MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng

Kỳ vọng hoạt động kinh doanh khởi sắc nhờ hưởng lợi "sóng" đầu tư công đã giúp cổ phiếu PLC tăng "bốc đầu"  trong thời gian gần đây.

Đầu tư công được coi như một giải pháp then chốt nhằm kích thích nền kinh tế cũng như có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn. Những nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ yếu tố đầu tư công bao gồm vật liệu xây dựng, thi công... Trong số đó, mảng nhựa đường được kỳ vọng hưởng lợi ở giai đoạn cuối của các dự án đầu tư công khi hoàn thiện mặt đường, Tổng công ty hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC) là đại diện tiêu biểu chiếm lĩnh thị phần hàng đầu Việt Nam.

Với tốc độ giải ngân chậm 2021-2022, Agriseco Research cho rằng năm 2023 sẽ là năm bản lề các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau khi bị đình trệ bởi dịch Covid-19 và giá nguyên vật liệu tăng cao. Chính phủ đã công bố ngân sách đầu tư công cho năm 2023 hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng - Ảnh 1.

Mảng nhựa đường thúc đẩy doanh thu tăng trưởng vượt bậc

Việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là dự án trọng điểm cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ đem đến nguồn việc dồi dào cho các doanh nghiệp nhựa đường sau nhiều năm gặp khó khăn bởi ảnh hưởng từ tiến độ đầu tư công của Chính phủ.

Đáng chú ý, với thị phần nhựa đường số 1 tại Việt Nam, chiếm khoảng 25-30%, Hóa dầu Petrolimex nhiều khả năng sẽ giành được các hợp đồng nhờ hệ thống nhà kho lớn, phân bổ rộng khắp và sở hữu mối quan hệ lâu năm với các doanh nghiệp nhà nước. Trong cơ cấu hoạt động, mảng nhựa đường chiếm từ 30 đến 55% doanh thu PLC.

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng - Ảnh 2.

Trước đây, doanh thu nhựa đường của PLC từng tăng vọt trong giai đoạn 2014-2015, khi giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông được đẩy mạnh. Đến giai đoạn 2016-2019, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giảm nhiệt cũng khiến doanh thu mảng này của PLC giảm khoảng 50% so với giai đoạn trước.

Ở giai đoạn 2020-2022, doanh thu mảng nhựa đường đã tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng của PLC khi là năm ghi nhận doanh thu đạt kỷ lục từ khi hoạt động với hơn 8.600 tỷ đồng. Trong đó, mảng nhựa đường đóng góp chủ đạo hơn 4.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% cơ cấu doanh thu.

Dù có lợi thế tham gia nhiều công trình lớn nhưng mảng nhựa đường lại không đem lại biên lãi gộp cao nhất cho PLC. Vị trí "quán quân" thuộc về mảng kinh doanh khác là dầu nhờn với mức độ tăng trưởng ổn định và không có nhiều đột biến.

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng - Ảnh 3.

Kể từ năm 2015, biên lãi gộp mảng dầu nhờn luôn đạt mức cao trên 25%, thậm chí năm 2020 ghi nhận gần 34%. Do các sản phẩm dầu mỡ nhờn phải trải qua nhiều công đoạn tinh chế phức tạp nên biên gộp thường cao. Bên cạnh đó, giá dầu thô giảm và giá bán dầu gốc tổng hợp tăng so với cùng kỳ cũng giúp biên lợi nhuận được cải thiện hơn. Chứng khoán Bảo Việt ước tính, biên gộp mảng dầu nhờn sẽ tăng lên 32% trong năm 2023, trong điều kiện giá bán dầu nhờn trong năm 2023/2024 lần lượt đạt 63/61 triệu VND/tấn.

Động lực tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi được đẩy mạnh

Trong kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công, các dự dự án trọng điểm bao gồm: Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu,.. Đồng thời, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vẫn sẽ được đẩy mạnh thi công và cố gắng hoàn thành trong giai đoạn 2022-2024. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính dự án sẽ cần 2,4 triệu tấn nhựa đường, tương đương mức sản lượng tiềm năng PLC có thể cung cấp trong 5 năm tới là 733 nghìn tấn.

Trong thời gian tới, mảng kinh doanh nhựa đường của PLC được BVSC dự báo sẽ có nhiều cải thiện nhờ tiến độ đầu tư các nhà thầu tham gia thi công Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được đẩy mạnh, ước tính tổng mức đầu tư thực tế năm 2023 sẽ tăng 25-30% so với cùng kỳ.

Ngoài ta, tiềm năng tăng trưởng của PLC còn đến từ việc tham gia vào các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông khác tại các tỉnh. Trong năm 2023, dự kiến cũng sẽ có 15 dự án không thuộc hệ thống dự án cao tốc Bắc – Nam GĐ2 được khánh thành với tổng mức đầu tư ước tính hơn 500.000 tỷ VND giai đoạn 2023 – 2026. Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 - 2026 cũng đang được hoàn thiện. Đây sẽ là những dự án PLC có thể tham gia đấu thầu và triển khai thi công, một trong những động lực động lực tăng trưởng cho mảng kinh doanh nhựa đường thời gian tới.

Đồng thời, nhờ hệ thống kho trải dài từ Bắc vào Nam, cùng năng lực sản xuất hàng năm là 400.000 tấn, cao nhất thị trường, BVSC đánh giá PLC có lợi thế rất lớn để cung cấp nhựa đường đúng lúc với chi phí hiệu quả cho bất kỳ dự án nào. Thêm vào đó, nhờ quan hệ tốt với các doanh nghiệp, nên PLC sẽ có nhiều thuận lợi để trở thành nhà cung cấp chính cho các dự án xây dựng cao tốc. Tuy nhiên, do nhựa đường thường sẽ được sử dụng vào cuối giai đoạn xây dựng, nên BVSC kỳ vọng doanh thu của PLC sẽ hưởng lợi mạnh hơn trong giai đoạn 2024-2025.

Nhóm phân tích BVSC cho biết, điểm rơi lợi nhuận của PLC sẽ vào năm 2024. Việc rải nhựa đường sẽ diễn ra vào cuối giai đoạn xây dựng (thường kéo dài khoảng 9-12 tháng sau khi đã bàn giao xong mặt bằng), do đó PLC sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ cuối quý 4/2023.

Cơ cấu cổ đông cô đặc, cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ

Cổ đông lớn nhất của PLC hiện tại là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, với tỷ lệ nắm giữ là 79,07%, và không có sự thay đổi lớn nào trong suốt thời gian này. Bên cạnh đó, PLC chỉ có duy nhất một cổ đông nước ngoài là Kiwoom Investment Asset Management (được thành lập vào năm 2010), với tỉ lệ sở hữu là 0,18%. Đây là một quỹ đầu tư của Hàn Quốc, bắt đầu tham gia vào PLC từ năm 2020.

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng - Ảnh 4.

Bên cạnh các tổ chức, các cá nhân là người nội bộ của doanh nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, tương ứng 1,29% lượng sở hữu của công ty. Trong đó nắm nhiều nhất là ông Vũ Văn Chiến (0,79% - Thành viên HĐQT – đã nghỉ hưu) và ông Hà Thanh Tuấn (0,04% - Ủy viên HĐQT).

Như vậy, với cơ cấu cô đặc, không có đối trọng lớn, BVSC đánh giá hoạt động của PLC sẽ bám theo tăng trưởng chung của ngành và định hướng của tập đoàn.

Trên sàn chứng khoán, kỳ vọng hoạt động kinh doanh khởi sắc nhờ hưởng lợi "sóng" đầu tư công đã giúp cổ phiếu PLC tăng "bốc đầu" trong thời gian gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 24/02, cổ phiếu PLC tăng 2,5% lên mức 32.800 đồng/cp, bật tăng 150% so với đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng 46% chỉ sau chưa đầy 2 tháng, vốn hóa đạt trên 2.650 tỷ đồng.

Nương theo “sóng” đầu tư công, cổ phiếu doanh nghiệp nhựa đường thị phần số 1 Việt Nam tăng 150% sau 3 tháng - Ảnh 5.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên