Ồ ạt rút BHXH một lần: Đừng để người lao động khủng hoảng niềm tin
Cần giữ nguyên số năm đóng BHXH và giảm tuổi nghỉ hưu
Theo bạn đọc Báo Người Lao Động, nểu chính sách BHXH công bằng, ưu việt và phù hợp, người lao động sẽ không rút BHXH một lần.
- 02-06-2022Đề xuất bảo lưu thời gian đóng sau khi hưởng BHXH một lần
- 02-06-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết cơ bản mọi vấn đề
- 01-06-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Càng giảm thời gian đóng thì càng nhiều người rút
Liên quan đến đề xuất của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, trên Báo NLĐO có bài viết "Ổ ạt rút BHXH một lần: Còn ai tha thiết với lương hưu?". Bài viết nhận được nhiều độc giả, cho rằng cách đặt vấn đề của chúng tôi rất thỏa đáng, sát sườn với cuộc sống.
Theo bạn đọc Phạm Duy Biên, các nhà làm luật phải cố gắng theo nguyên tắc win -win, có nghĩa người lao động và nhà nước đều có lợi. "Phải quản lý quỹ tốt, đừng vì chỉ đối phó với rút một lần và vỡ quỹ BHXH mà đưa ra các quy định không phù hợp. Nểu chính sách bhxh công bằng, ưu việt và phù hợp, người lao động sẽ không rút bhxh một lần"- bạn đọc này khẳng định. Bạn đọc Võ Thị Kim Oanh bức xúc: "Theo tôi thấy BHXH vô lý ở chỗ tính 25 năm lúc trước thì đùng một cái 30 năm mới được hưởng đúng 75% lương cơ bản . Trong khi đó tuổi hưu thì tăng có lộ trình mỗi năm tăng 3 hay 4 tháng mà số năm đóng bảo hiểm tăng 5 năm không hề có lộ trình. NLĐ bị BHXH đơn phương phá vỡ hợp đồng mà không ai bênh vực". Theo bạn đọc Hà Nguyễn, giảm tuổi nghỉ hưu là giải quyết nhiều vấn đề của BHXH. Khách hàng thấy đích đến gần họ sẽ tham gia. Đây là cuộc đua đường dài mà. Đích xa họ sẽ chán và bỏ cuộc thôi.
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Trực, việc BHXH nói một bộ phận NLĐ rút BHXH một lần vì thời gian tham gia để được hưởng lương hưu quá dài là ngụy biện. NLĐ rút BHXH 1 lần là do thời gian đóng dài thêm và tuổi nghỉ hưu cũng tăng lên. Bạn đọc Thanh Phạm bày tỏ: "Tôi khẳng định là việc giảm năm đóng xuống 15 năm rồi kế hoạch 10 năm mà không giảm mức tuổi như hiện nay thì càng làm cho người lao động ở ngoài khối nhà nuóc càng thêm lo, lo là vì chờ quá lâu. Chung quy lại nếu không giảm tuổi hưu và không đều chỉnh lại mức hưởng thì mọi việc cũng thế, hiện nay đóng đủ 20 thì người lao động đã chưa tới tuổi hưu đã bị tước quyền rút BHXH 1 lần, thử nghĩ giảm xuống 15 năm thì cũng vậy thôi. Nói tóm lại, càng hạ số năm đóng người lao động càng thiệt. Tôi nghĩ cơ quan soạn thảo nên lắng nghe tâm tư người lao động trước khi đưa luật vào thực tế". Cùng góc nhìn, bạn đọc Phạm Trinh cho rằng việc quy định tuổi hưởng hưu quá dài nên NLĐ rút 1 lần mới nhiều chứ không phải lý do nào khác. Do vậy, nên giữ nguyên như lúc trước thì tốt nhất. Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi".
Việc quy định tuổi hưởng hưu quá dài nên người lao động chọn lựa rút 1 lần
Theo nhiều bạn đọc, điều cốt lõi nhất là hạ tuổi nghỉ hưu xuống và năm đóng bảo hiểm cho người lao động ngoài nhà nước. Người làm chính sách phải tìm hiểu thực tế cuộc sống người lao động, phải tính toán sao cho những người tham gia bảo hiểm khi đến lúc nghỉ hưu thì đồng tiền mồ hôi công sức của họ phải đảm bảo cuộc sống. Góp ý hoàn thiện chính sách BHXH, bạn đọc tên Bình đề xuất: "Cần giữ nguyên số năm đóng BHXH và giảm tuổi nghỉ hưu. Mọi người đã thấy, nếu tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55 thì đâu có tình trạng rút một lần nhiều. Do vậy, cơ quan soạn thảo luật cần nhìn thấy vấn đề không nên bao biện lái đi hướng khác được".
Thời điểm lĩnh lương hưu do người lao động tự quyết khi đã đóng đủ BHXH
Bạn đọc Vũ Minh Phươngg góp ý: "Theo tôi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động BHXH nên thực hiện đóng bao nhiêu hưởng tương tự bấy nhiêu không nên qui định về tuổi nghỉ hưu. Ai có sức khỏe thì tiếp tục làm việc, ai có nguyện vọng nghỉ hưu thì nên giải quyết cho nghỉ. Việc ồ ạt rút BHXH 1 lần là gánh nặng trong công tác an sinh xã hội sau này". Một bạn đọc giấu tên đề xuất ý kiến: "Đóng bao nhiêu hưởng bao nhiêu. Thời điểm lĩnh lương hưu do người lao động tự quyết khi đã đóng đủ BHXH. Mức đóng, hệ số lương phải theo mức lương mức sống tối thiểu vùng. Quan trọng nhất là bỏ ngay việc 60-62 tuổi mới được lương hưu mà nghỉ trước thì bị trừ 2% mỗi năm. Chứ đóng BHXH đủ mức tối thiểu 45% nhưng mất việc nghỉ trước 60 tuổi 15, 20 năm thì mất trắng nếu không rút 1 lần".
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thanh Tuy góp ý: "Cứ đóng BHXH đủ 20 năm là được hưởng lương hưu luôn, không cần phải quy định tuổi như hiện nay thì người lao động cố gắng phấn đấu để lấy lương hưu, Còn nếu có giảm xuống 15 năm hay là 10 năm đóng BHXH mà vẫn bắt buộc phải đủ tuổi quy định như hiện nay thì người lao động vẫn lựa chọn rút một lần". Cùng góc nhìn, bạn đọc Hoàng Anh bày tỏ: "Nên giảm tuổi nghỉ hưu thì người lao động mới không rút BHXH một lần. Những người làm chính sách lên đặt mình vào những người lao động xem họ mong muốn điều gì chứ cứ giảm năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu thì người lao động không chờ được".
Đừng soạn thảo luật trên bàn giấy
"Muốn luật đi sát thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động kính xin những nhà làm luật bỏ chút thời gian vàng ngọc đi thực tế, nghe người lao động nói, nhìn người lao động làm, tìm hiểu cung cách sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nắm vững sự hao mòn, tái tạo sức khỏe của người lao động trước khi khởi thảo điều luật. Đừng soạn thảo luật trên bàn giấy"- bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh, góp ý.
Người Lao Động