ăn, lãi 2,4 tỷ đồng/năm rất nhẹ nhàng
- 14-09-2024Nuôi con vật tận dụng cả thịt lẫn chất thải, anh nông dân thu 5 tỷ đồng/năm rất nhẹ nhàng
Chi phí ít, thu nhập cao
Chồn hương là loài động vật hoang dã, được thuần hóa để nuôi lấy thịt và xạ hương. Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã cấp phép cho người dân nuôi loài động vật có nguồn gốc tự nhiên này, nhằm cung cấp cho nhu cầu thị trường một cách hợp pháp.
Thịt chồn hương có giá trị dinh dưỡng cao, được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng. Xạ hương chồn hương cũng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
"Đột nhập'"trại nuôi chồn hương tiền tỷ, lớn nhất Bình Phước.
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương đang phát triển mạnh mẽ tại tỉnh Bình Phước. Điển hình, là trang trại nuôi chồn hương của ông Dương Xuân Trung (tại Kp 8, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành).
Với 2 khu chuồng diện tích hơn 500m2, hiện ông Trung đang nuôi khoảng hơn 400 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống.
Ông Trung chia sẻ: "Cuối năm 2023, tôi đầu tư xây dựng trang trại nuôi chồn hương. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn kỹ thuật và học hỏi từ các mô hình nuôi chồn hương thành công, tôi đã dần làm chủ được kỹ thuật nuôi và đàn chồn hương phát triển tốt. Hiện tại, mỗi năm, tôi thu về 1 tỷ đồng".
Ông Trung cho biết, ngày 20/9 vừa qua, ông vừa xuất lứa con giống đầu tiên với 30 cặp con giống cho một hộ nông dân mới bắt đầu nuôi tại tỉnh Bình Dương, với giá là 13 triệu 1 cặp.
Theo ông Trung, chồn hương có sức đề kháng cao, thức ăn dễ kiếm, khu vực chuồng nuôi không cần diện tích rộng. Mỗi lồng nuôi bằng thép được thiết kế với diện tích khoảng 1m2, có thể nuôi được 1 con.
Chuồng nuôi chồn được lắp đặt hệ thống phun sương chống nóng, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định.
Theo anh Đức, người chăm sóc và trông nom trang trại cho ông Trung chia sẻ, nuôi chồn hương không tốn nhiều chi phí.
Thức ăn chủ yếu của chồn hương là chuối chín, cá sông, tôm, cua đồng. Mỗi ngày, chi phí thức ăn cho 1 con chỉ tốn khoảng 2.000 - 3.000 đồng. Trung bình mỗi năm, 1 con chồn mẹ có thể sinh sản 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con.
Chồn hương giống có giá bán rất cao, từ 10 -14 triệu đồng/cặp. Chồn hương thương phẩm cũng có giá dao động từ 1,5-1,9 triệu đồng/kg. Nhờ vậy, mô hình nuôi chồn hương mang lại lợi nhuận rất cao cho người nuôi.
Những kinh nghiệm quý về nuôi chồn hương
Không chỉ nuôi chồn hương sinh sản phát triển kinh tế riêng cho gia đình, ông Trung còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp chồn hương giống cho những hộ mới bắt đầu nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế.
Theo ông Trung, muốn nuôi chồn hương thành công, điều tiên quyết là phải có con giống tốt. Nhưng ít nông dân để ý, giống chồn hương tốt còn phải đã được thuần với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng, thời tiết, thức ăn… tại địa phương.
"Kinh nghiệm nuôi cho thấy, ngoài giống tốt, nông dân nên chọn những trại làm giống chồn hương tại địa phương, hoặc trong vùng để mua con giống về nuôi. Bởi những con giống này đã được thuần điều kiện môi trường tại địa phương nên nuôi dễ thành công hơn", ông Trung chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Long cho biết, mô hình nuôi chồn hương sinh sản của ông Dương Xuân Trung đang cho hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi chồn sinh sản này để tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Chồn hương hay còn gọi là cầy vòi hương là loại động vật hoang dã. Cơ thể của chúng tiết ra mùi thơm được sử dụng như một loại dược liệu quý.
Nhận thấy mô hình nuôi chồn hương là hướng phát triển kinh tế mới đầy tiềm năng, nông dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã phát triển kinh tế theo mô hình nuôi chồn hương.
Với sự đầu tư bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mô hình nuôi chồn hương sẽ mở ra hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Trao đổi với Người Đưa Tin , luật sư Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Minh Bình Phước cho biết, theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì Chồn hương thuộc danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ.
Chính vì vậy khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Đồng thời, cũng cần thực hiện một số thủ tục liên quan để bảo vệ môi trường và xin cấp mã số trại nuôi tại chi cục kiểm lâm tỉnh, thành phố.
Ngành chuyên môn tỉnh Bình Phước cũng khuyến cáo, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con.
Đồng thời, người chăn nuôi cần phải mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.
Người đưa tin