MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nuôi tôm trúng tiền tỷ sau hạn, mặn

15-07-2016 - 14:00 PM | Thị trường

Một số người nuôi trúng tôm thu đợt đầu, đặc biệt đạt cỡ (size) tôm lớn 80 con/kg bán giá 140.000 đ/kg, có người lãi hơn chục tỷ đồng.

Qua đợt khô hạn khốc liệt, mưa xuống độ mặn giảm, vùng ven biển Sóc Trăng vào vụ nuôi tôm đợt 2. Một số “lão làng” của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh có vuông tôm đạt năng suất cao, thu bạc tỷ.

Thắng lớn nhờ cải tiến

Trên đường Nam sông Hậu chúng tôi ghé qua dãy ao nuôi tôm sau nhà ông Hứa Thành Hưng, thành viên của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh. Ông Hưng cho biết, cuối tháng 6 vừa qua ông thu hoạch 24 ao, tổng thu 162 tấn tôm thương phẩm, lãi hơn 11 tỷ đồng. Ông Hưng cho rằng, thành công đợt nuôi tôm thẻ chân trắng vừa qua là nhờ tăng số lượng ao lắng, ao chứa nước kết hợp nuôi cá chẽm, sau đó xử lý nước để tiếp tục nuôi tôm.

Cũng giống ông Hưng, nhưng ông Hai Hoàng chọn cá rô phi nuôi ghép, kết hợp thả mật độ thưa 30 - 50 con/m2. Kết quả trong số 30 ao chỉ hỏng có 1 ao. Ông Hai Hoàng thừa nhận: “Mấy năm vừa qua tôi thả nuôi tôm mật độ dầy và đều bị thua lỗ. Vụ nuôi năm nay, tôm thả nuôi mật độ thưa và nuôi từ nước nuôi cá rô phi trong ao lắng, đã thành công”.

Một số người nuôi trúng tôm thu đợt đầu, đặc biệt đạt cỡ (size) tôm lớn 80 con/kg bán giá 140.000 đ/kg, có người lãi hơn chục tỷ đồng.

Theo ghi nhận ở khu vực nuôi của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, đợt thu hoạch tôm cuối tháng 6 vừa qua thành công hơn mong đợi. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh nói, vùng nuôi tôm của hiệp hội có trên 2.000ha, nhưng do mấy năm qua thua lỗ nên từ đầu vụ đến nay chỉ mới thả nuôi khoảng 20% diện tích. Nhờ cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi mới, như nuôi ghép cá rô phi, cá chẽm trong ao lắng, nuôi mật độ thưa, sử dụng chế phẩm vi sinh… nên đã thắng.


Cán bộ thủy sản tham quan mô hình nuôi tôm sử dụng nước từ ao nuôi cá chẽm của ông Hứa Thành Hưng

Cán bộ thủy sản tham quan mô hình nuôi tôm sử dụng nước từ ao nuôi cá chẽm của ông Hứa Thành Hưng

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, môi trường nuôi tôm đang phục hồi tốt. Phần lớn người nuôi tôm vào vụ đợt 2 trúng mùa. Theo lũy kế từ đầu năm đến nay Sóc Trăng thả nuôi hơn 28.500 ha, cao hơn 11% so cùng kỳ, nhưng diện tích bị thiệt hại chỉ 12%, giảm so cùng kỳ 12%. Đặc biệt có người nuôi tôm thẻ trên 5.000 - 5.000 m2 ao nuôi thu 11 tấn.

Hơn 3 năm qua mô hình nuôi tôm tiên tiến của trại nuôi tôm Tân Nam (Cty CP Thực phẩm Sao Ta) ở ấp Tân Nam, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu cũng cho hiệu quả ổn định. Trong đó có hai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nhỏ (khoảng 2.000 m2/ao) lót bạt đáy và xi phông đáy, nuôi với mật độ trên 100 con/m2, đạt năng suất cao.

Môi trường phục hồi tốt

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng GĐ Cty CP Thực phẩm Sao Ta luôn quan tâm theo dõi môi trường, thời tiết vùng nuôi tôm nhận xét, qua đợt khô hạn, nắng nóng, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không lớn. Môi trường nước có dấu hiệu tốt hơn. Trại nuôi Tân Nam vẫn chú trọng xử lý nguồn nước biển vào thông qua hệ thống ao lắng và xử lý nước bằng vi sinh...

Một số hộ nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ cho biết, trước đây chất lượng đất và nước trong ao luôn rất xấu, tảo silic thường phát triển nhiều nên sau thả giống là tôm đã chết.

Sau khi Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường Sóc Trăng hỗ trợ chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường đất trong ao và men tiêu hóa hỗ trợ đường ruột cho tôm, vụ nuôi vừa qua tôm phát triển khá tốt. Chế phẩm sinh học này giúp làm sạch môi trường đất và nước, tôm nuôi không bị dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hết, Tổ trưởng Tổ hợp tác tôm – lúa ấp Hòa Nhờ B, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên ứng dụng dùng vi sinh làm sạch môi trường ao nuôi trên diện tích 1.500m2 thừa nhận tôm phát triển rất tốt, chi phí giảm hơn nhiều. Trên toàn bộ ao nuôi, ông chỉ sử dụng 5 kg chế phẩm xử lý môi trường và 5 kg men tiêu hóa, đồng thời bổ sung thêm chất khoáng, tôm vẫn đạt tỷ lệ sống cao và mau lớn.

Theo Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường Sóc Trăng, khảo sát trên 200 hộ nuôi tôm quy mô nhỏ ứng dụng chế phẩm vi sinh này trong gần 3 năm qua cho thấy mức độ thành công rất cao. ThS Mai Thi và nhóm nghiên cứu của trung tâm đúc kết: Chế phẩm này rất phù hợp với mật độ thả nuôi từ 20 - 40 con/m2 trong điều kiện độ mặn từ 5 - 15 phần nghìn. Ở mật độ 40 con/m2, chỉ sau 60 ngày, tôm nuôi đã đạt kích cỡ dưới 100 con/kg và khi tôm đạt cỡ 70 con/kg, giá thành chỉ khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg, khi nuôi tôm thẻ mật độ 20 con/m2, có thể nuôi tôm đạt đến cỡ 20 con/kg.

Trong vụ nuôi năm 2016 này, trung tâm quyết định thử nghiệm ở độ mặn đến 28 phần nghìn trên ao nuôi bị thiệt hại nhiều năm, đến nay tôm được 46 ngày tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 150 con/kg.

Theo Hữu Đức - Trường Xuân

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên