NYSE hủy niêm yết 3 ông lớn ngành viễn thông Trung Quốc, cổ phiếu chạm đáy nhiều tháng
Theo Bloomberg, cổ phiếu các công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh sau khi sàn NYSE thông báo họ đang tiến hành hủy niêm yết các công ty này. Động thái được đưa ra dựa theo lệnh hành pháp của Mỹ, yêu cầu trừng phạt các công ty được xác định có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.
- 03-01-2021Trung Quốc thề trả đũa sau khi Mỹ hủy niêm yết 3 doanh nghiệp viễn thông lớn
- 17-10-2020Bị đối xử lạnh nhạt, thậm chí có khả năng phải hủy niêm yết, tại sao một loạt doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tìm đến Mỹ để huy động vốn?
- 11-08-2020Các công ty Trung Quốc ráo riết IPO, huy động vốn 'càng nhiều càng tốt' trước khi chính thức bị Mỹ hủy niêm yết
Cổ phiếu của China Mobile Ltd. – lớn nhất trong 3 công ty, đã giảm tới 4,5% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, China Telecom Corp. rớt 5,6%. Cả 2 công ty này đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 11. China Unicom Hong Kong Ltd. mất 3,8%. NYSE cho biết biên nhận lưu ký (ADR) của 3 doanh nghiệp này bị đình chỉ giao dịch từ ngày 7/1 đến ngày 11/1, quá trình hủy niêm yết cũng bắt đầu.
Mark Huang – nhà phân tích tại Bright Smart Securities, nhận định: "Đây là một đòn giáng mạnh. Mặc dù lượng ADR không quá lớn, nhưng động thái này sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn. Một số quỹ theo dõi chỉ số thụ động có thể đang bán các cổ phiếu này để tránh rủi ro. Quan trọng hơn, đây là 1 lý do khác để nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu ngành viễn thông và theo đuổi các lĩnh vực có diễn biến tốt hơn."
Khối lượng cổ phiếu China Mobile tại Hồng Kông và Mỹ.
Động thái của NYSE được đưa ra theo yêu cầu của Tổng thống Trump hồi đầu tháng 11 về việc cấm Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc do quân đội nước này sở hữu hoặc kiểm soát. Mục đích là để gây áp lực với Bắc Kinh về tình trạng lạm dụng các phương thức kinh doanh.
Dẫu vậy, giới chức ngành chứng khoán Trung Quốc cho biết với lượng cổ phiếu nhỏ giao dịch tại Mỹ của 3 công ty này, thì tác động đối với họ vẫn là hạn chế và vẫn có khả năng xử lý bất kỳ sự cố nào.
Động thái hủy niêm yết chỉ là một bước đi mang tính biểu tượng trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng tăng cao, bởi các cổ phiếu này có không được giao dịch khối lượng lớn tại NYSE. Ngoài ra, 3 doanh nghiệp này cũng có thể bù đắp từ doanh thu tại Trung Quốc.
Citigroup cho biết trong 1 báo cáo nghiên cứu: "Quyết định này có thể tạo ra áp lực bán ròng ngắn hạn. Tuy nhiên, hoạt động của các công ty này chủ yếu vẫn tập trung ở nội địa. Các nguyên tắc cơ bản vững chắc cùng xu hướng hồi phục, dòng tiền dương sẽ giúp họ không bị ảnh hưởng bởi việc hủy niêm yết, theo quan điểm của chúng tôi."
Tổng giá trị ADR của 3 công ty này chưa đến 20 tỷ CNY (3,1 tỷ USD) và chiếm khoảng 2,2% tổng cổ phiếu của mỗi công ty, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết. China Telecom có 800 triệu CNY ADR và China Unicom có khoảng 1,2 tỷ CNY.
Thông thường, 1 công ty bị niêm yết khỏi sàn giao dịch ngay sau khi thông báo có hiệu lực và chuyển sang giao dịch tại quầy (OTC). Sau đó, sàn giao dịch sẽ nộp Biểu mẫu 25 cho SEC để chính thức xác nhận việc thay đổi. Công ty đó cũng thông báo ngay cho cổ đông về việc hủy niêm yết. Các cổ đông có thể lựa chọn bán/mua với mức giá thấp hơn hoặc duy trì quyền sở hữu. Trong ngày cuối cùng trên sàn, cổ phiếu này sẽ ngừng giao dịch và chuyển sang tài khoản môi giới để giữ lại cho cổ đông.
Nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell cho biết ngày 4/1 họ sẽ cân nhắc liệu có kế hoạch loại bỏ thêm cổ phiếu Trung Quốc khỏi các chỉ số hay không, sau khi Mỹ đưa thêm 1 số công ty vào danh sách bị trừng phạt trong những tuần gần đây. FTSE Russell đã đưa ra 8 công ty bị hủy giao dịch vào đầu tháng 12, sau đó MSCI và S&P Dow Jones cũng có động thái tương tự.
Trong thông báo hôm thứ Hai, các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc cho biết họ "lấy làm tiếc" về hành động của NYSE và nói rằng quyết định này có thể ảnh hưởng đến giá, cũng khối lượng giao dịch cổ phiếu của họ. Cả 3 công ty cho biết họ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ NYSE về việc hủy niêm yết.
Trong khi đó, cổ phiếu các tập đoàn dầu mỏ lớn của Trung Quốc - bao gồm CNOOC Ltd., cũng sụt giảm mạnh do lo ngại rằng họ sẽ là mục tiêu hủy niêm yết tiếp theo của Mỹ. Cổ phiếu CNOOC giảm 5,7% trên sàn Hồng Kông trong phiên giao dịch hôm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 1/12. PetroChina Co. mất 2,9% và China Petroleum, Chemical Corp. (Sinopec) cũng rớt 1,4% trước khi hồi phục.
Khối lượng cổ phiếu CNOOC tại Hồng Kông và Mỹ.
Theo nhà phân tích Henik Fung của Bloomberg Intelligence, nhà sản xuất dầu ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc – CNOOC, hiện đang đối mặt với rủi ro lớn nhất, bởi công ty này nằm trong danh sách đen của Lầu Năm Góc vì bị cho là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, PetroChina và Sinopec cũng có thể bị đe dọa vì lĩnh vực năng lượng rất quan trọng với quân đội Trung Quốc.
Tham khảo Bloomberg