MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt đóng cửa hàng rồi tranh nhau mở mới, những ông vua bán lẻ trở lại

11-08-2024 - 08:55 AM | Doanh nghiệp

Vừa thông báo đóng hàng trăm cửa hàng, các ông lớn Thế Giới Di Động, FPT, Masan cùng lúc "khoe" mở mới hàng loạt điểm bán, báo hiệu thị trường bán lẻ qua cơn bĩ cực.

Ngay trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 vừa công bố tháng 7, các nhà bán lẻ lớn nhất thị trường từ công nghệ, điện máy, hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, dược phẩm... cùng cho biết đã phải đóng hàng trăm cửa hàng để tối ưu lợi nhuận.

Đóng mở ồ ạt

Gây ngạc nhiên nhất là FPT Shop khi ngày đầu tháng 8 đã khai trương cùng lúc 10 cửa hàng điện máy tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang..., khẳng định thị trường có thêm một chuỗi cửa hàng điện máy, đồ gia dụng mới.

Ồ ạt đóng cửa hàng rồi tranh nhau mở mới, những ông vua bán lẻ trở lại- Ảnh 1.

FPT Shop bước chân vào thị trường điện máy, hàng gia dụng cạnh tranh với Thế Giới Di Động. (Ảnh: H. Anh)

Danh mục sản phẩm FPT Shop bán tại các cửa hàng điện máy rất đa dạng, từ tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt đến đồ gia dụng của hàng chục thương hiệu lớn, quen thuộc với người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong cửa hàng điện máy của FPT cũng cũng có một khu vực nhỏ bán điện thoại, máy tính, thiết bị công nghệ... giống hệt các cửa hàng Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động.

Ông Nguyễn Việt Anh - Phó tổng giám đốc FPT Retail, cho rằng việc chào sân cùng lúc 10 cửa hàng điện máy đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược đầu tư và phát triển lĩnh vực điện máy, gia dụng của công ty. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, nâng số cửa hàng điện máy lên 50 cửa hàng trong năm 2024.

Điện máy, gia dụng là ngành hàng hoàn toàn mới với FPT Shop, khi nhà bán lẻ này mới chính thức gia nhập thị trường được 7 tháng, vào đầu năm 2024.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức tháng 4 vừa qua, Chủ tịch FPT Retail, bà Phạm Bạch Điệp, nhận định nhu cầu của ngành hàng ICT (điện thoại, thiết bị công nghệ) năm 2024 nhiều bất ổn, sẽ đi ngang và chùng xuống trong nửa đầu năm. Do vậy năm nay công ty sẽ tập trung vào những ngành hàng tăng trưởng cao, trong đó có nhóm điện máy, dù là ngành hàng mới.

Theo bà Điệp, ngành hàng điện máy, gia dụng chiếm dưới 5% doanh thu FPT Shop, nhưng có nhiều cơ hội tăng trưởng.

" Mục tiêu năm 2024 của chúng tôi là đẩy mạnh mảng điện máy, vừa tăng tỷ trọng đóng góp vừa tăng quy mô cho chuỗi, dự kiến tốc độ tăng trưởng 50 - 100% ", bà Điệp cho biết.

Đáng chú ý, việc chào sân chuỗi điện máy của FPT Shop diễn ra trong bối cảnh vừa đóng hàng trăm cửa hàng máy tính, điện thoại. Trong báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT Retail (FRT) cho biết đã có hàng trăm cửa hàng FPT Shop phải đóng cửa. Trong đó, chỉ riêng quý II, khoảng 100 cửa hàng FPT Shop đã đóng.

Việc đóng các cửa kinh doanh kém hiệu quả nhằm tối ưu hóa hệ thống và "cải tổ" chuỗi FPT Shop.

Ồ ạt đóng cửa hàng rồi tranh nhau mở mới, những ông vua bán lẻ trở lại- Ảnh 2.

Nhóm hàng điện thoại, công nghệ vẫn chưa qua cảnh khốn khó khi người tiêu dùng thắt chặt, hàng trăm cửa hàng kinh doanh sản phẩm này liên tục đóng cửa mỗi tháng. (Ảnh: P.M)

Tính đến hết tháng 6/2024, FPT Shop còn 642 cửa hàng điện thoại, máy tính trên khắp cả nước. Doanh thu của nửa đầu năm 2024 giảm 15% so với cùng kỳ 2023, đạt 6.923 tỷ đồng. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng.

Cũng có những động thái tương tự FPT Shop, những ngày gần đây, fanpage tuyển dụng của Bách Hóa Xanh liên tục cập nhật thông tin mở mới cửa hàng. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Bách Hoá Xanh đã mở 7 cửa hàng tại TP HCM. Trong tháng 8 cũng dự kiến có 7 cửa hàng mới mở tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Con số này cao hơn khá nhiều so với tháng 5, tháng 6 chỉ 2-3 cửa hàng mỗi tháng.

Suốt thời gian dài tính từ năm 2022, Bách Hoá Xanh gần như không thêm cửa hàng mới mà phải đóng bớt điểm bán không hiệu quả. Việc mở mới trở lại chuỗi cửa hàng bách hóa này là nhờ nửa đầu năm nay, bán lẻ khởi sắc lại.

Báo cáo tài chính ghi nhận nửa đầu năm 2024, Bách Hoá Xanh có doanh thu 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chuỗi lần đầu tiên có lãi gần 7 tỷ đồng kể từ khi ra mắt thị trường năm 2015.

Trong năm nay, Bách Hoá Xanh đưa ra kế hoạch mở mới 100 cửa hàng, rộng ra miền Trung, miền Bắc. Hiện Bách Hóa Xanh có hơn 1.700 cửa hàng hoạt động.

Tuy nhiên, chuỗi Điện Máy Xanh với mô hình y hệt điện máy FPT Shop trong nửa đầu năm nay đã phải đóng đến 91 cửa hàng, chỉ còn 2.093 điểm bán. Tương tự, 25 cửa hàng điện thoại Thế Giới Di Động cũng phải dừng hoạt động. Nhà thuốc An Khang cũng đóng tới 45 điểm bán, chỉ còn 481 nhà thuốc hoạt động.

Cửa hàng offline vẫn khó thay thế

Ông lớn Masan Group với thế mạnh là nhà sản xuất, cung ứng nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu đang đẩy mạnh mở mới cửa hàng với con số ít nhất mỗi ngày 1 điểm bán.

Ồ ạt đóng cửa hàng rồi tranh nhau mở mới, những ông vua bán lẻ trở lại- Ảnh 3.

Doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư mở mới cửa hàng truyền thống dù xu hướng mua sắm nhiều thay đổi. (Ảnh: T. Tân)

Theo thông tin mới đây từ Nikkei Asia, bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce - đơn vị vận hành các chuỗi WiN và VinMart+, cho biết mục tiêu đầy tham vọng mà doanh nghiệp đặt ra là đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030.

Đến hết tháng 6/2024, hệ thống này có 3.673 điểm bán. Như vậy để đạt con số 10.000 cửa hàng như mục tiêu đặt ra, mỗi năm Masan sẽ phải mở mới khoảng 1.000 cửa hàng.

Trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 vừa công bố, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết sẽ đẩy nhanh mở mới cửa hàng trong nửa cuối năm nay. Mục tiêu là đạt khoảng 100 cửa hàng mới mỗi quý, tức tương đương hơn 1 cửa hàng mỗi ngày. Hiện Masan không chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà đang mở rộng tới các khu vực nông thôn.

Trong quý II/2024, WinCommerce có doanh thu 7.844 tỷ đồng. Một phần thành công của WinCommerce được cho là sự phục hồi của tiêu dùng, và các cửa hàng lần đầu tiên có lãi kể từ khi về tay Masan năm 2019. Năm nay, 80% cửa hàng dự kiến sẽ có lãi.

Theo số liệu thống kê, thị trường bán lẻ và dịch vụ Việt Nam đã tăng trưởng 10% trong năm 2023, đạt 6,23 triệu tỷ đồng, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng gần 8% mỗi năm. Bán lẻ vẫn hấp dẫn dù kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu thắt chặt thế nào.

Ồ ạt đóng cửa hàng rồi tranh nhau mở mới, những ông vua bán lẻ trở lại- Ảnh 4.

Đẩy mạnh mở mới các điểm bán lẻ, Masan tham vọng đạt 10.000 cửa hàng WiN, Vinmart+ vào năm 2030. (Ảnh: H. Hạnh)

Đặc biệt, xu hướng mua sắm dù được cho là đã thay đổi, người mua hàng không còn tập trung vào cửa hàng truyền thống mà đẩy mạnh mua online qua các nền tảng, song theo các nhà nghiên cứu thị trường, cửa hàng offline vẫn khó thay thế.

Bà Ngọc Dung, Trưởng nhóm SMB Việt Nam của Nielsen IQ, cho rằng người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên mua sắm kiểu truyền thống với hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt thực phẩm và đồ uống, các hàng hóa thiết yếu, sản phẩm có tính trải nghiệm. Kênh mua sắm offline sẽ có sự thay đổi về lựa chọn mô hình cửa hàng chứ không thể thay thế, người mua đang có xu hướng giảm mua sắm tại siêu thị lớn, tăng chi tiêu tại các siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi.

Còn kênh online phần lớn thuần về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân. Ngoài ra, cửa hàng truyền thống còn một lợi thế đặc biệt mà kênh online không thể làm được, đó là lựa chọn để các nhãn hàng làm thương hiệu. Khi thương hiệu phổ biến thì mới có thể kinh doanh tốt ở kênh online. Đó là lý do dù online sẽ là xu hướng nhưng các chuỗi vẫn đẩy mạnh mở cửa hàng truyền thống.

Theo Hà Linh

VTCNews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên