MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt chốt lời chứng khoán

Ngày 23-2, thị trường chứng khoán biến động mạnh khi tăng hơn 10 điểm trong buổi sáng rồi lao dốc vào buổi chiều.

 Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 1.212 điểm - giảm 15,31 điểm so với phiên trước; HNX giảm 2,93 điểm còn 231,08 điểm; Upcom giảm nhẹ 0,41 điểm về 90,16 điểm. Thanh khoản trên cả 3 sàn đều tăng mạnh.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dòng ngân hàng bắt đầu được nhà đầu tư chốt lời vào đầu buổi chiều rồi lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác. Nhiều cổ phiếu chưa kịp tăng giá đã bị vạ lây trong phiên điều chỉnh giảm này. Tuy nhiên, mã BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ được đà tăng mạnh khi dừng ở mốc 52.000 đồng/cổ phiếu và đang ở vùng giá cao nhất trong 5 năm qua.

Theo ông Võ Kim Phụng, Phó Phòng phân tích Công ty Chứng khoán BETA, sau khi mở cửa tuần giao dịch tích cực hướng tới mốc đỉnh cao nhất trong 1 năm trở lại đây, thị trường bắt đầu xuất hiện nhịp rung lắc dẫn đến áp lực chốt lời gia tăng ở nhóm ngân hàng và bất động sản. Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng mạnh vào 2 phiên cuối tuần đã làm đảo ngược hoàn toàn vị thế mua ròng của khối này trong thời gian qua, qua đó tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho rằng dòng tiền xoay vòng quanh các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa lớn, đã đẩy VN-Index tăng khá nhanh. Khi đà hưng phấn kéo dài thì nhịp điều chỉnh giảm của một phiên phân phối ngắn hạn sau chu kỳ tăng lớn là không tránh khỏi. Ngoài ra, VN-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh 1.230 - 1.250 điểm cũng tạo áp lực chung cho thị trường.

Lý giải diễn biến thị trường, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng do các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào với chiến lược ưu tiên cổ phiếu an toàn, tính thanh khoản cao. Nhà đầu tư lớn trong nước và nhà đầu tư cá nhân "lướt sóng" cũng tận dụng cơ hội ngắn hạn để mua vào khiến lực cầu cổ phiếu ngân hàng tăng đột biến.

"Tuy nhiên, vùng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện tại đã ở mức cao khi định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) trung bình vào khoảng 15x. Đồng thời, khi nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư lớn đã mua đủ cổ phiếu nhóm này cho danh mục thì sẽ ngừng mua, gây áp lực chốt lời và giá đảo chiều. Chưa kể, lợi nhuận của ngành ngân hàng hiện chưa quá khởi sắc, chưa tương xứng với tốc độ tăng giá cổ phiếu thời gian qua" - ông Phương phân tích. 

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên