MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ồ ạt" hơn 50% vốn bán ra chỉ sau 3 phiên lên sàn, TNI có gì đặc biệt?

01-06-2017 - 10:13 AM | Doanh nghiệp

Cổ phiếu TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam vừa lên sàn đã lập tức gây sự chú ý của giới đầu tư. Điều đáng nói, con mắt dồn về TNI không phải bởi kết quả kinh doanh khả quan hay sản phẩm độc đáo mà ở tỷ lệ vốn chuyển nhượng kỷ lục trong vỏn vẹn 3 phiên.

Với vốn điều lệ 210 tỷ đồng, tương ứng 21 triệu cổ phiếu được đưa lên niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 29/5. Chỉ 3 phiên giao dịch, tổng khối lượng được chuyển nhượng đã lên đến 11,14 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng với 53% trên tổng số cổ phần đang lưu hành của Công ty.

Trong phiên giao dịch đầu tiên, TNI tăng kịch trần (xấp xỉ 20%) từ mức giá tham chiếu 10.900 đồng/cổ phiếu lên mức giá 13.050 đồng/cổ phiếu phiếu. Phiên giao dịch ngày 30/5/2017, TNI tiếp tục tăng lên 13.450 đồng/cổ phiếu trước khi mất gần 4,5% giá trị trong phiên giao dịch ngày 31/5.


Biến động giá cổ phiếu và KLGD cổ phiếu TNI 3 phiên lên sàn

Biến động giá cổ phiếu và KLGD cổ phiếu TNI 3 phiên lên sàn

Gần 80% cổ đông ‘ẩn danh’

TNI, tức Tập đoàn Thành Nam được thành lập vào ngày 15/07/2004 với vốn điều lệ 500 triệu đồng, hoạt động chính là thương mại, cung cấp các sản phẩm inox dạng tấm, cuộn…

Năm 2010, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng sau đó tiếp tục tăng vốn lên 100 tỷ đồng trong năm 2012. Lần tăng vốn gần nhất, TNI không ghi rõ thời điểm mà chỉ cho biết: “Đã tăng vốn điều lệ 05 lần, đến nay vốn điều lệ của Công ty là 210 tỷ đồng.”

Hồi tháng 10/2013, CTCP Liên doanh Đầu tư quốc tế FLC (HNX: KLF) có công bố thông tin hoàn tất thủ tục mua lại 30% vốn điều lệ của TNI và trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn này. Đối tác chuyển nhượng là 2 cổ đông lớn tại Tập đoàn Thành Nam, gồm ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Nguyễn Xuân Thu. Tại thời điểm đó, TNI có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2015 của TNI được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY ACO cho thấy, vốn điều lệ của TNI đã được tăng gấp đôi từ 100 tỷ lên 200 tỷ đồng vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, đến thời điểm Công ty niêm yết lên sàn HOSE, danh sách cổ đông lớn đã không còn tên KLF. Hiện tại, TNI có 4 cổ đông lớn, nắm giữ trên 5% cổ phần bao gồm vợ chồng Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường và bà Vũ Thị Thu Hương nắm giữ tổng cộng 12,49%, Tổng giám đốc Đỗ Thị Thanh Hương nắm giữ 5,19% và Công ty cổ phần Chứng khoán MB nắm giữ 5%. Gần 80% chủ sở hữu của TNI còn lại là cổ đông ‘ẩn danh’.

Hiện Hội đồng quản trị của TNI bao gồm Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hùng Cường, 4 thành viên HĐQT là bà Đỗ Thị Thanh Hương (kiêm Tổng giám đốc); bà Vũ Thị Thu Hương; ông Trịnh Văn Đại và ông Nguyễn Văn Mạnh. Được biết, ông Trịnh Văn Đại và ông Nguyễn Văn Mạnh là 2 cổ đông có liên quan đến KLF.

Cổ phiếu KLF hiện chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu sau khi cắm đầu giảm từ cuối năm 2014.

Tài sản, hoạt động kinh doanh của TNI có gì?

TNI ngoài việc là một công ty thương mại thì còn có thêm hoạt động đầu tư vào bất động sản tại Đà Nẵng. Hiện tại, TNI có 55 tỷ đồng ủy thác đầu tư vào bất động sản Sơn Trà và báo cáo quý I/2017 cho thấy đơn vị đang sở hữu quyền sử dụng 2.034 m2 đất tại lô A1.1, đường Hoàng Sa, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Thửa đất này được TNI ghi sổ với giá trị bất động sản đầu tư đang nắm giữ là 153 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của TNI thì không mấy sáng sủa cùng dòng tiền có dấu hiệu cạn kệt. Khả năng thanh khoản của TNI ở mức rất thấp khi tài sản ngắn hạn cuối năm 2015 chỉ bằng 76% so với nợ phải trả ngắn hạn (nợ vay ngân hàng chiếm 209 trong số 327 tỷ đồng). Khả năng thanh toán nhanh năm 2015 dựa trên khoản phải thu và tiền mặt (215 triệu) thì chỉ ở mức 0,42 lần.

Báo cáo tài chính của TNI trong năm 2015 cũng cho thấy, trong năm này mặc dù tổng tài sản giảm nhẹ xuống còn 547 tỷ đồng nhưng trên bảng cân đối kế toán của TNI có sự xuất hiện của khoản bất động sản đầu tư giá trị ghi nhận lên đến 280 tỷ đồng. Phía ngược lại, khoản mục ‘phải thu ngắn hạn khác’ giảm từ 164 tỷ đồng xuống còn 13 tỷ đồng, ‘đầu tư vào liên doanh liên kết’ vào CTCP Inox Thành Nam 40 tỷ đồng mất đi.

Tuy nhiên, trước thời điểm lên sàn, BCTC năm 2016 cho thấy, TNI đã "biến" 1 phần giá trị đó thành khoản mục ‘đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn’. Đồng thời, khác với hầu hết các công ty khác, khoản mục ‘đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn’ của TNI không phải là tiền gởi (gần như chắc chắn thu được khi đến hạn).

Cuối tháng 12/2016, ngay thời điểm chốt báo cáo tài chính năm 2016, TNI đã làm 4 hợp đồng ủy thác đầu tư cho 4 số cá nhân đầu tư vào bất dộng sản Sơn Trà, Đà Nẵng (theo diễn giải của TNI). Theo đó, TNI ghi nhận được 55 tỷ đồng vào khoản mục ‘đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn’.

Với việc ghi nhận khoản mục trên vào tài khoản thanh khoản có thể giúp cải thiện chỉ số thanh toán về mặt sổ sách. Thế nhưng thực tế có khác? Báo cáo quý I/2017 của TNI thậm chí còn bi đát hơn. DN này hiện chỉ còn 99 triệu đồng tiền mặt. Trong kỳ, dù báo cáo kết quả kinh doanh ghi nhận lợi nhuận 2 tỷ đồng, nhưng tiền chảy về tài khoản thì âm. TNI phải đi vay ngắn hạn thêm hơn 42 tỷ đồng, nâng tổng nợ vay ngắn hạn lên 236,4 tỷ đồng để bù chi phí.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành

Trở lên trên