Nuôi yến tự phát, coi chừng trắng tay: Để yến sào VN vươn ra thế giới
Yến sào Việt Nam có lợi thế lớn về uy tín chất lượng nhưng cần hành động mạnh mẽ để phát huy nguồn lợi này.
- 09-04-2018Nuôi yến tự phát, coi chừng trắng tay
- 23-02-2018'Loạn cào cào' yến sào, coi chừng tiền mất tật mang
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp nuôi yến quy mô lớn, nghề nuôi chim yến đang phát triển mạnh mẽ nhưng còn mang tính tự phát, theo phong trào, đầu tư rải rác nên hiệu quả không cao. Để yến sào Việt Nam vươn tầm thế giới, cần có sự thống nhất, tập trung được công nghệ kỹ thuật; giữa các nhà yến, công ty chế biến, người kinh doanh phải có tiếng nói chung.
Chất lượng tốt nhưng vẫn yếu thế
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam", cho thấy đến tháng 3-2017, cả nước có khoảng 237 hang yến lớn nhỏ và yến nuôi tại nhà có gần 5.100 nhà yến. Với tốc độ phát triển yến sào hiện nay, đến năm 2020, cả nước sẽ có 10.000 nhà yến.
Năm 2016, một số nhà yến có sản lượng lớn như: Tại huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) thu trên 19.323 tổ/năm, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) 9.365 tổ/năm, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) 16.117 tổ/năm, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) 15.759 tổ/năm và tỉnh Khánh Hòa 17.947 tổ/năm. Sản lượng thu hoạch tại các nhà yến Việt Nam đang tăng nhanh.
Nhiều doanh nghiệp nuôi yến dự đoán khoảng 5 năm tới, việc xuất khẩu yến sào của Việt Nam là trong tầm tay Ảnh: Kỳ Nam
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Sài Gòn Anpha, cho biết ngành nuôi chim yến trong nước phát triển mạnh nhưng sản lượng khai thác yến trong nước chỉ khoảng hơn 30 tấn/năm, trong khi nhu cầu đến 40-60 tấn, do đó phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Malaysia, dù đa số hàng nhập chất lượng không bằng.
Cũng theo ông Tuấn, yến sào Việt Nam được xem là chất lượng cao, uy tín trên thế giới. Các nhà chuyên môn thế giới đã nghiên cứu, phân tích chứng minh được các thành phần dinh dưỡng cao, điều kiện nuôi theo mô hình thiên nhiên nên hội đủ các yếu tố để yến sào Việt Nam phát triển tốt nhất. "Nhiều khách hàng Đài Loan, Hồng Kông đặt mua với số lượng lớn lên đến 12-20 tấn/năm nhưng công ty phải từ chối vì hiện nay, công ty chỉ mới phát triển được 60 nhà nuôi yến, mỗi năm thu hoạch khoảng 6 tấn và chỉ tiêu thụ trong nước" - ông Tuấn cho biết.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến sào Hạnh Ngộ Nha Trang, hiện nay chất lượng yến Khánh Hòa và yến Việt Nam được đánh giá tốt hơn các nước trong khu vực nhưng ngành yến trong nước vẫn còn yếu thế vì sản lượng không đủ, thành phẩm chưa đa dạng và còn nhiều bất cập.
Ông Bành Văn Đằng, người nuôi yến hơn 10 năm ở TP Bạc Liêu, cũng lo ngại: "Tình trạng phát triển ồ ạt như hiện nay nhưng không kịp nhân đàn dẫn đến mất cân bằng. Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân".
Theo những người nuôi chim yến có kinh nghiệm ở Bạc Liêu, tuy nghề nuôi chim yến đang phát triển rất mạnh nhưng người nuôi hiệu quả thật sự là không nhiều. "Nghề nuôi chim yến không hề có trường lớp mà phải đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, rất nhiều người đặt hết niềm tin vào những "nhà tư vấn" phải dở khóc dở cười vì không dụ được yến vào nhà" - một người nuôi yến lâu năm ở Bạc Liêu cho biết.
Cần tiếng nói chung
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nuôi yến cho biết với tốc độ phát triển nuôi chim yến như hiện nay thì khoảng 5 năm tới, sản lượng sẽ tăng mạnh và tiến tới xuất khẩu là trong tầm tay. Yến Việt Nam có lợi thế lớn về uy tín chất lượng cao, được khách hàng nước ngoài tin dùng. Tuy chưa được doanh nghiệp chính thức xuất khẩu nhưng nhiều khách nước ngoài sang tận Việt Nam thu mua yến để mang đi tiêu thụ nhiều nước trên thế giới.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung cho rằng cho rằng để yến sào Việt Nam vươn tầm thế giới cần có sự thống nhất vì lợi ích chung của ngành nghề, tập trung được công nghệ kỹ thuật. Giữa các nhà yến, công ty chế biến, người kinh doanh phải có tiếng nói chung. Đặc biệt, cơ quan chức năng phải quyết tâm rà soát, chống yến giả, yến kém chất lượng. Phải ban hành các quy định chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để bảo đảm ngành yến phát triển bền vững.
Thương hiệu quốc gia "Yến sào Việt Nam" hiện đang được xây dựng và bảo vệ theo quy định của luật pháp quốc tế. Xây dựng thương hiệu "Yến sào Việt Nam" thành thương hiệu mạnh, có vị thế thương trường quốc tế mới có khả năng cạnh tranh cao với sản phẩm các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
TP HCM đang triển khai thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung ở quận 9, huyện Cần Giờ và Củ Chi nhằm phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của 3 địa phương này. Đồng thời tạo sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm và tạo nguồn thu xuất khẩu mang thương hiệu "Yến sào TP HCM". Đối với các vùng nuôi chim yến tập trung có thuận lợi về cảnh quan sẽ kết hợp phát triển với loại hình du lịch sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết kinh nghiệm và hiệu quả từ mô hình nuôi chim yến thí điểm ở huyện Cần Giờ bước đầu đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, đủ điều kiện để phát triển thành ngành nghề.
Nhóm nghiên cứu đề tài yến sào Việt Nam cũng đưa ra 15 giải pháp để phát triển, trong đó nhấn mạnh để xây dựng thương hiệu yến sào mạnh, cần xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phối hợp quản lý nghề yến các địa phương...
Yến sào Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới
Đề tài khoa học cấp nhà nước cũng chỉ ra chim yến ở nước ta là chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus), trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus Germany là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là loài cho tổ yến đảo thiên nhiên có chất lượng cao hàng đầu thế giới và chúng thường làm tổ trong hang, nẻ vách núi các đảo. Đề tài cũng đánh giá nước ta có lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi chim yến nhà tại các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vì điều kiện tự nhiên hội đủ các yếu tố để chim yến phát triển và năng suất nhà yến đạt hiệu quả cao.
Người lao động